Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá phân bón thế giới hạ nhiệt, trong nước vẫn tăng cao?
13 | 09 | 2021
Trên thị trường thế giới, giá phân bón urê giảm 28 - 36 USD/tấn trong tháng 8 do Ấn Độ trì hoãn mua vào. Ngược lại, tại thị trường trong nước giá nhiều loại phân bón vẫn tiếp tục tăng cao.

Giá urê thế giới giảm 28-36 USD/tấn 

Sau khi tăng mạnh trong những tháng đầu năm, giá urê thế giới đã có sự điều chỉnh giảm từ giữa tháng 7 do thiếu vắng nhu cầu mua vào. 

Việc Ấn Độ trì hoãn đấu thầu urê mới do các vấn đề về tài chính đã khiến các nhà cung cấp phải hạ giá bán nhằm  thu hút sự quan tâm của những người mua khác, chủ yếu là Brazil. Ngoài ra, giá cước vận chuyển cao cũng gây áp lực lên giá chào bán theo điều kiện FOB.

Trên sàn giao dịch CME, giá urê hạt đục tại Trung Đông ngày 31/8 ở mức 420 USD/tấn (FOB) hợp đồng giao tháng 9/2021, giảm 36 USD/tấn so với mức cao nhất đạt được vào giữa tháng 7. 

Giá chào bán urê hạt đục tại Ai Cập và Brazil cũng giảm 28 - 29 USD/tấn so với giữa tháng 7 xuống còn 450 USD/tấn (FOB) và 483 USD/tấn (CFR).

Theo chuyên trang về phân bón Profercy, nhu cầu của Brazil trong tuần cuối tháng 8 giảm do các giao dịch mua lớn đã được thực hiện trước đó, nhưng hoạt động mua vào của Brazil dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra vào tháng 9 và đây đang là thị trường lớn duy nhất vẫn tích cực mua vào.

Trong khi đó, giá chào bán urê hạt trong của Trung Quốc trong tuần đến ngày 27/8 dao động quanh mức 410 USD/tấn (FOB), giảm 20 - 25 USD/tấn so với một tuần trước đó và thấp hơn đáng kể so với khoảng 475 USD/tấn đạt được vào giữa tháng 7. 

Là nhà sản xuất urê lớn nhất thế giới, với vai trò là thị trường cung cấp hàng đầu, những biến động của thị trường Trung Quốc ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng chung của thị trường thế giới.

Vào cuối tháng 7, các nhà sản xuất Trung Quốc thông báo sẽ ưu tiên urê cho thị trường nội địa sau khi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã có cuộc họp với các doanh nghiệp sản xuất phân bón để trao đổi về việc tích trữ và đầu cơ. 

Giá xuất xưởng urê tại Trung Quốc kể từ đó đã giảm đáng kể do nhu cầu trong ngành nông nghiệp trong nước suy yếu và người mua trì hoãn mua vào. Tại thị trường nội địa Trung Quốc, giá phân bón urê, Kali clorua, Amoniac xuất xưởng của các nhà máy đều giảm hơn 300 NDT/tấn trong tháng 8.

Riêng tại thị trường Mỹ, giá urê hạt đục tăng 30 USD/tấn trong tuần cuối cùng của tháng 8 lên mức 450 USD/tấn (FOB) do ảnh hưởng của cơn bão Ida, dù trước đó giá urê tại Mỹ cũng đã giảm khoảng 20 USD/tấn. 

Còn trên thị trường Ammonium Sulphate, giá mặt hàng này tại Đông Nam Á trong hơn 1 tháng qua ổn định ở mức 147,6 USD/tấn (CFR).

Theo các thương nhân quốc tế, mặc dù giảm trong hơn một tháng qua nhưng giá urê thế giới khó có thể giảm mạnh trong thời gian tới do chi phí nguyên liệu đầu vào như khi đốt, than vẫn ở mức cao. 

Thị trường hiện đang trông đợi vào việc Ấn Độ có thể thực hiện phiên đấu thầu mua urê mới cũng như khả năng cung cấp của Trung Quốc trong phiên đấu thầu này.

