Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cao su thế giới tăng do ngành sản xuất ô tô Trung Quốc khôi phục và nguồn cung giảm
02 | 03 | 2020
Tuần 3 tháng 2/2020 giá cao su trên thị trường thế giới tăng do ngành sản xuất ô tô tại Trung Quốc đang khôi phục sản xuất và nguồn cung giảm do đang là mùa thấp điểm khai thác cao su.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tuần thứ 3 của tháng 2, giá cao su trên thị trường thế giới tăng so với tuần trước đó.

Cụ thể, trên Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), ngày 24/2, giá cao su RSS3 giao kì hạn tháng 3/2020 giao dịch ở mức 184,6 yen/kg, tương đương 1,65 USD/kg, tăng 5% so với ngày 14/2.

Diễn biến giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 3/2020 tại sàn Tocom năm 2020 (ĐVT: yen/kg). Nguồn: Bộ Công Thương/Tocom.or.jp

Tại Thượng Hải, ngày 24/2, giá cao su RSS3 giao kì hạn tháng 3/2020 giao dịch ở mức 11.625 NDT/tấn, tương đương 1,65 USD/tấn, tăng 2,4% so với ngày 14/2.

Tại Thái Lan ngày 21/2, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 50,1 Baht/kg, tương đương 1,58 USD/kg, tăng 2,2% so với ngày 14/2.

Giá cao su tăng trở lại trên các thị trường chủ chốt do ngành sản xuất ô tô tại Trung Quốc đang khôi phục sản xuất, trong khi nguồn cung trên thị trường ở mức thấp do cây cao su tại các nước sản xuất chính vào mùa thấp điểm khai thác.

Theo một số chuyên gia tại hãng Sara Traders thuộc thành phố Kottaya, bang Kerala, Ấn Độ, nguồn cung cao su tại Ấn Độ tương đối thấp so với mọi năm do điều kiện thời tiết tại vùng nguyên liệu Kerala không thuận lợi.

hông thường, mùa thu hoạch mủ cao su diễn ra từ tháng 10 đến tháng 3 sang năm. Tuy nhiên, mùa lấy mủ cao su niên vụ 2019 - 2020 kết thúc vào tháng 2/2020, do thời tiết nắng nóng kéo dài. Trong khi nhập khẩu cao su của Ấn Độ cũng giảm, khiến nguồn cung cao su nội địa gặp khó khăn.

Theo một số nhà phân tích tại J K Tyres, ngành sản xuất lốp ô tô của Ấn Độ đang thiếu nguồn cung cao su tự nhiên, khi mà ngành sản xuất ô tô đang có dấu hiệu phục hồi. 

Báo cáo của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cho biết năm 2019, sản lượng và nhu cầu cao su tự nhiên thế giới đều giảm so với năm 2018. 

Theo ANRPC, sản lượng cao su tự nhiên thế giới năm 2019 giảm 0,7%, xuống còn 13,8 triệu tấn do hơn 480.000 ha cao su bị bệnh nấm. Lượng tiêu thụ cao su tự nhiên năm 2019 cũng giảm 1% so với năm 2018, xuống còn 13,7 triệu tấn. 

Tại Malaysia sản lượng cao su tự nhiên trong tháng 12/2019 tăng 10,2% so với tháng 11/2019 và tăng 6,2% so với cùng kì năm 2018, lên 58.437 tấn. 

Xuất khẩu cao su tự nhiên của Malaysia trong tháng 12/2019 đạt 50.516 tấn, tăng 6,4% so với tháng 11/2019 và tăng 4,8% so với cùng kì năm 2018. Malaysia chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 55,9%; Đức chiếm 10,1%; Mỹ chiếm 3,7%; Phần Lan chiếm 3,6% và Italia chiếm 2,7%. 

Tháng 12/2019, Malaysia nhập khẩu 104.524 tấn cao su tự nhiên, giảm 27,5% so với tháng 11/2019, nhưng tăng 24,4% so với cùng kì năm 2018. Tiêu thụ cao su tự nhiên nội địa giảm 2,7% so với tháng 11/2019 và giảm 3,5% so với cùng kì năm 2018, xuống còn 40.351 tấn. 

Trong đó, tiêu thụ cao su tự nhiên cho ngành sản xuất găng tay cao su chiếm 75,6% tiêu thụ cao su tự nhiên nội địa. Dự trữ cao su tự nhiên tại Malaysia tính đến cuối tháng 12/2019 đạt 245.002 tấn, tăng hơn 13% so với tháng 11/2019 và tăng 40,8% so với cùng kì năm 2018.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường