Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp sản xuất phân bón điêu đứng vì thuế GTGT
28 | 10 | 2016
Hàng loạt doanh nghiệp, đại diện cơ quan quản lý chỉ ra chính sách thuế giá trị gia tăng VAT đối với phân bón đang khiến DN sản xuất phân bón trong nước điêu đứng.

Ngày 27-10 tại Hà Nội, báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm "Gỡ khó chính sách thuế giá trị gia tăng cho phân bón". Theo các doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón trong nước, việc đưa phân bón vào danh mục mặt hàng không chịu thuế VAT khiến DN giảm doanh thu, lợi nhuận, thua ngay tại sân nhà. Trong khi đó người nông dân lại không hề được hưởng lợi.

DN giảm doanh thu + lợi nhuận

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Văn Chuyên, phó trưởng phòng kế hoạch vật tư Công ty CP Supe - Phốt phát và hóa chất Lâm Thao, cho biết sau khi mặt hàng phân bón được đưa vào danh mục không chịu thuế VAT theo Luật 71 năm 2014, có hiệu lực từ đầu năm 2015, khiến DN bị thiệt hại hàng tỉ đồng và người nông dân không hưởng lợi mà phân bón lại tăng cao.

Theo ông Trần Văn Chuyên, hằng năm công ty sản xuất 0,28 triệu tấn hóa chất và 1,6 triệu tấn phân bón. Trong quá trình sản xuất, vật tư nguyên liệu nhập vào là nguyên liệu thô, phải chịu thuế đầu vào từ 5-10% với tổng giá trị tiền thuế đầu vào mỗi năm khoảng 180 tỉ đồng/năm.

Do không được hoàn thuế nên toàn bộ tiền thuế đầu vào phải tính vào chí phí sản xuất đã làm tăng giá thành sản phẩm phân bón từ 3-4%.

Và từ năm 2015, phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế nên DN phải đóng tiền thuế cho ngân sách nhà nước là 120 - 130 tỉ đồng/ năm.

Phân bón nhập khẩu được giảm từ 11% xuống còn 6%. Như vậy mặt bằng phân bón nhập khẩu giảm 5% trong khi phân bón trong nước lại tăng 3-4%. Như vậy phân bón nhập khẩu lợi thế về giá hơn so với sản phẩm sản xuất trong nước.

“Thực tế sau khi áp dụng chính sách thuế VAT đối với phân bón, lợi nhuận của Công ty CP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao giảm mạnh, như năm 2014 là 562 tỉ đến 2015 giảm còn hơn 392 tỉ đồng. Trong chín tháng đầu năm nay chỉ đạt 109 tỉ đồng và dự kiến cả năm không biết có nổi 200 tỉ hay không?” - ông Chuyên lo ngại

Nói về tác động của việc mặt hàng phân bón từ danh mục chịu thuế VAT sang danh mục không chịu thuế, ông Takashi Yamada, giám đốc tài chính Công ty Phân bón Việt Nhật, cho biết DN không được khấu trừ thuế đầu vào giảm 28 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm nay.

Trong khi đó năng suất sản xuất nhà máy càng ngày càng giảm, không đúng như công suất thiết kế ban đầu mà nhập khẩu phân bón ngày càng tăng.

Lượng hàng bán ra thì giảm mạnh như năm 2015 bán 182 nghìn tấn trong khi đó năm 2014 là 198 nghìn tấn. Năm  2016 sản lượng hàng bán ra cũng sẽ giảm tiếp.

Áp dụng chính sách này ảnh hưởng các DN sản xuất phân bón trong nước, trong khi đó giá nhập khẩu phân bón lại được ưu đãi thuế.

Ông Dương Trí Hội, phó tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo), cho biết mục tiêu tốt đẹp khi ban hành chính sách này Quốc hội, Chính phủ muốn giá thành sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân giảm.

DN rất đồng lòng, nhưng khi chính sách đi vào cuộc sống thì ý nghĩa cao đẹp không đạt được. Đó là chi phí sản xuất của DN tăng lên, chắc chắn khi chi phí sản xuất tăng lên nên DN phải đưa vào giá bán bởi DN phải đảm bảo lợi nhuận.

Ngoài ra, việc phân bón thuộc danh mục mặt hàng không chịu thuế VAT còn không khuyến khích DN sản xuất đầu tư công nghệ mà tạo thuận lợi cho phân bón giả, kém chất lượng hoành hành. Về lâu dài, chính sách này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hàng nông sản khi phân bón không loại bỏ tạp chất.

Thuế VAT đối với phân bón tốt nhất là 0%

Ông Hội kiến nghị chính sách thuế phải công bằng giữa DN trong nước và nước ngoài. Thứ hai, chính sách phải khuyến khích DN đầu tư công nghệ mới.

Do đó, cơ quan quản lý sớm tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội nên sớm điều chỉnh, có thể thuế VAT đối với phân bón áp mức 0% là tốt nhất hoặc quay lại mức cũ là 5%. Điều đó đảm bảo công bằng cho DN sản xuất phân bón trong nước.

Ông Chuyên cho rằng chính sách phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Song, ông này cho e rằng kiến nghị mức thuế VAT đối với phân bón là 0% thì Nhà nước sẽ không chịu trong bối cảnh ngân sách khó khăn.

Do đó, thuế VAT với phân bón nên cân đối ở mức là 2-3% thì phù hợp hơn.

“Sản lượng giảm, doanh thu giảm, trong khi nguyên liệu đầu vào đều nằm trong danh mục chịu thuế nhưng sản phẩm đầu ra lại không được khấu trừ thuế, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN.

Do đó, chúng tôi hi vọng các cơ quan chức năng xem xét mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế 0%. Như vậy, việc này mang lại lợi ích cho người nông dân và DN sản xuất phân bón trong nước” - ông Takashi Yamada kiến nghị.



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường