Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, dịch tả heo châu Phi tại nhiều địa phương hiện đã dần được kiểm soát, số lượng heo bị tiêu hủy thống kê trong tháng 8/2019 thấp hơn các tháng trước.
Cụ thể, số heo tiêu hủy trong tháng 8 của các địa phương tính đến 19/8 khoảng 475.700 con (tháng 7/2019 là 883.7000 con) và ước tính tổng đàn heo cả nước tại thời điểm tháng 8/2019 giảm khoảng 18,5% so với cùng kỳ.
Tính từ tháng 2/2019 đến 20/8/2019, dịch tả heo châu Phi đã xẩy ra tại 62 tỉnh thành, tổng số heo đã tiêu hủy là 4.426.236 con, tương đương 255.505 tấn. Dịch tả heo châu Phi đã làm cho thị trường thay đổi lớn về cán cân cung-cầu, nhất là nhũng tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.
Vào thời điểm này, tại khu vực miền Đông Nam bộ, nguồn cung thịt heo đã giảm mạnh, tuy nhiên giá bán đã nhích dần lên và sức mua đã tăng trở lại.
Tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu giá heo hơi bình quân thương lái thu mua 40.000 đồng/kg, thấp hơn so với khu vực miền Bắc từ 5.000-8.000 đồng/kg.
Ông Trần Văn Bảy (chủ trại chăn nuôi heo ở xã Gia Canh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) cho biết, từ đầu tháng 9/2019 đến nay tình hình thu mua heo đã tăng trở lại, thương lái thu mua mang đi TP. Hồ Chí Minh, ra miền Bắc và xuất đi Trung Quốc, nơi giá heo đang cao gấp đôi ở Việt Nam.
Theo ông Bảy, nhu cầu về thịt heo của thị trường đã tăng dần trong những ngày qua, nhưng dịch tả heo Châu Phi đã làm cho khu vực huyện Định Quán, huyện Thống Nhất, huyện Xuân Lộc vốn là thủ phủ nuôi heo của Đồng Nai tổng đàn đã giảm đến 60 --70% so với trước.
Thịt heo vẫn là thực phẩm chính trong mỗi gia đình
Theo các chủ trang trại chăn nuôi heo ở khu vực Đồng Nai, từ nay đến cuối năm giá heo hơi sẽ còn tăng mạnh bởi hai nguyên nhân: nguồn cung giảm, nhu cầu tiêu thụ thịt heo dịp cuối năm tăng mạnh và thị trường Trung Quốc đang thiếu hụt thịt heo trầm trọng sẽ mở cửa nhập khẩu chính ngạch thịt heo Việt Nam.
Theo thống kế của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, mức tiêu thụ thịt heo của thị trường Việt Nam chiếm tới 70%, như vậy nguồn cung thịt heo của ngành chăn nuôi đã giảm mạnh có gây nên tình trạng “khan hàng sốt giá” đối với mặt hàng thịt heo trong dịp cuối năm?
Để giải bài toán thit heo cho nhu cầu của thị trường dịp cuối năm, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã khuyến nghị các địa phương tái đàn heo theo hướng an toàn sinh học; đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, thủy sản và nhập khẩu thịt bò, gà để thay thế thịt heo sản xuất trong nước.
Thống kê của Cục Chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2019, số lượng đàn gia cầm trên cả nước đã tăng đến 13-40% so với cùng kỳ năm 2018.
Cũng trong 8 tháng đầu năm, không tính thịt heo, thị trường Việt Nam đã nhập khẩu hơn hơn 98.000 tấn thịt gà và 370.000 con bò để cung cấp thịt cho thị trường.
Tại thị trường TP. Hồ Chí Minh dịp cuối năm, nguồn cung thịt heo dự báo sẽ có nhiều biến động nhưng ngành Công Thương thành phố đã chuẩn bị nhiều kịch bản để bình ổn thị trường.
Nhu cầu tiêu thụ thịt heo của thị trường TP. Hồ Chí bình quân khoảng 10.000 con heo/ngày, dip cận Tết Nguyên đán tăng khoảng gấp rưỡi đến gấp đôi so với ngày thường, trong đó 80% thith heo do các địa phương cung cấp.
Ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, nguồn cung thịt heo bình ổn thị trường năm 2019, ngành Công Thương có kế hoạch chuẩn bị 4.091 tấn/tháng, chiếm 21% thị phần.
Trong đó, các doanh nghiệp chủ lực như Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn 200 tấn/tháng; Vissan 1.315 tấn/tháng; Công ty C.P Việt Nam 225 tấn/tháng; Công ty Anh Hoàng Thy 60 tấn/tháng; Công ty San Hà 700 tấn/tháng; Saigon Co.op cung ứng 1.510 tấn/tháng; Hệ thống BigC 31 tấn/tháng.
Theo ông Đông, ngoài sản lượng thịt heo của các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường đã có kết hoạch chuẩn bị, ngành Công Thương thành phố đã có kế hoạch đôn đốc các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn hàng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt gà, trứng gia cầm; đảm bảo cung ứng đạt hoặc vượt kế hoạch thành phố giao trong mọi tình huống biến động của thị trường trong dịp cuối năm.
Cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp chủ lực cung cấp thực phẩm cho thị trường thành phố đã có kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa cho dịp cuối năm với số lương khá dồi dào.
Công ty Vissan có kế hoạch dự trữ 3.600 tấn trong thời gian 45 ngày; nhập khẩu thịt nếu có biến động lớn; Công ty San Hà trữ đông 1.500 tấn thịt heo, gà; tăng lượng cung ứng lên 200 tấn thịt gà/ngày, 25 tấn thịt heo/ngày.
Công ty Ba Huân trữ đông 200 tấn thịt gà, tăng lượng cung ứng 20 tấn thịt gia cầm. Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn xuất chuồng heo dưới tuổi (từ 80 – 90kg/con), tập trung phát triển nguồn heo giống, hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn.
Công ty C.P Việt Nam cung ứng vượt kế hoạch thành phố giao; triển khai biện pháp kỹ thuật, xuất chuồng sớm, tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng thịt heo.
Ngoài năng lực chuẩn bị của các doanh nghiệp, ngành Công Thương thành phố còn tính đến các giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu mặt hàng thịt heo với hai tình huống thị trường.
Theo đó, tập trong vào ba khâu cơ bản là chuẩn bị đủ lượng thịt heo, cấp đông thịt heo; thay thế các loại thực phẩm khác như thịt gà, thị bò, các laoij cá, rau của quả; sẽ nhập khẩu thịt heo để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Từ diễn biến của thị trường, cùng với sự chuẩn bị của ngành chăn nuôi và các doanh nghiệp, các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chủ lực nhận định, dịp cuối năm thịt heo chắc chắn sẽ xẩy ra biến động về nguồn cung, giá có thể tăng nhưng mức độ khan hiếm nguồn hàng và giá tăng cao sẽ khó xẩy ra.