Việt Nam là quốc gia có dân số đứng đầu Đông Nam Á với hơn 90 triệu người, trong đó hơn 70% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn nên việc phát triển kinh tế nông nghiệp được xem là yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững quốc gia.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong gần 30 năm qua kể từ khi đất nước bước vào đổi mới, Đảng và Chính phủ luôn khuyến khích, động viên, hỗ trợ và đầu tư mạnh mẽ vào công cuộc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Văn kiện Đại hội lần thức XII của Đảng cũng đã xác định: “Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”.
Để có thể thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách tích cực, kêu gọi sự chung tay giúp sức và vào cuộc của nhiều cá nhân và tổ chức, trong đó không thể không kể đến vai trò tiên phong to lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Đây chính là mũi nhọn, bước đột phá nhằm huy động tốt nhất nguồn lực tổng hợp cho việc phát triển nông nghiệp nông thôn.
|
Toàn cảnh Tọa đàm |
Mặc dù vậy, thời gian qua do sự thiếu đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, nhiều cơ chế chính sách còn bất hợp lý nên sự vào cuộc của các Doanh nghiệp hiệu quả còn rất hạn chế.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phát triển Kinh tế Nông nghiệp – Giải pháp cho Doanh nghiệp Việt Nam” nhằm chỉ ra những tiềm năng và lợi ích to lớn khi đầu tư vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, những hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến sự đầu tư của các doanh nghiệp, qua đó đề ra giải pháp phù hợp và kịp thời giúp các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển kinh tế nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo đà cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần đưa Việt nam sánh vai với các nước tiên tiến trong khu vực.
Tham gia tọa đàm có Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng – Ủy viên BCH TW Hội Nông dân Việt Nam, Chuyên gia Nông nghiệp – Sinh học; Ông Trần Công Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NN – NT; Ông Nguyễn Trí Ngọc – Phó Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam; Ông Ngô Tiến Dũng – Tổng Thư ký Hiệp hội các DN Ứng dụng Công nghệ cao trong Nông nghiệp; Ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giống Cây trồng Thái Bình; Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Phúc; Ông Lê Bá Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang); Ông Nguyễn Tiến Ky -CVP Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh hóa.
Phát biểu khai mạc, ông Lại Hợp Nhân – Phó Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết: Phát triển kinh tế Nông nghiệp có thể nói là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược đã được Đảng và Nhà nước xác định trong tiến trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
|
Ông Lại Hợp Nhân – Phó Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp |
Như chúng ta đã biết, để chính sách tam nông (nông nghiệp – nông thôn – nông dân) thực sự phát huy hiệu quả, thì vai trò của nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp trong mối liên kết 4 nhà là vô cùng quan trọng, đặc biệt là vai trò của nhà doanh nghiệp.
Bộ Chính trị cũng đã có nghị quyết số 09 về phát huy vai trò của DN-DN trong quá trình đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Vậy vấn đề đặt ra, thực trạng ngành nông nghiệp đã phát triển tương xứng tiềm năng hay chưa và với tiềm năng phát triển đó thì sự quan tâm của các doanh nghiệp như thế nào? Làm thế nào để huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp?
Hy vọng rằng, với sự tham gia tọa đàm của các nhà khoa học, đại diện các viện nghiên cứu chiến lược, các hiệp hội DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, các DN đầu tế vào lĩnh vực nông nghiệp và đại diện địa phương, chúng ta sẽ tìm ra những giải pháp khơi dậy và phát huy tiềm năng kinh tế địa phương, góp phần cho kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Phần I: Tiềm năng và thực trạng đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp Việt Nam hiện nay
– Là một chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp và đã từng đi rất nhiều địa phương trên cả nước, xin phép hỏi GS Nguyễn Lân Hùng: GS đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp của Việt Nam cũng như thực trạng phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay như thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng – Ủy viên BCH TW Hội Nông dân Việt Nam: Là người làm việc với bà con nông dân nhiều, có nhiều thông tin của bà con, đứng về phía bà con nông dân nhìn lên, bà con luôn phát huy được nhiều tiềm năng nhưng lâu nay tiềm năng đó chưa được phát huy hết.
|
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng |
Hiện nay, chúng ta đã có 1 Chính phủ mới hết sức quan tâm đến việc phát triển đất nước, một Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp năng động đã huy động được lực lượng khoa học trong và ngoài ngành phối hợp với nhau, động viên chúng tôi phát huy hết tiềm năng.
Chúng ta đang bước vào giai đoạn biến đổi khí hậu quá mạnh, Việt Nam là 1 trong những nước chịu ảnh hưởng lớn. Gần đây chúng ta liên tiếp gặp các vấn đề như hạn hán, lụt lội, nên việc chuyển đổi rất khó khăn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: Ứng phó với biến đổi khí hậu phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đồng thời phải vừa chủ động thích nghi vừa ứng phó.
