Những ngày cuối tháng 12/2016 vừa qua, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) bất ngờ gửi dự thảo, nhưng thực chất là hợp đồng tới một loạt doanh nghiệp phân bón trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thông báo tăng giá bán than bắt đầu từ 1/1/2017.
Cụ thể, trong hợp đồng soạn sẵn, Vinacomin thông báo sẽ tăng 300.000 đồng/tấn than cục và 10% giá than cám.
Trao đổi với chúng tôi, Tổng Giám đốc Cty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển Hoàng Văn Tại bức xúc cho biết, từ ngày Vinacomin làm đại diện bán than thay mặt các đơn vị thành viên đến nay, chưa bao giờ Vinacomin giảm giá bán, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp mà chủ yếu là tăng, kể cả lúc giá than thế giới giảm mạnh.
Đặc biệt, năm 2016, giá hầu hết các mặt hàng nhiên liệu như xăng, dầu, khí đốt, hóa chất, than thế giới đều giảm, nhưng Vinacomin không hề giảm giá than cho các doanh nghiệp phân bón.
Trong khi đó, 2016 ngành phân bón phải chật vật mong duy trì được sản lượng, doanh thu bởi gặp rất nhiều khó khăn do giá phân bón giảm sâu bởi ảnh hưởng của hạn hán tại miền Trung-Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại ĐBSCL, rồi lũ lụt những ngày cuối năm ở Nam Trung bộ.
Bên cạnh đó, Luật thuế 71 về thuế giá trị gia tăng liệt phân bón vào mặt hàng không chịu thuế nên các doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào khiến chi phí của tất cả doanh nghiệp đều tăng, đơn vị ít vài chục tỉ, đơn vị nhiều lên tới cả trăm tỷ đồng mỗi năm.
Vì vậy, năm 2016 hầu hết các doanh nghiệp phân bón phải thắt lưng buộc bụng, gồng gánh mong hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Giờ cuối năm lại dính cú “nốc ao” tăng giá bán than của Vinacomin khiến phần lớn doanh nghiệp gục hẳn.
Cũng bất bình với việc tăng giá than của Vinacomin trong thời điểm vô cùng khó khăn của các doanh nghiệp phân bón, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân lân Ninh Bình Phạm Mạnh Ninh đề nghị Vinacomin chỉ giảm hoặc giữ giá bán than cho các hộ kinh doanh lớn là doanh nghiệp phân bón trong năm 2017.
Theo tính toán của ông Ninh, việc tăng giá bán từ 2.992.400 đồng/tấn lên 3.287.550 đồng/tấn, riêng chi phí cho giá than năm 2017 của Công ty Phân lân Ninh Bình sẽ đội thêm gần 20 tỷ đồng, ảnh hưởng, đảo lộn rất lớn tới kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nay.
Nhưng có lẽ lo lắng nhất trước việc tăng giá than cám tới 10% của Vinacomin chính là Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và Công ty TNHH MTV Phân đạm Ninh Bình. Đây là hai doanh nghiệp có lượng tiêu thụ than lớn của Vinachem và giá than cũng chiếm quá nửa giá thành sản phẩm phân đạm.
Trong khi đó, Đạm Ninh Bình đang lỗ chồng lỗ, lãi ngân hàng chồng lãi vay nước ngoài nên việc tăng giá than theo dự kiến có thể khiến doanh nghiệp này rơi vào tình trạng “không thể cứu vãn” vì hiện giá dầu khí vẫn rất thấp nên viễn cảnh tươi sáng của việc giá đạm tăng trong 2017 sẽ vô cùng mờ mịt.
Riêng Đạm Hà Bắc, mặc dù đang trong thời gian khấu hao và lỗ kế hoạch, nhưng theo chia sẻ của một lãnh đạo đơn vị này, khi xây dựng định mức đầu tư và thời gian hoàn vốn, giá than được tính toán thấp hơn giá hiện tại nhiều lần và giá đạm urê cũng cao hơn 20 - 30% nên chắc chắn thời gian khấu hao sẽ thay đổi lớn.
Trước mắt, từ chỗ là đơn vị có lợi nhuận và nằm trong tốp đầu lợi nhuận của Vinachem trong nhiều thập kỷ, Đạm Hà Bắc giờ rơi xuống tốp cuối những doanh nghiệp lỗ lớn của tập đoàn.
Trước việc Vinacomin đột ngột tăng giá bán than, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy cảnh báo, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đang chịu cảnh “một cổ hai tròng” từ giá than đến thuế VAT.
Điều này một mặt đã tác động lớn đến chi phí sản xuất, đầu tư phân bón, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa, mặt khác lại làm cho phân bón nhập khẩu rẻ hơn, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm trong nước.
Trong bối cảnh đó, nếu giá phân bón tiếp tục tăng, sẽ tạo cơ hội cho các đối tượng làm phân bón giả hoành hành, nông dân và các công ty sản xuất phân bón chân chính sẽ là những đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất.
|