Vậy mà một tư nhân đã dám bỏ vốn đầu tư vài ba chục tỷ đồng cho việc nuôi gà vào giữa thời... đại dịch như vậy, thì quả là rất táo bạo, không phải ai cũng dám mạo hiểm như vậy. Nhất là đang lúc thị trường nóng lên vì chứng khoán, tiền của cứ chen nhau lên sàn giao dịch! Đường vô trại gà Tân Hiệp Phát (Long Thành-Đồng Nai) không khó tìm, không cách xa con đường liên xã là mấy. Cổng chính đi qua cũng được lắp đặt hệ thống phun tiệt trùng cho xe khi vô trại.
Bước vô bên trong là một quang cảnh khác hẳn. Dãy nhà chuồng khang trang, riêng biệt nhưng lại là sự đồng nhất về diện tích sử dụng cho mỗi chuồng, kiểu dáng, thiết kế, khoảng cách. Nếu như những người chăn nuôi nhỏ lẻ chưa từng biết đến quy mô của chăn nuôi công nghiệp, tiên tiến thì khi được mục kích trại gà này chắc hẳn sẽ phải thốt lên vì vẻ "cầu kỳ sang trọng" của nó.
30 tỷ đồng để nuôi gà!
Người bỏ vốn đầu tư cơ ngơi 30 tỷ đồng này là ông Mai Đình Phồn, Chủ doanh nghiệp An Thịnh Phát. Ông vốn trước đây làm việc trong ngành chăn nuôi gia cầm tại Tp.HCM. Khi về hưu, ông đã cùng gia đình về Long Thành mua đất đầu tư trang trại nuôi gà.
Ông kể: năm 1995 trại chăn nuôi của doanh nghiệp An Thịnh Phát ra đời với 10.000 con gà giống bố mẹ giống trứng, đến năm 2003 doanh nghiệp nâng lên thành 3 trại gà với tổng đàn 125.000 con.
Với kinh nghiệm tích lũy dần từ thực tiễn, đồng thời có sự hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm từ Công ty TNHH chăn nuôi CP Việt Nam, doanh nghiệp chăn nuôi gà An Thịnh Phát đã có bước đi khá vững vàng - ngay cả thời gian mà dịch cúm gà luôn làm cho người chăn nuôi lo lắng và thậm chí có những người mất vốn - nhưng trại gà của An Thịnh Phát vẫn ổn định, một kỳ sản xuất khoảng 45.000 con gà thịt và có 85.000 con gà đẻ trứng. Sản phẩm sản xuất ra đến đâu, CP tiêu thụ đến đó nên doanh nghiệp an tâm về thị trường.
Với nhiều người, họ cho rằng nếu có 3 trại gà như An Thịnh Phát thì có thể yên tâm về quy mô, về quay vòng sản xuất, về thu nhập, chẳng cần phải tính toán đầu tư thêm vì dịch cúm gà luôn đe dọa người chăn nuôi và nhất là phải "cõng" thêm món nợ bạc tỷ cho một dự án chăn nuôi quy mô lớn và công nghệ tiên tiến.
Nhưng ông Phồn và các con không nghĩ thế. Ngay cả cô con gái thứ Mai Thị Thu Thủy đã đi làm về quảng cáo, marketing cho một công ty được 5-7 năm mà vẫn bỏ nghề để về cùng bố triển khai dự án và quán xuyến doanh nghiệp.
Từ phía đầu huyện, ông chạy về Tân Hiệp mua được 10 hecta đất và làm dự án để được phê duyệt. Theo quy hoạch, trại chia thành 2 khu vực chăn nuôi cách biệt nhau, mỗi khu có 6 nhà nuôi gà với quy cách 12x120m, nuôi được khoảng 18.000 con gà/nhà. Hiện nay giai đọan I đã xong với 5 nhà nuôi gà được xây dựng đúng quy cách mà chủ nhân đã đi sang Thái Lan học tập. Trang thiết bị máy móc cho chăn nuôi được nhập khẩu đồng bộ từ hãng Big Dutchman (Đức) - là hệ thống máy móc thiết bị kỹ thuật chăn nuôi gà vào loại hiện đại nhất hiện nay.
Công ty TNHH Chăn nuôi CP Việt Nam chịu trách nhiệm tư vấn kỹ thuật và ứng trước vốn để nhập thiết bị cho doanh nghiệp, sau này doanh nghiệp sẽ trả nợ bằng sản phẩm.
Thăm một vòng khu chăn nuôi I, khách có thể tự mình rút ra kết luận: nếu không có cách nghĩ mới với sự táo bạo và một chút mạo hiểm của người kinh doanh, thì sẽ khó có thể có một trại chăn nuôi tầm cỡ như Tân Hiệp Phát.
Áp dụng công nghệ chăn nuôi hiện đại
Cô Mai Thị Thu Thủy, quản lý trại cho biết: khi hoàn chỉnh, mỗi khu trại chỉ cần một kỹ thuật hay bác sĩ thú y hàng ngày giám sát tình hình phát triển của đàn gà và xử lý các sự cố, nếu có; còn tất cả các khâu công việc trong trại được thực hiện bởi hệ thống phần mềm vi tính lắp đặt ở mỗi nhà chuồng và tất cả được nối về máy chủ trên phòng quản lý trung tâm trại và ở đây có người theo dõi diễn biến của các nhà chuồng qua máy tính 24/24.
Do vậy, bên trong mỗi nhà chuồng không cần phải nhiều lao động mà một kỹ sư hay kỹ thuật viên có thể điều khiển thiết bị chăm sóc, nuôi dưỡng tổng đàn gà của trại lên tới 180.000 con. Phần khu trại II cũng sẽ được thực hiện ngay sau khi giai đoạn I đi vào hoạt động ổn định; cơ sở hạ tầng tiếp tục thi công như hệ thống thảm cỏ xanh trồng ở khoảng cách mỗi trại, cây xanh trồng ven phía ngoài để tránh các loài chim đến có thể đem theo dịch bệnh; khu xử lý chất thải gồm các bể lắng lọc.
Ông chủ doanh nghiệp cho rằng đây là một sự liên kết giữa người chăn nuôi với nhà tiêu thụ (bao gồm cung cấp các giải pháp kỹ thuật) và nhà băng. Vì nếu như ngân hàng không cho vay vốn thì với gần 30 tỷ đồng cho toàn bộ dự án, doanh nghiệp khó có thể một mình xoay xở để dự án được thực hiện một cách đồng bộ với quy mô hiện đại.
Dự kiến mỗi năm trại gà Tân Hiệp Phát sẽ đưa ra thị trường 900.000 con gà có trọng lượng từ 2,4 - 2,8 kg, tương đương với 2.250 tấn thịt, khỏang 25 triệu quả trứng. Tất cả đều là sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn của các nước có nền chăn nuôi tiên tiến. Ông Phồn cho biết nếu làm ăn suôn sẻ thì chỉ trong vòng 5 - 6 năm, doanh nghiệp có thể lấy lại vốn.