Nông dân bị bỏ rơi
Cuối tháng 10-2006, Công ty Phân đạm và hóa chất dầu khí giảm giá bán urê Phú Mỹ 130 đồng/kg, còn 3.960 đồng/kg. Trước đó, Nhà máy phân đạm Hà Bắc cũng giảm giá bán urê từ 3.900 đồng/kg xuống còn 3.760 đồng/kg. Việc điều chỉnh này đã bị nhiều nhà kinh doanh phân bón cho là bán phá giá để gây khó khăn cho các nhà nhập khẩu phân bón.
Trước đó, vào giữa tháng 10-2006, khi bàn về vấn đề ổn định giá và đảm bảo nguồn phân urê cho vụ đông xuân tới, Hiệp hội Phân bón VN cũng khuyến cáo các nhà sản xuất urê trong nước phải cân đối giá bán sản phẩm trong nước với nhập khẩu để tránh nguy cơ gây thua lỗ cho các nhà kinh doanh phân bón. Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón VN Nguyễn Hạc Thúy còn kiến nghị các cơ quan thẩm quyền can thiệp để giải quyết bức xúc về giá urê sản xuất trong nước và urê nhập khẩu.
Không chỉ “phản ứng” với các nhà sản xuất phân bón trong nước, một số doanh nghiệp còn “đổ thừa” phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc (TQ) cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phân bón chính ngạch bị thua lỗ. Không ít lần các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón chính ngạch còn gây sức ép là sẽ không nhập phân bón nếu giá phân bón trong nước không được... cải thiện!? Thực tế thời gian qua, phân bón TQ giá rẻ được nhập vào VN đã kéo giá phân bón trong nước giảm dần.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Thanh Bình - tổng giám đốc Công ty Phân đạm và hóa chất dầu khí - khẳng định việc điều chỉnh giảm giá bán urê Phú Mỹ là cần thiết vì phân urê TQ có giá rẻ, giá tại các cửa khẩu chỉ khoảng 3.700 đ/kg, vẫn được nhập vào VN. “Đợt hàng sản xuất mới đây công ty không tiêu thụ được do không cạnh tranh nổi với urê TQ” - ông Bình nói
Trong khi các nhà kinh doanh phân bón nhập khẩu kêu thì nhiều chuyên gia cho rằng việc khai thác nguồn urê TQ có giá rẻ không chỉ có lợi cho nông dân, mà còn là cơ hội để các nhà kinh doanh phân bón thay đổi nguồn cung cấp hàng, thay vì nhập khẩu từ Trung Đông hay Nga với giá cao. Một chuyên gia tính toán với mức giá rẻ hơn các thị trường khác khoảng 20 USD/tấn, nếu nhập khẩu 200.000 tấn urê TQ cho vụ đông xuân tới, VN có thể tiết kiệm khoảng 4 triệu USD. Cũng theo các chuyên gia, nhập urê từ TQ cũng giảm bớt nguy cơ thua lỗ cho các nhà nhập khẩu. Trong khi đó, urê TQ đã được ngành nông nghiệp kiểm tra, kết quả cho thấy chất lượng đạt yêu cầu. Theo ông Trịnh Thanh Bình, từ đầu năm đến nay lượng urê TQ nhập khẩu vào VN lên đến 300.000 tấn trong tổng số khoảng 800.000 tấn urê nhập khẩu.
Tại ai?
Hoạt động kinh doanh phân bón chỉ đi vào ổn định khi các doanh nghiệp kinh doanh phân bón phải điều chỉnh theo hướng chấp nhận sân chơi có nhiều người chơi, có nhiều môn chơi với nhiều “giá vé” khác nhau. Thị trường không chỉ có urê nhập từ Nga, Trung Đông, nay đã có thêm phân bón sản xuất trong nước, phân bón Trung Quốc, tới đây có thể thêm từ nhiều nguồn khác. Thị trường đang mở dần, người tiêu dùng - nông dân - đang dần lấy lại quyền của mình là được lựa chọn sản phẩm tốt với giá phù hợp. Lần đầu tiên sau nhiều năm đã không xảy ra tình trạng sốt giá urê trước thời điểm xuống giống vụ đông xuân. |
Vì sao nguy cơ thua lỗ luôn treo trên đầu các nhà kinh doanh phân bón? Theo bà Nguyễn Thị Ngọ - tổng giám đốc Công ty Hoàng Lê, chủ yếu là do thiếu sự phối hợp giữa các nhà kinh doanh phân bón với nhau, giữa nhà sản xuất trong nước và nhà kinh doanh phân bón nhập khẩu... Thay vì kết nối thông tin để nắm chính xác nguồn cung phân bón, phần lớn nhà kinh doanh đã bí mật thông tin, doanh nghiệp khác cứ đinh ninh là thiếu hàng vội ký hợp đồng nhập về. Không ít trường hợp doanh nghiệp đã nhập về với giá thấp chưa tiêu thụ hết nhưng doanh nghiệp khác vẫn tiếp tục nhập về với giá cao hơn, thua lỗ đã xuất hiện ngay khi đặt bút ký hợp đồng... Khi thị trường ứ đọng hàng, cung vượt cầu, các đơn vị đổ xô bán tháo để giảm lỗ và lấy tiền trả nợ vay ngân hàng, Vì thế thị trường phân bón luôn trong cảnh “nóng, lạnh” thất thường.
Theo giám đốc một doanh nghiệp, số thống kê lượng urê giữa Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn và của Hiệp hội Phân bón VN cũng không thống nhất, sai số khá lớn. Như thống kê phân urê gần đây, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn thì báo cáo còn 200.000 tấn trong khi Hiệp hội Phân bón VN báo cáo chỉ có 90.000 tấn.
“Nếu có thông tin rõ ràng về lượng hàng tồn kho, về giá nhập, giá bán..., các đơn vị có thể mua hàng của nhau để bán khi có thị trường, thay vì nhập hàng nước ngoài về thiệt hại cho đơn vị, vừa gây bất ổn cho thị trường...” - bà Ngọ nói.