Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chăn nuôi gia cầm hướng tới thị trường xuất khẩu
29 | 03 | 2021
Cùng với duy trì thị trường trong nước, các doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm đang tìm kiếm mở rộng thị trường nước ngoài như Myanmar, Nhật Bản, Hong Kong, Liên bang Nga...

Ngành chăn nuôi gia cầm 10 năm phát triển

Ngày 28/3, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 của Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam ngày 28/3. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 của Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam ngày 28/3. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Sông Thao, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN-PTNT) khẳng định, chăn nuôi gia cầm là ngành kinh tế kĩ thuật hết sức quan trọng. Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng.

Theo ông Nguyễn Sông Thao, năm 2010, tổng đàn gia cầm là 100 triệu con, đến năm 2020 đã tăng lên đến 530 triệu con. Sản lượng thịt gia cầm từ 600.000 tấn đã tăng lên 1,4 triệu tấn. Sản lượng trứng cũng tăng từ 6 tỷ quả lên đến trên 14 tỷ quả. Và sản phẩm thịt, trứng gia cầm không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ cho gần 100 triệu dân trong nước mà còn bắt đầu xuất khẩu chính ngạch.

Bên cạnh đó, các phương thức chăn nuôi truyền thống tiếp tục được duy trì ở chất lượng cao hơn. Đồng thời tại Việt Nam đã hình thành và phát triển các phương thức chăn nuôi gia cầm công nghiệp trang trại hiện đại, quy mô lớn với công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại. Chính vì vậy, các chỉ tiêu kinh tế kĩ thuật cũng được cải thiện đáng kể.

“Là Hiệp hội ngành hàng với sự tham gia của phần lớn các doanh nghiệp và các chủ trang trại lớn hoạt động trong lĩnh vực gia cầm với thị phần thịt, trứng gia cầm chiếm tới 65%, VIPA luôn đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển của ngành chăn nuôi gia cầm nước ta”, ông Nguyễn Sông Thao nhấn mạnh.

Hướng tới thị trường xuất khẩu

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA, năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Những khó khăn của nền kinh tế nước ta nói chung cũng như sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực gia cầm nói riêng đã ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động của hội viên VIPA.

Chăn nuôi gia cầm đã vượt qua khó khăn, hướng tới những mục tiêu xa hơn để xuất khẩu sản phẩm. Ảnh: TL

Chăn nuôi gia cầm đã vượt qua khó khăn, hướng tới những mục tiêu xa hơn để xuất khẩu sản phẩm. Ảnh: TL

Tuy nhiên trong năm qua, VIPA vẫn đạt được nhiều thành quả trong sản xuất kinh doanh. Nhiều mặt hàng như con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thiết bị, chế biến sản phẩm của VIPA đang chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành chăn nuôi. Uy tín và vai trò của nhiều doanh nghiệp hội viên không ngừng được nâng cao không những trong nước mà cả trên thị trường quốc tế.

Năm 2020, mặc dù thị trường tiêu thụ sản phẩm gia cầm gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng là năm ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về sản xuất con giống của các doanh nghiệp VIPA. Theo ước tính, tổng số gà giống mà Hiệp hội sản xuất được trong năm 2020 là khoảng 350 triệu con, trong đó là giống lông màu hơn 200 triệu con, gà giống lông trắng hơn 150 triệu con.

Tuy nhiên cả năm 2020, giá các sản phẩm gia cầm, nhất là con giống và trứng thương phẩm luôn đứng ở mức thấp nên lợi nhuận của các doanh nghiệp thu được không cao, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ.

Đặc biệt năm 2020 ghi nhận dấu ấn nhiều doanh nghiệp thành viên của VIPA đã đầu tư và đưa vào hoạt động các cơ sở chăn nuôi, ấp nở, giết mổ chế biến thịt gà hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á.

Về lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi gia cầm, một số hội viên của VIPA vẫn đạt sản lượng và doanh số cao. Ước tính sản lượng thức ăn hỗn hợp cho gia cầm sản xuất năm 2020 là khoảng 400 - 450 nghìn tấn.

Về lĩnh vực sản xuất thuốc thú y, mặc dù trong năm qua, thị trường chăn nuôi gặp nhiều khó khăn nhưng một số doanh nghiệp hội viên hoạt động trong lĩnh vực này vẫn duy trì sản xuất và thương mại ổn định, phục vụ tốt các doanh nghiệp chăn nuôi.

