Chăn nuôi lợn phục hồi
Theo Cục Chăn nuôi, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, tình hình thị trường, giá cả các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là sản phẩm thịt lợn đã được đảm bảo về nguồn cung, mức giá ổn định ở mức hợp lí. Cụ thể, giá lợn hơi hiện nay vẫn đang được duy trì ở mức xoay quanh 75-76 nghìn đồng/kg.
Bên cạnh đó, với tình hình dịch bệnh được khống chế tốt, việc phát triển các sản phẩm chăn nuôi đều tăng trưởng ở mức khá cao. Cụ thể, đàn gia cầm cả nước phát triển tốt trong tháng 1/2021, cơ sở chăn nuôi giữ ổn định quy mô. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đàn gia cầm của cả nước tháng 1/2021 tăng khoảng 6,5% so với cùng thời điểm năm trước.
Chăn nuôi trâu, bò mặc dù tình hình thời tiết rét đậm, rét hại trong tháng 1/2021 nhưng không ảnh hưởng nhiều đến đàn gia súc ăn cỏ. Ước tính tháng 1/2021, đàn bò của cả nước tăng khoảng 2,2%.
Với chăn nuôi lợn, đàn lợn tiếp tục đà hồi phục trên cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng số lợn của cả nước tháng 01/2021 tăng khoảng 16,2% so với cùng thời điểm năm 2020.
Đến cuối tháng 1, đầu tháng 2/2021, báo cáo của các địa phương, tổng đàn nái của cả nước đạt trên 2,95 triệu con, tăng hơn 18,8% so với 1/1/2020. Hiện nay cả nước có hơn 56 ngàn con lợn đực giống, đủ để sản xuất tinh và phối giống cho tổng đàn nái phục vụ giống cho sản xuất.
Riêng 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn lớn, tổng đaàn lợn thịt tháng 2/2021 đạt trên 5,46 triệu con, tăng 71% so với 1/1/2019 (trước khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi) và tăng 64,3% so với 1/1/2020. Kế hoạch của 16 doanh nghiệp đến cuối Quý I/2021, tổng đàn lợn sẽ đạt 5,5 triệu con (tăng 1,8% so với cuối năm 2020 và tăng 73,6% so với thời điểm chưa có dịch).
Mục tiêu tăng trưởng 5-6% năm 2021
Với tình hình chăn nuôi ổn định và thuận lợi, Cục Chăn nuôi đặt mục tiêu năm 2021, tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành chăn nuôi đạt khoảng 5-6%. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,7 triệu tấn.
Trong đó thịt lợn đạt khoảng 3,67 triệu tấn (tăng 6,1%); thịt gia cầm đạt khoảng 1,5 triệu tấn (tăng 5,8%); thịt bò đạt khoảng 395 ngàn tấn (tăng 6%); sản lượng trứng đạt khoảng 15,6 tỷ quả (tăng 7,5%) và sản lượng sữa đạt khoảng 1,21 triệu tấn (tăng 11,5%).
Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc tiếp tục đảm bảo không để xẩy ra các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, Cục Chăn nuôi sẽ tập trung chỉ đạo triển khai giải pháp phát triển thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sữa, thịt gia cầm, yến và tơ tằm.
Đồng thời, tăng cường giám sát quản lý chất lượng vật tư và ATTP trong chăn nuôi, nhất là đối với đực giống, tinh gia súc, cơ sở ấp nở gia cầm; việc sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, hóa chất công nghiệp trong chế biến thức ăn chăn nuôi; công nghệ và các chất xử lý môi trường chăn nuôi...
Hình thành các chuỗi liên kết lớn
Đặc biệt trong năm 2021 cũng như giai đoạn 2021 - 2025, ngành chăn nuôi sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai nhanh mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi lợn.
Theo đó với chăn nuôi lợn, chỉ đạo xây dựng ngành hàng thịt lợn theo các chuỗi liên kết, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam có 10-12 chuỗi sản xuất liên kết lớn. Phối hợp, chỉ đạo triển khai áp dụng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Đồng thời triển khai rà soát quy mô đàn lợn, đánh giá chất lượng, năng suất đàn lợn nái nhằm có giải pháp tổ chức chỉ đạo sản xuất phù hợp.
”Dự kiến quý II/2021, Cục Chăn nuôi sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về khôi phục và phát triển chăn nuôi lợn bền vững giai đoạn 2021-2025. Qúy II/III năm 2021, sẽ tổ chức hội nghị phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững giai đoạn 2021-2025; hội nghị phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ giai đoạn 2021-2025”, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết.
Về chăn nuôi gia cầm, sẽ chỉ đạo xây dựng ngành hàng thịt gia cầm theo các chuỗi liên kết, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam có 15-20 chuỗi sản xuất liên kết lớn về thịt và 10-15 chuỗi trứng gia cầm.
Song song đó, rà soát, điều chỉnh quy mô đàn gia cầm phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tránh tình trạng mất cân đối cung cầu ảnh hưởng đến thị trường và thu nhập của người chăn nuôi. Nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống gia cầm trong sản xuất, nhất là việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ và lý lịch con giống…
Với chăn nuôi gia súc ăn cỏ, chủ trương sẽ chỉ đạo địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình cải tạo đàn trâu, bò; mở rộng mô hình chăn nuôi, vỗ béo trâu, bò bằng giải pháp thâm canh trồng cỏ, ngô sinh khối kết hợp ủ ướp với các loại phụ phẩm nông, công nghiệp…
Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thịt trâu, bò. Đồng thời phát triển công nghiệp giết mổ tập trung và chế biến các sản phẩm thịt gia súc ăn cỏ, tăng sản phẩm thịt mát cung cấp cho thị trường.
Khai thác dư địa sản phẩm mới
Bên cạnh các đối tượng vật nuôi chính, ngành chăn nuôi tiếp tục chú trọng cho các sản phẩm chăn nuôi khác còn nhiều tiềm năng như: Đánh giá tiềm năng và thực trạng của ngành nuôi yến phù hợp với điều kiện tự nhiên, khả năng đầu tư và thị trường tiêu thụ yến sào.
Phối hợp triển khai các giải pháp thúc đẩy nhanh vấn đề khai thông xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang các thị trường tiềm năng, nhất là thị trường Trung Quốc. Phối hợp đề xuất việc kiện toàn Hiệp hội yến sào Việt Nam phù hợp với kinh tế thị trường và thực tiễn sản xuất, hội nhập quốc tế. Tổ chức hội nghị phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ yến sào 2021-2025 dự kiến Quý IV năm 2021.
Mặt khác, tìm các giải pháp phù hợp cho vấn đề cung ứng giống tằm chất lượng trong sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tơ, tằm của Việt Nam. Hoàn thiện các yêu cầu pháp lý sớm đưa ruồi lính đen vào danh mục vật nuôi được phép chăn nuôi làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và những mục đích hữu dụng khác…