Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Trong bối cảnh dịch Covid 19 tác động nặng nề đến nền kinh tế các nước Châu Âu, kim ngạch xuất khẩu Nông lâm thủy sản ( NLTS) của Việt Nam sang thị trường EU khó tránh khỏi sụt giảm. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2020 đạt 304 triệu USD, giảm 0,22% so với tháng 7/2020, và giảm 7,42% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kể từ khi EVFTA chính thức thực thi vào đầu tháng 8/2020 đã có nhiều dấu hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang EU là thủy sản, hạt điều, cà phê, gỗ và các sản phẩm gỗ. So với tháng 7/2020, mốt số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, nhiều nhất là thịt và các sản phẩm thịt tăng 63%, tiếp đến là gạo tăng 19%, cà phê tăng 14%, rau quả tăng 8% , chè, cao su tăng 7%. Trong khi đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, tuy nhiên mức giảm không đáng kể ngoại trừ sản phẩm từ cao su giảm nhiều nhất là 27%, mây tre đan giảm 8%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 6%, hạt điều giảm 5%. Các mặt hàng khác như thủy sản, hạt tiêu giảm dưới 2%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, chè lại là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhất với 63%, tiếp đến là mây tre đan tăng 53% trong khi thịt và các sản phẩm thịt giảm nhiều nhất với 36%, cao su giảm 25%, rau quả giảm 19%, gạo giảm 17%, cà phê giảm 15% (chi tiết tại phụ lục đính kèm).
Từ ngày 1/8/2020 hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã công bố xuất khẩu lô hàng đầu tiên vào EU sau EVFTA (chanh leo, gạo, cà phê, rau quả…). Rau, củ, quả của Việt Nam được đánh giá đã và đang rộng cửa vào EU kể từ ngày 1/8/2020. Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam. EVFTA mở ra cơ hội vô cùng lớn cho hàng rau, củ, quả của Việt Nam tại thị trường EU, vốn là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới. EU có nhu cầu ổn định về rau, quả (chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu). Quy mô thị trường rộng lớn và nhu cầu theo mùa của EU chính là thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, EU lại là thị trường "khó tính" với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… khắt khe.
Thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại (XTTM) năm 2020, Cục XTTM (Bộ Công Thương) phối hợp với Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan và Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến rau, củ, quả Việt Nam – Hà Lan 2020, ngày 29/9/2020. Hội nghị thu hút sự tham gia của 22 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm rau, củ, quả Việt Nam và 10 nhà nhập khẩu rau, củ, quả Hà Lan. Hà Lan là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam trong EU. Hiện hơn 20% rau quả tươi do các nước đang phát triển cung cấp cho Châu Âu vào EU thông qua Hà Lan. Từ cảng Rotterdam, điểm nhập khẩu chính, các thương nhân Hà Lan và quốc tế sẽ phân phối sản phẩm đến nhiều nước Châu Âu khác. Dự báo, năm nay xuất khẩu rau quả có thể vẫn bị sụt giảm khoảng 10% so với năm 2019. Tuy nhiên, dự kiến xuất khẩu rau, củ, quả sang EU thời gian tới sẽ khởi sắc.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), sau khi Hiệp định EVFTA chính thức được thực thi và ngành cá ngừ Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu sang EU. Sau hơn hai năm Ủy ban Châu Âu quyết định rút "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này liên tục sụt giảm, tỷ trọng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã giảm từ 24% trong năm 2018 xuống còn 19% trong năm 2019. Khi EVFTA có hiệu lực, ngành cá ngừ Việt Nam đang kì vọng sẽ có sự phục hồi về hoạt động xuất khẩu tại thị trường này. Tuy nhiên, trong tháng đầu tiên thực hiện Hiệp định đã có một số trục trặc về thủ tục XK. Theo thông tin từ doanh nghiệp một số lô hàng cá ngừ của Việt Nam XK sang các nước EU đã bị Hải quan của nước sở tại thông báo một số C/O mẫu EUR.1 của Việt Nam có màu xanh lam thay vì màu xanh lá cây nên không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của Hiệp định EVFTA, khiến các C/O này không được Hải quan tại đây chấp nhận. Tuy nhiên, sau khi hai bên làm việc, ngày 31/8/2020 đã EU chấp nhận các C/O với màu nền hiện tại như mẫu mà Việt Nam đã thông báo tới EU. Đồng thời, cơ quan đại diện phía EU đã gửi thông báo tới cơ quan hải quan các nước thành viên để đảm bảo các C/O theo mẫu hiện tại mà tổ chức cấp C/O của Việt Nam cấp cho doanh nghiệp sẽ không bị từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan. Như vậy, thời gian tới các doanh nghiệp có thể yên tâm trong việc đẩy mạnh XK cá ngừ sang EU, dự kiến xuất khẩu cá ngừ sang EU sẽ tiếp tục khả quan hơn trong những tháng tới.
Gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang EU. Kim ngạch xuất khẩu nhóm các mặt hàng này của Việt Nam sang EU bình quân mỗi năm đạt trên 500 triệu USD và tiếp tục tăng trong những năm qua. Ngành gỗ Việt Nam kỳ vọng thực thi EVFTA sẽ giúp ngành mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ của mình tại các nước trong khối EU. Ngày 01/09/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định đảm bảo hệ thống gỗ hợp pháp Việt Nam, trong đó Nghị định quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đối với nhập khẩu, xuất khẩu; tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ; cấp giấy phép FLEGT. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 10 năm 2020 (trừ cấp giấy phép FLEGT và phân loại doanh nghiệp sau khi Nghị định có hiệu lực 180 ngày). Đây là cơ sở để tăng việc đảm bảo tính pháp lý của gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, điều này sẽ khiến đồ gỗ của Việt Nam có thêm động lực để nâng cao tính cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính, yêu cầu nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thông tin minh bạch, và sản phẩm thân thiện với môi trường như EU.
Ngày 18 tháng 9 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện HIệp định thương mại tự do Việt Nam – EU giai đoạnh 2020-2022 nhằm thực thi các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa của Việt Nam trong Hiệp định EVFTA. Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo các giai đoạn khi xuất khẩu sang lãnh thổ theo quy định tại Hiệp định EVFTA, bao gồm: Lãnh thổ thành viên Liên minh châu Âu; Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len đối với từng mã hàng.
Về tình hình thị trường EU: Vào ngày 3 tháng 9 năm 2020, Ủy ban Châu Âu (EC) đã tiến hành tham vấn cộng đồng về các hành động có thể có trong tương lai của EU nhằm giảm tác động của các sản phẩm được đưa vào thị trường EU liên quan đến nạn phá rừng và suy thoái rừng. EC lưu ý “các hoạt động liên quan đến lâm nghiệp và sử dụng đất khác - chủ yếu là phá rừng - là nguyên nhân gây ra 12% lượng khí thải nhà kính, khiến chúng trở thành nguyên nhân chính thứ hai gây ra biến đổi khí hậu sau việc đốt nhiên liệu hóa thạch”. Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban đang tìm cách giảm thiểu sự đóng góp của EU vào nạn phá rừng và suy thoái rừng trên toàn thế giới cũng như thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm từ 'Chuỗi cung ứng không mất rừng' ở EU. Tham vấn này sẽ góp phần vào việc đánh giá tác động nhằm điều tra tính phù hợp của một loạt các biện pháp khác nhau từ phía cầu nhằm giải quyết nạn mất rừng và suy thoái rừng liên quan đến tiêu thụ của EU.
Ngày 14 tháng 9 năm 2020, Đan Mạch thông báo cho Tổ chức Thương mại Thế giới về đề xuất cấm bán thuốc trừ sâu và chất diệt khuẩn tập trung cho các cá nhân thông qua G / TBT / N / DNK / 102. Thời gian lấy ý kiến công khai cho thông báo sẽ kết thúc vào ngày 21 tháng 10 năm 2020.
Từ trung tuần tháng 9, Đức đã có báo cáo trường hợp đầu tiên của họ về bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF). Ngay sau đó, ngày 14/9, Bộ Nông nghiệp Đức cho biết, Đức đã dừng xuất khẩu thịt lợn sang các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, nhiều quốc gia Liên minh châu Âu vẫn chấp nhận thịt lợn Đức nếu đây là loại thịt được lấy từ các khu vực không có dịch. Đối với sản phẩm thịt bò của Châu Âu, từ ngày 30/9, Hoa Kỳ đã nối lại việc nhập khẩu thịt bò từ Anh sau hơn 20 năm thực hiện lệnh cấm nhập khẩu mặt hàng này từ Anh.
Bão, hạn hán, hỏa hoạn và bọ cánh cứng đã gây ra thiệt hại to lớn cho các khu rừng ở Đức trong những năm gần đây. Chính phủ Đức đã bắt đầu tài trợ các chương trình hỗ trợ chuyển đổi từ gỗ mềm sang gỗ cứng với mục tiêu giúp rừng có khả năng chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu. Điều này có thể làm giảm tiềm năng xuất khẩu của ngành lâm nghiệp Đức, mở ra cơ hội cho các nhà cung cấp gỗ mềm. Thương mại lâm sản của Đức khá cân bằng, nhưng trong những năm gần đây xuất khẩu tăng lên, với doanh thu trên 9 tỷ đô la trong năm 2018 và 2019. Hai phần ba xuất khẩu của Đức đến Liên minh châu Âu, trong khi Hoa Kỳ và Trung Quốc là các điểm đến chính bên ngoài Liên minh Châu Âu, với khối lượng khoảng 0,6 tỷ USD mỗi điểm. Nhập khẩu lâm sản của Đức lên tới gần 8 tỷ đô la vào năm 2019, với ba phần tư sắp tới từ các nước thuộc Liên minh Châu Âu. Trung Quốc, Nga, Thụy Sĩ, Belarus và Ukraine là 5 nước đứng đầu nguồn gốc bên ngoài Liên minh Châu Âu. Trong dài hạn, Đức sẽ có nhu cầu nhập khẩu gỗ mềm mạnh hơn, trong khi đó sẽ có nguồn cung cấp gỗ cứng trong nước dồi dào.
Trong quý II/2020, nền kinh tế của khu vực Eurozone giảm 12,1% do các biện pháp phong tỏa được áp dụng để dập tắt sự lây lan của dịch COVID-19 . Theo khảo sát của Reuters vào tháng trước dự đoán kinh tế châu Âu có thể phục hồi vào Quý III với mức tăng trưởng 8,1% nhưng sẽ mất khoảng 2 năm hoặc hơn để phục hồi hoàn toàn. Chỉ số PMI đã giảm xuống 51,9 điểm vào tháng 8 từ 54,9 điểm của tháng 7 cho thấy nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ước tính của Ủy ban Châu Âu, dịch COVID-19 sẽ khiến kinh tế toàn bộ 19 nước khu vực đồng tiền chung euro suy giảm 8,7% trong năm 2020, tăng trưởng 6,1% vào năm 2021.
Tải bản tin chi tiết tại đây.