Các sản phẩm thuốc thú y và vacxin do các doanh nghiệp nêu trên sản xuất đã dần chiếm lĩnh được thị trường trong nước và được các hội viên của VIPA tin dùng.

Chủ tịch VIPA, ông Nguyễn Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chủ tịch VIPA, ông Nguyễn Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hiếu.

Về lĩnh vực chế biến sản phẩm gia cầm, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì sản xuất và cung cấp cho thị trường các sản phẩm thịt, trứng gia cầm sạch có chất lượng tốt.

Đồng thời với việc duy trì thị trường trong nước, các doanh nghiệp trong Hiệp hội đang tìm kiếm mở rộng thị trường nước ngoài như: Myanmar, Nhật Bản, Hong Kong, Liên bang Nga...

Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn cho biết, trong năm 2021, Hiệp hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giao thương nội khối; xây dựng các nhóm liên kết mạnh và có hiệu quả.

Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ một số doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu sản phẩm con giống, thịt trứng gia cầm chế biến, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; liên tục cập nhật thông tin giá cả, dự báo thị trường để kịp thời chia sẻ cho Hội viên.

"Ngoài ra, Hiệp hội sẽ xây dựng đề án và thí điểm cấp chứng chỉ chất lượng sản phẩm cho các hội viên VIPA, bao gồm con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thiết bị chuồng trại, sản phẩm chế biến”, ông Nguyễn Thanh Sơn cho hay.

Bấp cập thủ tục hợp quy thức ăn chăn nuôi

Cũng tại Hội nghị, các doanh nghiệp cho rằng quy trình công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi còn nhiều điểm chưa hợp lý, nhiều bất cập.

Điển hình như trong mục công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước, việc đánh giá quá trình sản xuất và lấy mẫu tại cơ sở là khá phức tạp và không thực tế.

Các quy định như: giám sát thức ăn chăn nuôi lưu thông trên thị trường 12 tháng/lần; chứng nhận hợp quy có thời hạn là 3 năm, trong khi hiệu lực giấy chứng nhận lưu hành là 5 năm… là chưa hợp lý với thực tế. 

Các doanh nghiệp cho rằng, thủ tục về chứng nhận hợp quy thức ăn chăn nuôi hiện nay còn nhiều bất cập. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các doanh nghiệp cho rằng, thủ tục về chứng nhận hợp quy thức ăn chăn nuôi hiện nay còn nhiều bất cập. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đối với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, quy định nhãn mác hàng hóa hiện nay về thức ăn chăn nuôi nhập khẩu là phải in dấu hợp quy trên từng lô sản phẩm và phải giống nhau. Trong khi đó, nhãn mác hàng nhập khẩu hiện nay lại do nhà cung cấp đã in lên sản phẩm trước khi nhập khẩu. 

Hay việc quy định lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu được miễn kiểm tra chất lượng, nhưng vẫn phải làm chứng nhận hợp quy, điều này có nghĩa việc miễn kiểm tra chất lượng không có ý nghĩa. 

Cũng theo nhiều doanh nghiệp phản ánh: Hiện nay tất cả các sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đều đã được đăng ký và kiểm tra chất lượng khi thông quan, nhưng vẫn phải làm chứng nhận hợp quy là điều không cần thiết, gây thêm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp... 

Những bất cập này đã gây lãng phí thời gian, nhân lực cho doanh nghiệp do phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, phức tạp.

Đồng thời, chi phí kiểm nghiệm, chi phí in lại bao bì, nhãn mác, thay trục lô… rất tốn kém. Còn người chăn nuôi sẽ phải chịu áp lực từ việc tăng giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi, gây phức tạp trong quá trình quản lý của các cơ quan, ban ngành…

“Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Bộ NN-PTNT đề nghị Hiệp hội trong thời gian tới, tiếp tục phấn đấu là đầu tàu của ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam trong việc đổi mới công nghệ, phương thức tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, đủ sức cạnh tranh trong thời kì hội nhập quốc tế sâu rộng, tiếp tục phấn đấu để giữ giá trị cốt lõi của Hiệp hội", ông Nguyễn Sông Thao, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN-PTNT) đề nghị. 



Link gốc: https://nongnghiep.vn/chan-nuoi-gia-cam-huong-toi-thi-truong-xuat-khau-d287158.html
Báo cáo phân tích thị trường