Giá phân bón thế giới hạ nhiệt, trong nước tiếp tục tăng cao - Ảnh 1.

Giá một số loại phân bón trên sàn giao dịch CME trong 8 tháng đầu năm 2021. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Giá phân bón trong nước biến động trái chiều với giá thế giới

Trái ngược với diễn biến của thị trường thế giới, giá phân bón tại một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xu hướng tăng trong tháng 8.

Tại An Giang, giá đạm urê Cà Mau tại thời điểm cuối tháng 8 ở mức 12.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với cuối tháng trước; đạm urê Phú Mỹ tăng 2.600 đồng/kg lên 14.000 đồng/kg; urê Trung Quốc tăng 1.800 đồng/kg lên 12.400 đồng/kg.

Tương tự, giá phân bón DAP nâu Trung Quốc và DAP Philippines tăng 2.800 – 3.500 đồng/kg, đạt 17.400 - 19.700 đồng/kg; giá các loại phân bón NPK tăng từ 1.500 – 2.500 đồng/kg so với tháng trước lên 16.800 - 17.800 đồng/kg; phân bón Kali Canada và Kali Israel cũng tăng lên mức 13.400 - 14.400 đồng/kg.

Còn tại Tiền Giang, giá phân bón đạm urê tăng 700 đồng/kg so với tháng trước lên 12.300 đồng/kg; phân bón NPK 20-20-15 tăng 600 đồng/kg, đạt 15.600 đồng/kg.

Nguồn cung tăng, giá phân bón trong nước có thể giảm dần vào những tháng cuối năm

Hoạt động sản xuất và nhập khẩu phân bón trong tháng 8 tiếp tục được đẩy mạnh, trong khi việc xuất khẩu cũng được hạn chế tối đa nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng phân bón nhập khẩu trong tháng 8 ước đạt 350.000 tấn, giảm 32,7% so với tháng trước nhưng tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy từ tháng 4 đến nay nhập khẩu phân bón đều duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 8 tháng đầu năm, nhập khẩu phân bón ước đạt gần 3,2 triệu tấn, trị giá 915 triệu USD, tăng 21,2% (tương đương 554.570 tấn) về lượng và tăng 41,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại trong nước, sản xuất phân bón urê trong tháng 8 đạt 215,7 nghìn tấn, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, lượng phân bón urê sản xuất trong nước giảm nhẹ gần 3% so với cùng kỳ, đạt 1,6 triệu tấn. 

Tuy nhiên, lượng phân bón NPK, DAP sản xuất trong nước lại tăng trưởng khá cao trong 8 tháng qua với NPK tăng 12,3% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, xuất khẩu phân bón trong tháng 8 tiếp tục giảm 25,2% so với tháng trước và giảm 58,8% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 65.000 tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với giá dầu được dự báo tiếp tục tăng khi các chính sách cách ly sẽ được giãn bỏ, sau thời gian được hưởng lợi do tận dụng được nguồn nguyên liệu đã nhập từ trước khi tăng giá, các nhà máy sản xuất bắt đầu phải nhập nguyên liệu với giá cao, tạo sức ép tăng giá thành phân bón. 

Tuy nhiên, do đang cuối vụ lúa hè thu, nhu cầu phân bón sẽ giảm, nguồn cung vẫn được đảm bảo từ sản xuất và nhập khẩu, nên dự báo giá phân bón có thể có xu hướng chững lại và giảm dần. 

Hiện năng lực sản xuất phân urê trong nước là 2,6 triệu tấn/năm, tiêu thụ khoảng 1,8 - 2 triệu tấn/năm, nên hoàn toàn đáp ứng nhu cầu, có thể xuất khẩu từ 500 - 660 tấn urê/năm. 

Từ đầu năm nay, do nhu cầu thị trường nội địa, sản xuất urê của các nhà máy mới chỉ đạt khoảng 87% công suất thiết kế, do giá urê nhập khẩu đang cao hơn so với giá urê sản xuất trong nước nên các nhà máy sẽ phát huy công suất tối đa, đẩy mạnh sản xuất cung ứng urê ra thị trường.



Báo cáo phân tích thị trường