VTV.vn - Giá cà phê trên toàn cầu được dự đoán sẽ duy trì ở mức cao đến năm sau. Nguyên nhân là do nguồn cung từ các quốc gia như Brazil, Colombia và Việt Nam đang bị hạn chế.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, ảnh hưởng lớn tới chuỗi cung ứng xuất khẩu cà phê. Hiện nay, các khó khăn trong thu mua, lưu thông và tiêu thụ cà phê đang dần được tháo gỡ, các doanh nghiệp đang tập trung phục hồi sản xuất, để tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cà phê
Tại hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu, sản lượng cà phê từ đầu năm đến nay chỉ tiêu thụ được 10%. Hơn 40 tấn cà phê chất lượng cao và 5 tấn cà phê đặc sản vẫn đang tồn kho. Tổng giá trị hơn 2,5 tỷ đồng. Đây đang là áp lực đối với các hộ thành viên và hợp tác xã bởi vụ thu hoạch mới sắp đến nhưng kho bãi chưa thể giải phóng.
Dịch bệnh đã khiến cho mọi hoạt động của các hợp tác xã bị ngưng trệ. 9 tháng qua, sản lượng cafe của Đắk Lắk bị tồn đọng rất lớn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thì tình trạng này sẽ được giải quyết trong những tháng cuối năm. Quý 4 này xuất khẩu cà phê được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực. Các vướng mắc trong chuỗi cung ứng đang cần được khẩn trương tháo gỡ, mà trước mắt là trong lưu thông vận chuyển.
Những tháng cuối năm, nhu cầu cà phê thế giới sẽ còn tăng cao. Để tận dụng cơ hội, Bộ Công Thương cho rằng, ngành cà phê cần tập trung vào một số giải pháp, trong đó, các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với Bộ và các ngành chức năng để nắm bắt thông tin thị trường, thay đổi phương thức giao dịch, đa dạng hóa hình thức vận chuyển để phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.