Trong điều kiện khó khăn, chúng ta phải vươn lên và Thủ tướng cũng rất mong muốn, kêu gọi, huy động DN vào mặt trận nông nghiệp. Có thể nói đây là bước ngoặt bởi lâu nay DN có ít và làm khá hời hợt. Nhưng DN muốn bước chân vào mặt trận nông nghiệp thì phải làm như thế nào, bước vào mặt trận nông nghiệp như thế nào. Chính vì vậy, rất cần cầu nối giữa nhà DN với nhà sản xuất nông nghiệp. Tôi rất mong muốn báo DĐDN có 1 mục cho chúng tôi giới thiệu về những hấp dẫn, lợi thế của mặt trận nông nghiệp cũng như thuận lợi khó khăn của ngành nông nghiệp để các DN nhìn thấy để cùng bàn với địa phương để cùng phát triển nông nghiệp. Rất mong DN hiểu được mặt trận nông nghiệp để tìm được thế mạnh, để đầu tư cho mặt trận nông nghiệp, phối hợp với nông dân để đẩy mạnh sản xuất.
Ông Nguyễn Trí Ngọc – Phó Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam: Chúng tôi rất mừng chưa đầy 1 tuần, tại VCCI có 2 buổi toạ đàm đều xoay quanh chủ đề doanh nghiệp đối với phát triển nông nghiệp.
|
Ông Nguyễn Trí Ngọc |
Tại toạ đàm đó, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, VCCI đã rất lắng nghe ý kiến từ phía doanh nghiệp trên tinh thần lắng nghe để hành động.
Cuộc toạ đàm hôm nay, tôi cũng đánh giá rất cao bởi đã nói lên tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp. Ngành Nông nghiệp Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu rất lớn, đáng tự hào. Tuy nhiên, đến giai đoạn này, bức tranh của nền nông nghiệp đang rất cần sự tham gia đóng góp từ phía doanh nghiệp và đã đến lúc chúng ta phải nói tới câu chuyện đó và cần có giải pháp để thực hiện.
Sau 3 năm thực hiện tái cấu trúc nền nông nghiệp, chúng ta đã làm được một số việc. Tuy nhiên, đáp ứng được mong mỏi yêu cầu của nền kinh tế thì còn khá khiêm tốn. Có lẽ trong 3 năm tái cấu trúc nền nông nghiệp, những người lãnh đạo mới thấy rõ hơn việc cần thiết phải đưa ra giải pháp thiết thực làm sao thu hút được doanh nghiệp tham gia vào phát triển nông nghiệp nông thôn. Nhưng muốn giải quyết được việc này, chúng ta phải có sự thay đổi tư duy từ cơ chế đến chính sách mới giải quyết được vấn đề.
Ông Lê Bá Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang): Hiện nay việc sản xuất tiêu thụ nông sản của nước ta vẫn còn nhiều khó khăn bởi tính bền vững. Thực tế nếu chỉ tiêu thụ qua hộ gia đình rất khó khăn và không thể tồn tại lâu dài được.
|
Ông Lê Bá Thành |
Do vậy, muốn bền vững hơn thì vai trò của DN không thể thiếu được. Tuy nhiên, hầu hết các DN đầu tư vào Lục Ngạn thì chủ yếu ở các khâu phụ trợ: bao bì, đóng gói, chứ chưa tham gia vào khâu tiêu thụ còn rất thấp so với yêu cầu cần có của tỉnh.
Ông Trần Công Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp – nông thôn: Nền nông nghiệp của chúng ta đã đạt được những thành công to lớn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội và góp phần to lớn nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian qua tương đối ổn định và thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực. Sự phát triển sản xuất nông nghiệp góp phần to lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của hộ nông dân.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp góp phần quan trọng vào xuất khẩu. Nông nghiệp là ngành duy nhất có cán cân thương mại dương trong nhiều năm liền. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt khoảng 31 tỷ USD trong khí đó kim ngạch nhập khẩu chỉ khoảng 20 tỷ USD. Hiện chúng ta có 10 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD là gạo, cà phê, sắn, hạt tiêu, cao su, rau quả, sắn, gỗ sản phẩm gỗ, tôm, cá tra. Với điều kiện khí hậu, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, lao động nông nghiệp dồi dào, đất đai mầu mỡ, tiềm năng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam là rất lớn.
|
Ông Trần Công Thắng |
Mặc dù có nhiều thành công nhưng quá trình tăng trưởng nông nghiệp trước đây dựa quá nhiều vào tài nguyên, sử dụng nhiều đầu vào và viêc áp dụng tiến bộ KHCN còn hạn chế. Các sản phẩm nông sản của Việt Nam kể cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu còn chưa chế biến sâu. Khâu sau thu hoạch, bảo quản còn chưa phát triển, tỷ lệ hao hụt cao. Khâu tổ chức sản xuất cũng còn nhiều hạn chế chưa phát huy được kinh tế theo quy mô, chưa xây dựng được chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ. Những hạn chế này cũng cho thấy, bên cạnh tiềm năng về điều kiện tư nhiên, theo tôi, nếu chúng ta cải thiện được những hạn chế đó, chúng ta hoàn toàn có thể phát huy hơn nữa tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp (cả ở khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ)
Nhiều chuyên gia đánh giá thế mạnh thực thụ của Việt Nam gồm nông nghiệp, con người và du lịch. Nếu chúng ta khắc phục được hạn chế, đào sâu khai thác tiềm năng thì sẽ đẩy mạnh được sự phát triển của ngành nông nghiệp hơn nữa.
– Với vai trò của một cơ quan nghiên cứu, tham mưu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn ông Thắng – Viện phó Viện đánh giá thế nào về vai trò, vị trí của Doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp?
Ông Trần Công Thắng: Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp – nông thôn đã giúp tỉnh Thái Bình xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thái Bình rất mạnh về nông nghiệp nhưng mới ở khâu sản xuất. Giai đoạn trước phát triển tốt nhưng hiện nay vẫn chỉ ở mức bình thường, không có sự đột phá. Và một trong yếu tố mà làm cho Thái Bình chưa phát huy được vai trò của ngành nông nghiệp đấy chính thiếu vắng vai trò chủ đạo, đầu tầu các DN trong những lĩnh vực khác nhau từ DN sản xuất kinh doanh đầu vào, đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Tôi cho rằng, nếu Thái Bình có 10 doanh nhân như ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giống cây trồng Thái Bình thì chắc chắn sẽ đẩy mạnh được nền kinh tế nơi đây. Ví dụ này cho thấy, vai trò DN thực sự quan trọng thế nào đối với sự phát triển của nền nông nghiệp. Ở đây chúng ta nói đến cả DN sản xuất kinh doanh đầu vào, đến DN tiêu thụ sản phẩm hay các DN cung cấp dịch vụ hỗ trợ khác.
Hiện nay, chúng ta đang đứng trước nền kinh tế hội nhập, người nông dân của chúng ta rất cần cù, chăm chỉ, nhưng không phải ai cũng ứng dụng được KHCN, không phải ai cũng tiếp cận được thị trường tiêu thụ, vì vậy rất cần vai trò dẫn dắt, đầu tầu của DN.
Trong giai đoạn trước đây, chúng ta đã phát triển kinh tế hộ, hợp tác xã, nhưng hiện nay, DN phải đứng đầu. Trong việc tiếp cận thị trường, tìm kiếm công nghệ mới, các hộ nông dân, Hợp tác xã không thể làm tốt việc này và DN phải vào cuộc.
Ông Lê Bá Thành: Đối với huyện Lục Ngạn, nền kinh tế phát triển nông thôn địa phương có nhiều sản phẩm đặc thù. Tuy nhiên, để biến những tiềm năng đó phát triển thì cũng vô cùng khó khăn, cần có sự phối hợp của các ngành, các cấp và nông dân.
Huyện Lục Ngạn hiện có 3 tiềm năng chủ lực, đó là đất đai, con người và khí hậu.
Hiện huyện có 103.000 hét ta mà không phải huyện nào cũng có. Lợi thế khí hậu cho phép trồng nhiều loại cây ăn quả cho năng suất chất lượng cao. Tiềm năng con người là nguồn chủ yếu như kinh nghiệm, nguồn sản xuất và sự cần cù của nông dân.
Đến nay, huyện Lục Ngạn đã có rất nhiều cây trồng lâu năm đem lại sản lượng tốt cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp. Tổng thu từ sản xuất nông nghiệp khoảng 3 nghìn tỷ. Tuy nhiên, từ tiềm năng đến thực tế đem lại hiệu quả kinh tế cho đời sống nông dân thì rất là khó khăn mà lãnh đạo huyện phải cố gắng.
– Rõ ràng là tất cả chúng ta ở đây đều có chung quan điểm là việc phát triển kinh tế nông nghiêp, nông thôn có tiềm năng vô cùng to lớn. Bên cạnh đó vai trò của Doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại vô cùng quan trọng, là khâu đột phá, mũi nhọn có tính chất quyết định. Vậy xin hỏi ông Trần Mạnh Báo tại sao số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực này lại còn ít như vậy?
Ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch HĐQT Công ty Giống cây trồng Thái Bình Trước đây, trong Diễn đàn về Nông nghiệp tôi đã nêu ra 10 vấn đề của nông nghiệp với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. Chúng ta phải nói rằng, trời đất đã cho chúng ta một dải đất kéo dài gần 20 vĩ độ. Trong nhóm Asean, Việt Nam là nước duy nhất có lợi thế cả về khí hậu ôn đới và nhiệt đới.
|
Ông Trần Mạnh Báo |
Một đoàn đại biểu từ Hiệp hội giống cây trồng Hàn Quốc đến thăm Việt Nam vào mùa hè đã từng nói: Chúng tôi thèm khát có được khí hậu như ở Việt Nam bởi vì chúng tôi vào mùa này là băng giá, không gieo trồng được nhiều, chỉ có một số cây ưa lạnh thôi.
Còn chúng ta hiện nay đang có hoa trái quanh năm bốn mùa, lúc nào cũng sẵn có các hoa quả nhiệt đới ở các sạp hàng ở Miền bắc nước ta. Chúng ta có thể trồng được khoai tây đưa vào miền Nam và có thể là xuất khẩu. Chúng ta có hàng triệu ha đất gieo trồng suốt 4 tháng. Trước đây chúng ta chỉ cấy giống dài ngày được 1 vụ còn 1 vụ chiêm khê mùa thối.
Hiện nay, hệ thống thủy lợi tốt, giống ngắn ngày năng suất cao, chúng ta có thể cấy lúa từ tháng 9 cho đến tháng 2 năm sau. Đó là những lợi thế chúng ta chưa khai thác hết. Chúng ta có một đất nước có tất cả những yếu tố cần có của nền kinh tế nông nghiệp, như rừng, thủy sản, các loại giống cây công nghiệp, lúa, ngô, khoai..đó là lợi thế không nước nào có được.
Tuy nhiên, chiến lược phát triển của chúng ta có vấn đề, chúng ta chưa tìm cách khai thác hết tiềm năng. Phát triển thô, dùng nhiều năng lượng, nhiều nguyên liệu. Nền kinh tế đòi hỏi chúng ta phải phát triển tinh, áp dụng khoa học, nâng cao chất lượng sản phẩm nên nông nghiệp không thể đứng ngoài.
Tháng 4/1988, nhờ Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, chúng ta xác định hộ gia đình là chủ thể sản xuất nông nghiệp để cho nền kinh tế nông nghiệp phát triển được. Nhưng thời kỳ đó qua rồi, Nghị quyết 10 đã hết hiệu lực, hộ gia đình không còn là chủ thể để phát triển nông nghiệp nữa. Chúng ta phải tổ chức lại lực lượng phát triển kinh tế nông nghiệp, vậy ai sẽ làm vai trò này?
Trước đây, chúng ta chưa có kinh tế thị trường, nên vai trò của doanh nghiệp rất mờ nhạt. Tôi còn nhớ, trong một cuộc triển khai sản xuất năm 2001, khi đó tôi và một số doanh nghiệp nông nghiệp có tham gia, có đại biêủ hỏi “đưa mấy con buôn ra đây làm gì?” nhưng bây giờ huyện đó là nơi yêu cầu DN về nhiều nhất.
Doanh nghiệp trong nền kinh tế nông nghiệp chính là nơi tiêu thụ đầu ra của nông dân, cũng là nơi đưa sản phẩm thiết yếu đến người tiêu dùng, không chỉ trong nước mà các nước cũng vậy. DN cũng là nơi sử dụng nhiều lao động nhất trong xã hội. Và ai là người đưa tiến bộ của các nhà nghiên cứu đến nông dân, đó cũng chính là DN. DN là nguồn lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp. Nhưng không phải tất cả DN mà vẫn có một bộ phận DN nhất định chưa đầu tư thực sự vào nông nghiệp, đã có nhiều DN phải “bỏ của chạy lấy người”. Do đó, chúng ta cần nhiều chính sách đề phát triển doanh nghiệp thực sự trong nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Phúc: Ở góc độ là DN, tôi thấy cơ hội đầu tư vào nông nghiệp ở đất nước ta là rât lớn và cộng đồng DN đang đứng trước cơ hội rất tốt để đầu tư sản xuất kinh doanh bởi từ lãnh đạo cấp cao nhất đến cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp đều nhận thấy đầu tư vào DN là lợi thế.
|
Bà Nguyễn Thị Lan Hương |
Tôi thấy rất nhiều nhà đầu tư mà chúng tôi biết đều muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng không biết bắt đầu từ đâu và đầu tư vào cái gì? Với những kinh nghiệm điều hành DN thành công, họ đã trải qua nên họ sẽ hiểu rõ và muốn được tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Họ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Bản thân tôi là một DN. Chúng ta đã đưa ra mục tiêu và đã đạt được như xuất khẩu lúa gạo. Nhưng ngoài cây lúa thì chúng ta cũng còn có một số tiềm năng khác như: Chuối, café… Để làm kinh doanh, chúng ta phải luôn luôn nhìn thấy khả năng bán hàng và xây dựng chuỗi phân phối như thế nào.
Cái khó trong nông nghiệp hiện nay là xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ DN đến người nông dân sản xuất và hợp tác xã. Nếu hợp tác xã chỉ dưạ theo mô hình hiện tại thì không khác gì “xin cho” nên cần phải xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới để DN và nông dân cùng hợp tác bền vững.
Ví dụ chuỗi cung ứng rau sạch tại các địa phương. Đất nông dân có thể cho mượn, cho thuê với giá thấp nhưng khi DN vào thuê thì tăng giá cho thuê gấp 3 – 4 lần, nếu DN làm tốt thì họ lại đòi tăng giá. Nếu chính quyền không mạnh, không điều phối được và không lên tiếng mạnh mẽ thì DN sẽ gặp nhiều khó khăn. Đây là thực trạng mà hầu hết các DN nông nghiệp đang đối mặt.
Do vậy Chính phủ cần có hành động, chính sách cụ thể từ phía chính quyền, nâng cao hoạt động của các hiệp hội DN thì khả năng liên kết chuỗi sẽ dễ hơn và có tính cộng hưởng, lan tỏa hơn. Bên cạnh đó, hiện Chính phủ đang có những chính sách cho những DN nông nghiệp lớn phát triển, trong khi DNNVV chiếm đa số nhưng họ lại không có sẵn vốn để phát triển. Nếu không có cơ chế giúp họ thì họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tôi cho rằng cần phải xây dựng một khu công nghiệp nông nghiệp để các nhà khoa học, nghiên cứu cùng đồng hành với chúng tôi trong việc đầu tư vào nông nghiệp.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng: Hiện nay, nhiều DN muốn gặp gỡ nông dân, nắm được sản phẩm thế mạnh, triển vọng nhưng lại gặp nhiều trở ngại. Ví dụ như việc thuộc da đà điểu, 1 bộ da đà điểu trị giá khoảng 400 USD (8-9 triệu) chúng ta nuôi được nhưng da lại không thuộc được. Nếu DN có thể nhìn thấy tiềm năng đó, bắt tay vào đầu tư thì chắc chắn có hiệu quả.
Hay việc nuôi cá cảnh ở TP.HCM có 1 DN chuyên nhập giống từ Braxin về nuôi và xuất khẩu rất hiệu quả,… Tiềm năng cây, con của chúng ta rất nhiều nhưng làm thế nào nối kết được thông tin tới DN để DN có thể quan tâm, nghiên cứu, đầu tư sản xuất, mua trực tiếp, chế biến hay giới thiệu sản phẩm để bắt tay hợp tác với nông dân thì đó là cái cần thiết nhất. Tôi rất mong nhà nước, VCCI có thể tạo được 1 cửa sổ để chúng tôi đưa thông tin, nối DN với bà con nông dân có thể phát huy được tiềm năng nông nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Ky – Viện nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh hóa: Ngành dược của tôi có Viện nghiên cứu, dưới viện nghiên cứu có trung tâm, dưới trung tâm có doanh nghiệp thành một chuỗi từ thập kỷ 90.
|
Ông Nguyễn Tiến Ky |
Để liên kết thành công như vậy, đầu tiên chúng tôi phải đánh giá tiềm năng và chủ động hoàn toàn đầu vào. Chúng tôi phải có những sản phẩm sinh học cả về khoa học. Sau khi thử nghiệm, sản phẩm được đánh giá tốt, chúng tôi phải liên kết với bệnh viện lớn để đưa sản phẩm vào.
Tôi cũng chia sẻ thêm, Viện tôi tự giải phóng lực lượng sản xuất, và gắn liền doanh nghiệp và nhà thầu. Với mảng nông nghiệp, tôi phải thay đổi chiến thuật. Thứ nhất, chúng tôi có sản phẩm thuốc sâu thảo mộc là độc nhất. Khi có sản phẩm chúng tôi xây dựng mô hình vườn ươm công nghệ. Thứ hai, từ thay đổi chiến thuật sau đó kêu gọi các nhà doanh nghiệp tiếp cận sản phẩm để ứng dụng vào thực tế.
Ông Phùng Văn Huy – TGĐ Công ty Huy Hoàng: Chúng tôi mới tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp với việc sản xuất phân bón hữu cơ. Gần đây, chủ trương của Nhà nước nói nhiều tới nông nghiệp cao, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có được Bộ quy chuẩn nào về nông nghiệp hữu cơ mà mới chỉ là đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện.
|
Ông Phùng Văn Huy |
Tôi cho rằng muốn đạt giá trị cao trong sản xuất phải hướng tới thị trường xuất khẩu. Và muốn bán cho thị trường nước ngoài đặc biệt ở những thị trường khó tính thì bản thân chúng ta phải có sự chứng nhận bằng các Bộ quy chuẩn được trong nước hoặc quốc tế công nhận.
Với DN chúng tôi, dù chưa có quy chuẩn nhưng bản thân DN cũng đã tự định ra tiêu chuẩn hữu cơ cho sản phẩm trong nước với mục đích sản xuất để đáp ứng cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp cao. Bản thân chúng tôi gặp khó khăn là không có chính sách nào hỗ trợ một cách trực tiếp dù sản phẩm được đánh giá rất cao từ phía các đơn vị sử dụng. Các sản phẩm hiện nay trên 10.000 đến 20.000 đ/kg nhưng với sản phẩm của chúng tôi là 100% hữu cơ nhưng giá thành chỉ bằng 1/3. Do đó, tự chúng tôi phải tìm hướng đi cho chúng tôi và cam kết, thực hiện đóng góp cho sự phát triển của nền nông nghiệp cao Việt Nam.
