Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của nông nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế
04 | 07 | 2007
Trong những năm đổi mới, nông nghiệp nông thôn Việt Nam đã đạt những tiến bộ rất to lớn, không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao đời sống nhân dân mà còn xuất khẩu hàng năm hơn 9 tỷ USD. Bên cạnh những thành tựu và tiến bộ, nông nghiệp và nông thôn Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới rất to lớn

Thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam xuất phát từ quá trình phát triển nội tại của nông nghiệp và từ sức ép cạnh tranh tăng lên trong quá trình hội nhập. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam, cần thiết phải:

1. Tiến hành một phân tích SWOT (Mạnh – Yếu – Cơ hội – Thách thức) đối với nông nghiệp nước ta nói chung và các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu nói riêng.

Trước hết, tình trạng manh mún về ruộng đất làm cản trở nghiêm trọng đến khả năng sản xuất trên quy mô lớn, chuyên canh, vận dụng giống cây mới, con mới có năng suất cao hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật thấp kém, thói quen kinh doanh cũ như không giữ chữ tín, không đảm bảo chất lượng ổn định của sản phẩm và dịch vụ theo hợp đồng đã cam kết, thời hạn giao hàng không đúng; thói quen canh tác dựa vào kinh nghiệm, sử dụng quá nhiều kinh nghiệm đang là những hạn chế, trở ngại đối với chất lượng nông sản và năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.

Các thể chế kinh tế thị trường như số doanh nghiệp, mạng lưới ngân hàng thương mại, hệ thống các dịch vụ chuyên môn trợ giúp nông nghiệp như tư vấn, tiếp thị, nghiên cứu thị trường còn ít phát triển so với thành thị cũng hạn chế năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

2. Trong thời gian vừa qua, một số nông sản của Việt Nam đã phải đối mặt với cạnh tranh của các sản phẩm nước ngoài và kết quả cho thấy sự hạn chế về năng lực cạnh tranh của không ít sản phẩm.

Mặc dầu có tiềm năng, song mía đường không cạnh tranh được với đường Thái Lan và nhiều nhà máy đường đã phá sản hoặc giải thể trước khi gia nhập WTO. Một số sản phẩm khác như sữa bò tươi, bông, đậu tương, ngô có năng suất thấp nhưng giá thành cao sẽ khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nước ngoài. Trong khi những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam như gạo, rau quả, thịt lợn, thịt bò...chỉ đứng được trên thị trường truyền thống “bình dân” thì gạo Thái, thịt bò Úc... đã chiếm lĩnh được thị trường cao cấp trong nước. Để chiếm lĩnh được thị trường truyền thống, các sản phẩm nông sản Việt Nam phải không ngừng được cải thiện về chất lượng, bao bì, giá cả... Bên cạnh đó, chính phủ cần có những chương trình trợ giúp hợp lý với các cam kết quốc tế cho nông dân để đổi mới cây trồng vật nuôi phù hợp với năng lực cạnh tranh từng vùng, miền.

3. Để chiếm lĩnh được xuất khẩu, nông sản Việt Nam phải nhanh chóng đạt những tiến bộ về các mặt sau:

- Xây dựng quy trình Good Agricultural Practice (GAP) từ con giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thu hoạch, bảo quản....nhằm bảo đảm được chất lượng đã cam kết và đang được đòi hỏi trên thị trường thế giới.

- Đổi mới giống, tích tụ ruộng đất, thực hiện chuyên canh trên quy mô tương đối lớn để bảo đảm chất lượng nông sản được nâng cao và duy trì ổn định, trong đúng thời hạn yêu cầu.

- Cần có những dự án được kết hợp thành những chương trình mục tiêu, thực hiện một cách kiên trì và nhất quán. Động lực thị trường có thể sẽ giúp người nông dân tiếp cận nhanh hơn với các phương pháp và tác phong canh tác mới, từ bỏ cách làm ăn, tư duy cũ.

4. Các rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm đang là những rào cản rất khắc nghiệt và rất không bình đẳng đối với nông dân các nước đang phát triển.

Bên cạnh hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền, hoạt động của hội, việc giám sát đầu ra của các sản phẩm xuất khẩu phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt.

Nông nghiệp nước ta đang đứng trước những cơ hội và thách thức đều to lớn. Khâu đầu tiên là đổi mới tư duy: chấp nhận cạnh tranh, vươn lên thông qua đổi mới công nghệ, hiệu quả, tuân thủ luật pháp và các tiêu chuẩn định mức. Phải biết chia sẻ lợi ích, biết hợp tác, vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Thay đổi sâu sắc nếp suy nghĩ của nông dân thông qua tiếp cận với cách làm ăn mới, liên kết với những doanh nghiệp hiện đại.

Chúng ta hy vọng rằng WTO sẽ đem lại nhiều cơ hội cho nông dân Việt Nam, phát huy tinh thần hiếu học, sự sáng tạo, năng động và sẽ đóng góp vào sự đổi mới mạnh mẽ của nông nghiệp nông thôn nước ta trong thời gian tới.



Nguồn tin: Ipsard.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường