Nguồn: IPSARD
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Theo kết quả khảo sát triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2021 được tờ Nikkei Review (Nhật Bản) công bố mới đây, kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng từ 12-20,8% trong quý 1/2021 và khoảng 8,5% trong cả năm 2021, cao hơn mức dự báo 8,2% tại cuộc khảo sát tháng 12/2020. Đối tượng tham gia cuộc khảo sát lần này là 32 nhà kinh tế học nổi tiếng và lãnh đạo một số doanh nghiệp, tổ chức tài chính Nhật Bản. Theo số liệu được Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc (CASME) công bố ngày 10/4, chỉ số phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc trong quý 1 năm 2021 đạt 87,5 điểm, tăng 0,5 điểm so với quý 4/2020, duy trì xu thế tăng trong 4 tháng liên tiếp và là mức cao nhất kể từ quí 1/2020 - thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn quốc.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố ngày 16/4 cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý I/2021 đạt 24.930 tỷ NDT (khoảng 3.820 tỷ USD), tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Dù đây là mức tăng trưởng quý kỷ lục kể từ năm 1992, chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa và quốc tế tăng mạnh nhưng vẫn thấp hơn mức dự báo 19% mà giới chuyên gia đưa ra trước đó. Số liệu này phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau giai đoạn trì trệ do đại dịch COVID-19. Trong 3 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc hồi phục vững chắc trong khi doanh thu thị trường cải thiện, hoạt động đầu tư tài sản cố định phục hồi và xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng đáng kể. Ngoài ra, cơ sở so sánh là mức tăng trưởng âm của quý I/2020 (-6,8%) cũng là lý do giúp tăng trưởng trong quý I/2021 đạt mức 2 chữ số.
Marco Sun, nhà phân tích thị trường tài chính của Ngân hàng MUFG ở Thượng Hải, Trung Quốc nhận định hoạt động kinh tế nước này trong quý I/2021 khởi động tốt, đặc biệt là trong mảng bán lẻ, hiện là ngành chống lưng cho quá trình phục hồi kinh tế tại Trung Quốc. Theo chuyên gia này, trọng tâm trong thời gian tới của Trung Quốc sẽ là làm sao duy trì đà tăng trưởng và quản lý rủi ro tài chính. Về vấn đề quản lý rủi ro tài chính, chuyên gia của ngân hàng Thượng Hải cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ siết chặt định lượng thông qua hướng dẫn về tăng trưởng tín dụng trong quý II/2021 và có thể là trong thời gian tiếp sau đó.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% trong năm 2021. Tuy nhiên giới chuyên gia dự báo nền kinh tế thứ 2 thế giới có thể tăng trưởng khoảng 8,6%. Trong năm 2020, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,3%, mức thấp nhất trong 44 năm. Tuy nhiên Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tránh được tăng trưởng âm trong năm này nhờ hoạt động sản xuất công nghiệp trở lại mạnh mẽ và hoạt động xuất khẩu tốt hơn dự kiến trong bối cảnh các thị trường khác trên thế giới hầu như tê liệt vì đại dịch COVID-19.
Theo tin Reuter ngày 12/4, Trung Quốc đã tăng giá sàn đối với lúa mì được đấu giá từ nguồn dự trữ nhà nước, trong một nỗ lực nhằm hạ nhiệt nhu cầu đối với ngũ cốc lương thực. Và theo một thông báo trên website của Trung tâm Thương mại Ngũ cốc Quốc gia, giá sàn đối với phần lớn lúa mì được bán hàng tuần từ dự trữ nhà nước đã được nâng lên 2.350 nhân dân tệ (359,12 USD)/ tấn, tăng từ mức 2.290 nhân dân tệ vào năm 2019.
Theo báo cáo của AgDay, Tricia Sloma, 20% đàn lợn giống ở miền Bắc Trung Quốc đã bị xóa sổ trong đợt dịch tả lợn châu Phi (ASF) mới nhất. Các ước tính đang báo hiệu sự bùng nổ trở lại của căn bệnh này sau hơn một năm dịch bệnh này được kiểm soát. Đây có thể là một bước thụt lùi đối với những cố gắng bổ sung đàn lợn sau khi dịch bệnh càn quét vào năm 2018 và đã xóa xổ 50% đàn lợn của quốc gia này chỉ trong vòng một năm. Các chuyên gia cho rằng mùa đông lạnh giá cộng với mật độ đàn lợn cao và các chủng ASF mới là nguyên nhân tái bùng phát dịch.
Theo tờ Deita.Ru đưa tin, tiếp sau các sản phẩm từ cá, Trung Quốc đang chặn nguồn xuất khẩu gỗ và than của Nga sang đất nước đông dân nhất thế giới. Nhiều đoàn xe chở hàng dài nhiều km của Nga đang tắc nghẽn trên biên giới Nga-Trung, trong số này có than và các sản phẩm gỗ. Khối lượng vận tải đường bộ và hàng hóa đi qua biên giới Trung Quốc đã giảm 70%. Tương tự với hàng hóa chở bằng tàu hỏa, nhịp độ tiếp nhận các chuyến tàu giảm gần 50%. Theo thỏa thuận, 22 chuyến tàu sẽ đi qua các cửa khẩu Zabaikalsk-Manchuria và Naushki-Sukhe-Bator, song trên thực tế, chỉ có 13 chuyến tàu được phép hoạt động.
Ngày 29/4, Cơ quan Hải quan Trung Quốc đã mở thêm cửa khẩu Đông Hưng, Quảng Tây cho trái cây Thái Lan. Cửa khẩu cũng được mở để giảm ách tắc tại các cửa khẩu thường nhập khẩu trái cây từ Thái Lan như Mohan, Hữu Nghị Quan và Bằng Tường.
Ước tính từ Phòng Thương mại Trung Quốc trực tiếp dự đoán rằng 75% doanh số bán hàng trong lĩnh vực cà phê Trung Quốc sẽ là tiêu dùng ngoài gia đình vào năm 2023. Người tiêu dùng sẽ bắt đầu xem cà phê là một trải nghiệm hơn là chỉ là một loại đồ uống - giống như trong các nước tiêu thụ lớn khác. Và mặc dù khả năng chi trả là ưu tiên của hầu hết người tiêu dùng, các nhà rang xay Trung Quốc cũng ngày càng quan tâm hơn đến các loại cà phê đắt hơn, hiếm hơn. Đặt hàng qua điện thoại của họ và thương mại điện tử vẫn là cách mua cà phê số một ở nước này.
Báo cáo chi tiết xem tại đây!