Ông Ngô Tiến Dũng – Tổng Thư ký Hiệp hội các DN Ứng dụng Công nghệ cao trong Nông nghiệp: Có một thực tế hoa quả Việt Nam có tới 60-70% đến từ Trung Quốc, Thái Lan trong khi Việt Nam có tiềm năng lớn về lĩnh vực này. Tại sao vậy?
|
Ông Ngô Tiến Dũng |
Vấn đề thứ nhất, chúng ta có lao động nhưng trình độ thấp; Thứ hai, chúng ta có đất nhưng chất lượng thấp, mảnh đất được chia ra với diện tích nhỏ thì làm sao mà phát triển nông nghiệp công nghệ cao được, làm sao đầu tư công nghệ vào đó được trong khi ở nước ngoài mỗi mảnh đất rộng hàng hecta. Vấn đề thứ ba, không áp dụng công nghệ sâu vào nông nghiệp. Có nhiều câu hỏi đặt ra đối với nông nghiệp là trồng cây gì nuôi con gì, đây là câu hỏi khó. Việt Nam mới quan tâm tới số lượng, chưa quan tâm tới chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Có nhiều người hỏi tại sao có nhiều chứng nhận nhưng doanh nghiệp không tham gia để được chứng nhận về doanh nghiệp công nghệ cao. Tất nhiên, để được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao rất khó nên ít doanh nghiệp hào hứng với danh hiệu này. Có doanh nghiệp chia sẻ, đã đầu tư 8 tỉ đồng để trồng hoa nhà kính nhưng khi lấy vườn hoa đó để thế chấp ngân hàng chỉ vay được 70 triệu…Vậy nếu không có đất, không có vốn làm sao doanh nghiệp có thể đầu tư vào nông nghiệp? Nếu không có đất, có vốn thì DN không bao giờ làm được.
Công nghệ là vấn đề then chốt trong phát triển nông nghiệp, tuy nhiên hiện chúng ta đang thiếu đất, thiếu vốn, thiếu chính sách. Nếu giải quyết được vấn đề này cần xây dựng chính sách đồng bộ và cởi trói để doanh nghiệp đầu tư sản xuất.
Phần II: Những hạn chế và giải pháp giúp Doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ngày càng phát triển.
Ông Trần Mạnh Báo: Như trước đây tôi đã từng nói về 11 giải pháp, trong đó đất đai, thuế, vốn và xây dựng cơ sở hạ tầng hay liên kết…suy cho cùng đều nằm trong một giải pháp là cải cách thủ tục hành chính. Chúng ta đã nêu ra rất nhiều Quyết định, tuy nhiên, các Quyết định đó thiếu thực tế nên không thể đi vào cuộc sống. Tôi rất mừng là cách đây 4 tháng, Thủ Tướng về thăm công ty chúng tôi và nói “Ở đâu mà cũng như ở đây thì Việt Nam cần gì phải lo về giống”. Nên suy cho cùng giải pháp đầu tiên phải là cải cách thủ tục hành chính mạnh hơn nữa. Tôi đề nghị toàn bộ bộ máy thủ tục hành chính quốc gia hãy thực hiện đúng Nghị quyết 19 mà Chính phủ đã đề ra, còn các DN hãy chủ động hội nhập. Về vấn đề đất, hiện nay, DN chúng tôi sản xuất 1.600 ha trải dài khắp cả nước. Đó là vấn đề lâu dài.
Nhưng không cứ phải có đất quy hoạch thật rộng lớn là làm nông nghiệp thành công. Những nước như Hàn Quốc và Isarel không phải ở đâu cũng có đất bạt ngàn nhưng họ vẫn phát triển được, như vậy đó là vấn đề của tổ chức sản xuất và cách sản xuất, thể chế chính trị. DN đầu tư vào nông nghiệp rất rủi ro, do đó, DN cần có tầm, xác định khả năng của mình để đảm bảo cho người nông dân sản xuất. Chúng ta hiện có những chính sách không hợp lý và nhận thức của hệ thống hành chính cũng không nhất quán. Ví dụ như việc thanh kiểm tra của các cơ quan ban ngành vẫn chồng chéo gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, là vấn đề thuế, nhập thiết bị chế biến lúa gạo miễn thuế, nhưng nhập thiết bị chế biến công nghệ cao mất thuế. Rõ ràng đây là những vấn đề không ổn. Thiếu kết dính giữa nhà nước- nông nghiệp, nông nghiệp….. Đây là những vấn đề còn tồn tại. Như vậy, giải pháp đầu tiên phải kể đến là thay đổi quản lý thủ tục hành chính, liên kết các bộ máy. Giải pháp nữa là khoa học công nghệ, chế biến bảo quản của chúng ta chưa tốt dẫn tới xuất khẩu mới chủ yếu là sản xuất thô nên hiệu quả và giá trị chưa cao. Đó là những nút thắt với doanh nghiệp nông nghiệp.
– Nhân việc ông Trần Mạnh Báo bộc bạch về nút thắt trong nông nghiệp, vậy với tư cách là đại diện cho tổng hội nông nghiệp, ông Nguyễn Trí Ngọc có thể cho biết thêm ý kiến về vấn đề này?
Ông Nguyễn Trí Ngọc: Tôi đồng tình với suy nghĩ của ông Trần Mạnh Báo vì đây là từ tiếng nói của người làm trực tiếp về nông nghiệp. Chúng ta vướng mắc rất nhiều trong thời gian qua là vấn đề thủ tục hành chính. Mặc dù đã có nhiều cải cách hành chính nhưng vấn đề này không phải đã được suôn sẻ hết cả cho DN. Muốn giải quyết được điều này thì nút thắt của thủ tục hành chính phải quyết liệt hơn nữa thì cộng đồng DN nói chung và DN nông nghiệp nông thôn mới thực hiện tốt đầu tư cho nông nghiệp.
Liên quan tới luật Đất đai thì bình quân ruộng đất (đất nông nghiệp) rất thấp. Ngoài chuyện đất nông nghiệp, đất lúa thì quỹ đất cho DN rất kém. Trong các diễn đàn gần đây đã có nhiều ý kiến gợi mở hình thành nên ngân hàng đất đai tức là sử dụng những đất nông nghiệp mà người dân không sử dụng và cho DN thuê, trong khi đó người nông dân cũng yên tâm khi cho thuê. Nếu như câu chuyện này chưa giải quyết được sẽ rất khó thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Tôi cũng cho rằng, tư duy về chính sách cần phải thay đổi chứ như hiện nay là rất khó trong đó có chính sách về thuế, vốn, đất đai. Đã đến lúc chúng ta phải nói thẳng thắn về vấn đề này và cũng không cầu toàn phải làm hoàn thiện luôn mà phải làm từ từ nhưng cần thiết phải làm ngay.
Ông Trần Công Thắng: Chúng tôi đã có nhiều cuộc hội thảo tìm hiểu tại sao các DN tham gia vào nông nghiệp ít. Lý do cho thấy, bên cạnh các hạn chế về rủi ro, khó khăn về tiếp cận đất đai, thị trường, công nghệ, tín dụng, hành chính như các quý vị đề cập, theo tôi còn có khó khăn về tiếp cận chính sách hay hiệu quả của thực hiện các chính sách còn thấp.
Hiện nay, chúng ta có rất nhiều chính sách, chủ trương thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NNNT và giúp các DN nông nghiệp ngày càng phát triển như Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Bên cạnh đó chúng ta cũng khá nhiều chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào NNNT như Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về khuyến khích DN đầu tư vào NN, Nghị định 55/2015/NĐ-CP về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, Quyết định 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
Tuy nhiên, chính sách của chúng ta nhiều khi có nhưng không đi được vào thực tế, cuộc sống. Khi khảo sát các DN, chúng tôi được biết hầu hết các DN đều không được hưởng những ưu đãi từ Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, Quyết định 68/2013/QĐ-TTg hay một số chính sách ưu đãi khác. Chỉ một số ít tỉnh như Thái Bình, có một số ít DN được hưởng nhưng không phải là theo Nghị định 210, Quyết định 68 của Trung ương mà theo chính sách của tỉnh.
Bên cạnh đó, có một số chính sách hiện tại đã không tạo điều kiện cho sự phát triển của DN. Chính vì vậy, chúng ta phải thường xuyên tiếp cận DN để tìm ra những hạn chế này và tạo ra các cơ chế hợp lý hơn khuyến khích DN đầu tư vào trong NN. Thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và các lãnh đạo cũng thường xuyên tổ chức các diễn đàn đối thoại trực tiếp tháo gỡ vướng mắc của DN. Đây là dấu hiệu rất tích cực và hành động rất hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả của các chính sách giúp DN yên tâm đầu tư vào NN. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều cản trở khiến DN e dè khi đầu tư vào lĩnh vực này như: vốn, đất đai, thị trường…
Ngoài ra tôi cũng muốn nhất mạnh đến câu chuyện tích tụ đất đai, tổ chức sản xuất. Việc quy sản xuất hộ nông dân manh mún lại chưa tổ chức thành các tổ hợp tác, HTX cũng là những hạn chế để DN có thể mở rộng kết nối xây dựng chuỗi giá trị, hợp tác đầu tư với hộ nông dân.
Tích tụ tăng quy mô sẽ giúp áp dụng KHCN, cơ khí hóa giảm chi phí; xây dựng cánh đồng chất lượng đồng đều tạo điều kiện kết nối DN. Hiện có nhiều mô hình tích tụ hiệu quả như nông dân góp vốn với doanh nghiệp bằng giá trị đất, DN liên kết với nông dân cung cấp vật tư đầu vào liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm, hộ nông dân đứng lên thuê mướn, tích tụ đất sau đó liên kết với DN. Còn Hợp tác xã hiện nay chưa thực sự hoạt động hiệu quả.
Thực tế, hiện nay, HTX hoạt động hiệu quả là giám đốc Hợp tác xã rất năng động, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ công, đầu tư, các vị giám đốc này còn nuôi được bộ máy và thực hiện kết nối rất tốt với DN.
Một vấn đề nữa mà cũng có thể đẩy mạnh DN đầu tư vào trong NN NT đấy chính là xây dựng chính sách bảo hiểm cho các DN và các hộ quy mô lớn. Vừa qua Việt Nam thực hiện chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong 4 năm (2011-2014). Trong đó, phần nhiều các hộ tham gia bảo hiểm là các hộ nghèo và cận nghèo.
Đây có thể nói là chính sách quan trọng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với các hộ sản xuất nông nghiệp nhưng cách thực hiện bảo hiểm trên thực tế nên chuyển đổi, không nên tập trung vào các hộ nghèo, mà trước mắt nên ưu tiên bảo hiểm cho DN có liên kết, đầu tư vào sản xuất NN trên quy mô lớn. Còn các hộ quy mô nhỏ chúng ta vẫn duy trì chính sách hỗ trợ khác, nhất là trong điều kiện họ gặp rủi ro về thiên tai, dịch bệnh.
Ông Ngô Tiến Dũng: Ngày 3/12 có tổ chức hội nghị về nông nghiệp, Thủ tướng quyết định thành lập khu công nghệ cao và phê duyệt cho 2 dự án ở 2 tỉnh. Tuy nhiên nhiều tỉnh có mặt trong hội nghị đều muốn Thủ tướng phê duyệt vì tỉnh không muốn bỏ ngân sách ra, trong khi đó Nhà nước không đủ tiền để hỗ trợ cho 63 tỉnh thành.
Có một thực tế đó là khi thành lập khu công nghệ cao và mời DN vào đầu tư thì họ không muốn vào vì giá cao. Do đó có đề xuất đưa ra là không thành lập khu công nghệ cao nữa mà nên thành lập khu nông nghiệp cao để mời DN thì khi đó DN sẽ tự nguyện tham gia và xây dựng hình thức liên kết kinh doanh và sản xuất theo quy trình của họ.
Ông Nguyễn Lân Hùng: Về phía người nông dân, chúng tôi rất mong muốn DN “cứu” bà con nông dân để tháo nhanh khó khăn trước mắt để sản phẩm của người nông dân sản xuất có lãi.
Ông Ngô Tiến Dũng: Trong quá trình liên kết với nông dân có một số vấn đề xảy ra: Nếu được mùa người nông dân cứ theo hợp đồng thực hiện, nhưng mất mùa họ lại huỷ bỏ hợp đồng ngay. Do đó, tôi cho rằng phải có hình thức như thế nào để người nông dân nhận thức được cái được và mất khi tham gia vào chuỗi liên kết 4 nhà, trong đó tôi đặc biệt nhấn mạnh tới công tác truyền thông của báo giới đóng vai trò rất quan trọng.
– Chúng ta đã nói nhiều tới những nút thắt cho phát triển nông nghiệp, và ở góc độ địa phương, Ông Lê Bá Thanh có thể chia sẻ thêm?
Ông Lê Bá Thành: Hiện nay, huyện Lục Ngạn đang chuyển sang trồng cây ăn quả khá thuận lợi. Nhưng trong việc chuyển đổi thì chính sách chưa có nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Về phía Huyện, để phát triển nông nghiệp chúng tôi vẫn phải khắc phục khó khăn bằng việc mời gọi DN, chú ý lắng nghe ý kiến để cùng DN phát triển. Đối với người dân chúng tôi luôn tìm tòi để làm chủ khoa học kỹ thuật để DN có thể đầu tư vào và phát triển giúp người nông dân sản xuất và ổn định giá cả trên thị trường. Về phía huyện chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo chính sách tốt nhất cho DN.
Qua gần 2h đồng hồ thảo luận, trao đổi, mặc dù không thể giải quyết được hết các vấn đề về phát triển kinh tế nông nghiệp cao song các chuyên gia, các nhà khoa học, các DN có mặt tại buổi tọa đàm đã đưa ra được cái nhìn đa chiều về vấn đề này, đặc biệt là đã đưa ra được một số giải pháp cho DN Việt Nam trong việc đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
|
Ban tổ chức tặng hoa các diễn giả |
Phát biểu bế mạc tọa đàm, ông Lại Hợp Nhân nhận định: Thực tế trong những năm qua, việc thực hiện liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) đã giúp người nông dân được tiếp cận với những giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, nông dân với doanh nghiệp vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Do đó, sự cần thiết phải có sự kiến tạo mối quan hệ liên kết này để tạo nên sự phát triển bền vững trong nông nghiệp.
Chúng ta ghi nhận một số DN khi ưu tiên đặt hàm lượng công nghệ cao vào trong nông nghiệp thì có được thành công cũng như DN có được sự tư vấn tốt sẽ có sự phát triển bền vững. Qua diễn đàn hôm nay, tất cả những DN đã và sẽ định làm nông nghiệp sẽ có thêm được kinh nghiệm cần thiết cho mình. Bài toán đặt ra là bản thân các DN và cơ quan quản lý phải định hướng và bắt tay với người nông dân để khai thác sản phẩm và phát triển bền vững.
Đối với kiến nghị của chuyên gia Nguyễn Lân Dũng, hiện Báo Diễn đàn Doanh nghiệp có chuyên trang Doanh nhân mới và hy vọng sẽ xây dựng được chuyên mục để các chuyên gia, các nhà khoa học có tâm huyết với nông nghiệp nông thôn chia sẻ các vấn đề đối với bạn đọc để làm sao nâng cao chất lượng liên kết 4 nhà và đưa chính sách tam nông đi vào cuộc sống.