Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG HOA KỲ THÁNG 9/2020
14 | 10 | 2020

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và suy thoái kinh tế, Hoa Kỳ vẫn là đối tác hàng đầu trong xuất khẩu NLTS của Việt Nam. Xuất khẩu NLTS Việt Nam sang Hoa Kỳ tháng 8/2020 tăng 3,39% so với tháng trước, đạt 1,1 tỷ USD, cao nhất trong 8 tháng đầu năm, tăng 34,67% so với cùng kỳ tháng 8/2019.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ là gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm 65%), thủy sản (chiếm 16%), hạt điều (8%), các sản phẩm khác như mây tre đan, sản phẩm từ cao su, cà phê ( khoảng 2%). So với tháng 7/2020, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, nhiều nhất là cao su tăng 50%, hạt điều tăng 28%, sản phẩm từ cao su tăng 23%, rau quả tăng 17%, cà phê tăng 10%. Trong khi đó, xuất khẩu một số mặt hàng giảm, đặc biệt là chè giảm mạnh nhất với 42%, tiếp đến là gạo giảm 12%, thịt và sản phẩm thịt giảm 11%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng cao nhất ở mức 131%, tiếp đến là mây tre đan tăng 79%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 49%, sản phẩm cao su 41%, thủy sản tăng 20%. Trong khi đó, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm như chè giảm 62%, thịt và sản phẩm thịt giảm 40%, cao su giảm 34%, gạo giảm 22% ( chi tiết tại phụ lục đính kèm).

Mặc dù chiếm tỷ trọng không cao trong kim ngạch xuất khẩu NLTS sang Hoa Kỳ, xuất khẩu rau quả trong tháng 8 rất đáng ghi nhận với mức tăng 18% so với tháng trước. Ngày 14/9, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và đại diện mộ số cơ quan đã tổ chức cuộc họp nhằm thúc đẩy nhập khẩu nông sản từ thị trường Hoa Kỳ. Hiện Hoa Kỳ đã mở cửa thị trường cho 6 loại trái cây của Việt Nam bao gồm: thanh long, nhãn, vú sữa, vải, xoài, chôm chôm và dự kiến cuối năm nay sẽ có thêm loại trái cây thứ 7 là bưởi da xanh.  Ngày 25/9, Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng đã phối hợp cùng Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức họp báo về “Công tác kiểm dịch thực vật thúc đẩy xuất khẩu trái cây sang Hoa Kỳ” do chuyên gia của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) đã tới Việt Nam từ ngày 2/9 và hoàn thành thời gian cách ly y tế, có kết quả âm tính với virus corona và bắt đầu làm việc trở lại tại Trung tâm chiếu xạ Sơn Sơn.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong tháng 8/2020, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ đạt 182,86 triệu USD tăng 19,89% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 22,45% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tôm và cá ngừ là 2 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong đó tôm chiếm 60,00%. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự tính hỗ trợ khoảng 530 triệu USD cho các nhà khai thác thủy sản Mỹ để bù đắp cho những thiệt hại thuế quan nước ngoài. Do ảnh hưởng của dịch Covid 19, người tiêu dùng Hoa Kỳ có xu hướng tiếp cận với các sản phẩm protein động vật có giá phải chăng như cá rô phi. Nhập khẩu file cá rô phi đông lạnh của Hoa Kỳ phục hồi trở lại sau khi nước này dỡ bỏ mức thuế 25% đối với cá rô phi nhập khẩu từ Trung Quốc. Từ ngày 01/8/2020, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã loại bỏ thuế quan đối với các sản phẩm tôm hùm sống và đông lạnh nhập khẩu từ Hoa Kỳ trên cơ sở Tối huệ quốc (MFN).

Cháy rừng và bão gió ảnh hưởng đang làm phức tạp thêm việc thu hoạch táo ở Bờ Tây (Washington và Okanagan, British Columbia), trong đó Washington là một trong những bang sản xuất táo quan trọng nhất của Hoa Kỳ, nước xuất khẩu táo lớn thứ hai thế giới.  Việc cung cấp táo gặp gián đoạn do thiếu lao động và các vấn đề về chuỗi cung ứng do đại dịch cùng với các mức thuế trả đũa từ Trung Quốc và Ấn Độ. Vụ thu hoạch táo của Washington dự kiến sẽ ít hơn 10% so với ước tính ban đầu là 134 triệu hộp 40 pound. Vụ Thống kê Nông nghiệp Quốc gia của USDA (NASS) đã công bố dự báo vụ hoa quả năm 2020 mới nhất của mình vào ngày 12 tháng 8. Theo đó sản lượng thu hoạch dự kiến giảm ở táo và đào, trong khi tăng đối với nam việt quất, lê và nho.

