Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lại lo bí đường xuất khẩu gạo
14 | 07 | 2020
Nhiều doanh nghiệp đang lo không xuất khẩu được gạo khi chưa ký được hợp đồng mới trong nhiều tuần qua giữa lúc giá gạo thế giới đang giảm

Theo Người lao động

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 6-2020, giá trị xuất khẩu gạo giảm đến 53,8%, chỉ đạt khoảng 182 triệu USD so với tháng 5 (395 triệu USD). Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng xuất khẩu gạo đạt 3,54 triệu tấn, giá trị kim ngạch 1,73 tỉ USD, tăng 5,6% về lượng và 19,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, năm 2019 là năm mặt bằng giá gạo thấp với giá gạo xuất khẩu bình quân chỉ 441 USD/ tấn, giảm 8,3% so với năm 2018.

Thiếu đầu ra

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex (TP HCM), dự báo xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm sẽ "rất buồn" do thiếu đầu ra. "Các nhà nhập khẩu đã ôm hàng quá nhiều trong các tháng đầu năm, giờ phải lo tiêu thụ hết thì mới tính chuyện nhập tiếp. Gạo lại xuống cấp rất nhanh nên họ sẽ ưu tiên tiêu thụ hàng đã nhập. Họ đã mua nhiều với giá cao, một số doanh nghiệp (DN) nhập khẩu đã phải chịu lỗ. Vừa qua, Philippines đã hủy gói thầu tập trung 300.000 tấn (Việt Nam trúng 60.000 tấn) trước khi ký hợp đồng chính thức. Chính vì vậy, các đơn vị dự thầu không được đền bù gì" - ông Nam thông tin.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), nói rằng đây là tin buồn của ngành gạo Việt Nam giữa lúc đầu ra rất khó khăn như hiện nay.

Lại lo bí đường xuất khẩu gạo - Ảnh 1.

Gạo của một doanh nghiệp xuất khẩu được giới thiệu đến người tiêu dùng

Khó khăn đầu ra là tình cảnh chung của nhiều DN xuất khẩu gạo. Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang), hơn 3 tuần qua, DN không ký được hợp đồng mới nào. 

"Tính chung 6 tháng đầu năm, DN chỉ xuất khẩu được khoảng 60.000 tấn, tương đương năm 2019. Chỉ có tháng 5, xuất khẩu của DN đột biến để bù lại thời gian bị gián đoạn do lệnh tạm ngưng xuất khẩu gạo. Hiện Việt Nam đang thu hoạch vụ hè thu, các nước nhập khẩu biết rõ điều này nên muốn hạ giá mua. Thế nhưng, nông dân vào vụ mới vẫn kỳ vọng giá lúa gạo cao như đầu năm nên DN chưa thể khớp được hợp đồng xuất khẩu" - ông Đôn phân tích.

Diễn biến giá gạo thế giới những tuần gần đây cho thấy xu hướng giảm rõ rệt do nhu cầu gạo thế giới trầm lắng. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 9-7, gạo trắng 5% tấm của Thái Lan chào giá 455 - 485 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua. Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ cũng còn 366 - 372 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 26-3. Tại Việt Nam, nguồn cung từ vụ hè thu đang dần được đưa ra thị trường, khiến cho giá gạo giảm nhẹ so với tháng trước. Gạo 5% tấm của Việt Nam giảm từ mức cao 475 USD/tấn xuống còn 450 USD/tấn (giao tại TP HCM), mức thấp nhất trong gần 2 tháng.

 

Có tăng xuất khẩu EU?

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8 đang mở ra triển vọng xuất khẩu gạo sang thị trường cao cấp này. EU dành cho Việt Nam 80.000 tấn gạo miễn thuế/năm, gồm: 30.000 tấn gạo thơm, 30.000 tấn gạo xay xát và 20.000 tấn thóc. Riêng với gạo tấm tự do hóa hoàn toàn. Đây là thông tin mà các DN rất trông đợi do thuế suất EU áp lên gạo Việt Nam rất cao là 175 euro/tấn với gạo xay xát (khoảng 4,67 triệu đồng/tấn), 211 euro/tấn với thóc (gần 5,7 triệu đồng/tấn). 

Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang EU được 114.085 tấn gạo, chiếm 1,8% thị phần xuất khẩu. Theo dự tính của Bộ Công Thương vào đầu năm, nếu tận dụng tốt EVFTA, trong nửa cuối năm 2020 Việt Nam có thể xuất khẩu được 40.000 tấn gạo trong hạn ngạch và 100.000 tấn gạo tấm vào EU.

Theo một DN đã xuất khẩu gạo vào EU thì EVFTA chắc chắn sẽ giúp xuất khẩu gạo sang thị trường này tăng. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại là EU đang ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên sức mua chậm lại. "Ngoài ra, do tiêu chuẩn EU cao nên DN phải xây dựng vùng nguyên liệu, hợp tác với nông dân canh tác, bao tiêu đầu ra nhưng lo ngại bị các DN thương mại tranh vùng nguyên liệu và cạnh tranh giá rẻ tại EU. Do đó, cần kiểm soát từ đầu để bảo vệ thị trường" - đại diện DN này kiến nghị.

Ông Đỗ Hà Nam cũng cho rằng xuất khẩu gạo sang EU rất khó trong khi hạn ngạch EU dành cho Việt Nam khá nhỏ so với năng lực xuất khẩu của Việt Nam. "Để khai thác được thị trường này DN phải kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất. Để làm được điều này, phải xây dựng được vùng nguyên liệu lớn với sự tham gia của nông dân, HTX, chính quyền, DN, hiệp hội ngành hàng kiểm soát lẫn nhau để bảo vệ lợi ích chung. Tuy khó nhưng chắc chắn ngành gạo phải làm để tiếp tục xuất khẩu. Trước đây, Việt Nam quen bán nông sản cho Trung Quốc, bán gì cũng được. Nhưng nay, Trung Quốc siết chất lượng thì Việt Nam phải cố làm theo và chất lượng nông sản đang tốt dần lên" - ông Nam dẫn chứng. 

Thu hoạch 470.000 ha vụ hè thu

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tại ĐBSCL vụ hè thu 2020 đã xuống giống được 1,48 triệu ha/1,54 triệu ha diện tích kế hoạch. Đến ngày 9-7 đã thu hoạch được 470.000 ha với năng suất khoảng 5,8 tấn/ha. Ngoài ra, vụ thu đông 2020 cả nước đã xuống giống được 420.000 ha/800.000 ha diện tích kế hoạch

 



Báo cáo phân tích thị trường