Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đạm Hà Bắc (DHB) chìm trong thua lỗ
31 | 08 | 2021
Dù thị trường phân bón đang thuận lợi, nửa đầu năm nay, Công ty cổ phần Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (mã DHB) tiếp tục báo lỗ lớn và bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Theo Tin nhanh chứng khoán

Lỗ lũy kế lên tới 5.161 tỷ đồng

Báo cáo soát xét bán niên 2021 của Đạm Hà Bắc cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, Công ty đạt doanh thu 1.867 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế lại là con số âm 409 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của Công ty đã tăng lên 5.161 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 2.392 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại ngày 30/6/2021, Đạm Hà Bắc có khoản nợ phải trả lên đến 10.311 tỷ đồng, trong đó 60% là nợ ngắn hạn.

Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học TP.HCM, đơn vị thực hiện soát xét, nhấn mạnh, “tại thời điểm 30/6/2021, báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của Đạm Hà Bắc phản ánh tổng số nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là hơn 5.601 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 5.161 tỷ đồng lớn hơn vốn góp của chủ sở hữu 2.392 tỷ đồng. Các nội dung này cho thấy các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty”.

Đạm Hà Bắc từng được xem là cánh chim đầu đàn của ngành sản xuất phân đạm và hoá chất của cả nước, nổi tiếng với thương hiệu phân bón u-rê Hà Bắc. Từ năm 2014 trở về trước, Công ty thường xuyên kinh doanh có lãi, tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay liên tục thua lỗ.

Năm 2015, Công ty lỗ 669,7 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 1.051 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 661,6 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 332,5 tỷ đồng, năm 2019 lỗ hơn 637 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 1.460 tỷ đồng.

Sa lầy với dự án cải tạo nhà máy

Lãnh đạo Đạm Hà Bắc lý giải, việc thua lỗ nhiều năm qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giá than, nguyên liệu đầu vào của Nhà máy trong xu thế tăng liên tục. Bên cạnh đó, với gánh nặng nợ vay lớn, hàng năm Công ty phải chịu chi phí lãi vay lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Gánh nặng nợ vay bắt đầu phát sinh từ khi Công ty đầu tư Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc - 1 trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 779/TB-TTCP ngày 20/5/2020, tổng mức đầu tư của dự án là 568,646 triệu USD. Trong khi đó, tỷ lệ vốn tự có của Công ty tham gia dự án chỉ chiếm 17,9% tổng mức đầu tư, còn lại chủ yếu là vốn vay chiếm 82,1%.

Báo cáo tài chính bán niên 2021 cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 6, tổng nợ vay của Công ty là 6.640 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm trong chọn nhà thầu và việc quyết toán các hạng mục dự án. Điều này vẫn để lại hệ lụy trên báo cáo soát xét bán niên 2021 của Công ty.

Theo đó, kiểm toán viên cho biết, báo cáo ghi nhận nguyên giá và trích khấu hao tài sản cố định hình thành từ Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, theo Báo cáo quyết toán dự án hoàn thành do chủ đầu tư lập ngày 1/12/2017 chưa được phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Quá trình quyết toán dự án, chủ đầu tư và các nhà thầu chưa thống nhất được giá trị quyết toán các gói thầu số 8, 9, 10, 14 và hợp đồng tư vấn kiểm tra hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng, dẫn đến phát sinh các khoản công nợ liên quan đến nhà thầu nước ngoài và các khoản công nợ khác.

“Với các bằng chứng thu thập được và thủ tục thay thế khác, kiểm toán viên chưa đủ cơ sở để đưa ra tính hiện hữu và đầy đủ các khoản công nợ trên cũng như các khoản nợ tiềm tàng có thể phát sinh trong tương lai liên quan đến việc quyết toán của Công ty”, báo cáo viết.

Thua lỗ lớn và nợ vay vượt xa giá trị tài sản, Đạm Hà Bắc bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Mới đây, ông Nguyễn Bắc Ninh, Tổng giám đốc Đạm Hà Bắc cho biết, “Công ty đã linh hoạt trong việc sử dụng các công cụ tài chính, tiến hành mọi biện pháp để cân đối và đảm bảo đủ dòng tiền cho hoạt động sản xuất - kinh doanh”.

Dẫu vậy, kể cả khi Đạm Hà Bắc cân đối được dòng tiền được dòng tiền kinh doanh thì vẫn có quá nhiều khó khăn ở phía trước.

Thị trường phân bón thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, giá urê, NH3, thế giới và trong nước đều tăng cao so với cùng kỳ, hàng hoá tiêu thụ tốt, tuy vậy, chi phí lãi vay lớn và giá nguyên liệu đầu tăng – những áp lực khiến Công ty rơi vào thua lỗ nhiều năm nay vẫn hiện hữu.

Cổ phiếu DHB đi lạc sóng ngành

Thời gian qua, cổ phiếu nhóm ngành phân bón có sóng tăng rất mạnh. Cổ phiếu DCM đang giao dịch hơn 23.000 đồng/cổ phiếu/cổ phiếu; DPM hiện có thị giá hơn 36.000 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu DDV, LAS cũng thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Tuy vậy, với các chỉ số tài chính tiêu cực, thị giá của cổ phiếu DHB (sàn UPCoM) có xu hướng đi xuống, ở vùng 5.800 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu hầu như không có thanh khoản, khối lượng giao dịch trung bình/10 phiên chỉ đạt 150 cổ phiếu.

 



Báo cáo phân tích thị trường