Ngày 14/9, chính quyền Tổng thống Trump đã hoãn kế hoạch cấm nhập khẩu trên diện rộng với các sản phẩm bông và cà chua từ khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc và công bố các lệnh cấm hẹp hơn đối với sản phẩm từ 5 tổ chức cụ thể.

Do tác động nặng nề của dịch bệnh nền kinh tế Hoa Kỳ đối mặt với nhiều thách thức. Tính đến nay, Hoa Kỳ đã thông qua hơn 3.000 tỷ USD chi tiêu liên bang để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khi các hoạt động kinh tế đình trệ đột ngột. Thâm hụt ngân sách liên bang trong năm tài chính 2020 dự kiến sẽ đạt 3.300 tỷ USD, tức tăng gấp ba lần thâm hụt trong năm tài chính 2019, bằng 16% GDP Hoa Kỳ, mức cao nhất kể từ năm 1945 khi Hoa Kỳ gánh chịu chi phí chiến tranh từ Thế chiến II. Trước đó, báo cáo của công ty BofA Global Research cho thấy tổng nợ của các công ty và doanh nghiệp Hoa Kỳ dưới hình thức trái phiếu hoặc khoản vay đã đạt mức cao kỷ lục 10.500 tỷ USD, tức tăng hơn 30 lần so với cách đây nửa thế kỷ. Trong đó, các công ty có xếp hạng tín dụng cao từ AAA đến BBB nợ tổng cộng xấp xỉ 7.200 tỷ USD. Khủng hoảng không chỉ gói gọn trong nợ công chính phủ Hoa Kỳ, Quỹ Ủy thác An sinh Xã hội dự báo sẽ cạn tiền vào năm 2031, sớm hơn một năm so với dự kiến, Quỹ tín thác bảo hiểm bệnh viện của Medicare cũng trên đà cạn kiệt tiền vào năm 2024, thay vì năm 2026. Các nhà theo dõi ngân sách của Mỹ cảnh báo nợ chồng chất sẽ đẩy lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm tăng lãi suất và khiến chính phủ khó chi tiêu hơn khi các khoản thanh toán lãi suất tăng dần lên theo thời gian.

Đến nay, chính phủ Mỹ đã cam kết chi hơn 3.000 tỷ USD để giải cứu nền kinh tế. Tuy nhiên, số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ vẫn tiếp tục tăng trong khi các chương trình cứu trợ sắp kết thúc. Hơn 5 triệu người Mỹ đã nhiễm virus và trên 160.000 người tử vong. Số ca mắc mới hàng ngày tăng gấp ba so với tháng 5. Một số bang như Texas và California đã phải áp dụng lại các biện pháp giãn cách xã hội. Các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện đã công bố dự luật cứu trợ COVID-19 trong nỗ lực đạt được thỏa thuận lưỡng đảng trước cuộc bầu cử tháng 11. Gói cứu trợ 2.200 tỷ USD này giảm đáng kể so với đề xuất ban đầu 3.400 tỷ USD, gồm các khoản hỗ trợ cho chính quyền địa phương, giáo dục, doanh nghiệp nhỏ và những nỗ lực ứng phó dịch bệnh như xét nghiệm, truy vết và cách ly người nhiễm.

Nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 vào mùa Thu có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái kép. Nền kinh tế Mỹ kỳ vọng tăng trưởng trở lại trong quý 3 và quý 4 năm nay sau mức sụt giảm sâu trong quý 2. Các chương trình cứu trợ khẩn cấp của chính phủ và Fed đã giúp nhiều doanh nghiệp thoát khỏi bờ vực phá sản, nhưng sẽ cần nhiều thời gian để kinh tế Mỹ quay trở lại trạng thái bình thường. 

Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 8 ở mức 10,2% và có thể tăng cao hơn khi Chương trình Bảo vệ tiền lương (PPP), vốn cấp các khoản vay ưu đãi giúp các doanh nghiệp tiếp tục trả lương cho nhân viên, sẽ hết hạn. Dự tính với tiến độ hồi phục còn hạn chế hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn phải vật lộn để tồn tại trong những tháng tới.

 

Tải bản tin chi tiết tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường