Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người Mông trên đèo Pha Đin phát triển kinh tế từ cây cà phê
21 | 10 | 2021

(baotintuc.vn)_Xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên có gần 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống rải rác từ lưng chừng đèo lên đến đỉnh đèo Pha Đin.

Những năm qua, người dân Tỏa Tình đã tích cực khai hoang và chuyển đổi diện tích trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cà phê. Nhờ chăm sóc tốt, cà phê cho năng suất cao và tìm được đầu ra ổn định đã người dân vùng cao Tỏa Tình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. 

Chú thích ảnh

Chùm cà phê trĩu quả của một vụ mùa bội thu.

Dọc theo quốc lộ 6 từ xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) lên đến đỉnh đèo Pha Đin, những sườn đồi bạt ngàn màu xanh của cây cà phê, ngô, sắn đã thay thế cho diện tích đất trống, đồi trọc trước đây. Nhờ định hướng phát triển kinh tế từ cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều người dân đã mạnh dạn khai hoang, cải tạo đất, chuyển đổi từ diện tích trồng những loại cây kém hiệu quả kinh tế như ngô, sắn, lúa nương sang trồng cây cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời điểm này là lúc người dân ở Tỏa Tình bước vào vụ thu hoạch cà phê. Những đồi cà phê trĩu quả, chín đỏ với khung cảnh người dân nhộn nhịp thu hái. Dù đã hơn 11 giờ trưa, trời nắng gắt nhưng ông Mùa A Sùng ở bản Hua Sa A cùng vợ và các con vẫn đang hăng say thu hái cà phê. Vụ năm nay hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình ông bởi vườn cà phê trĩu quả và giá bán cao.

Ông Sùng cho biết, trước đây, gia đình khai hoang diện tích trên các sườn đồi để trồng ngô và lúa nương. Tuy nhiên năng suất, hiệu quả thấp. Khoảng 10 năm trở lại đây, gia đình đã chuyển đổi hầu hết diện tích trồng ngô và lúa nương sang trồng cây cà phê. Đến nay, gia đình có hơn 2 ha cà phê. Năm nay, cà phê sai quả lại được giá hơn mọi năm với bình quân 10.000 đồng/kg quả tươi nên gia đình dự kiến thu về khoảng 120 triệu đồng. Nhà ông Sùng có nhiều nhân công nên không phải thuê người thu hái nên cũng tiết kiệm thêm một khoản tiền mà lại giải quyết được việc làm cho các thành viên trong gia đình.

Đặc biệt, những năm gần đây, việc tìm kiếm đầu ra cho cà phê ở Tỏa Tình cũng không đáng lo ngại khi các doanh nghiệp đã thu mua đều đặn. Vào vụ thu hoạch cà phê, người dân chỉ cần thu hái, tập kết ở bên đường là có thương lái đến tận vườn thu mua.

Chú thích ảnh

Những vườn cà phê trĩu quả, chín mọng đang vào vụ thu hái.

Kể từ khi cây cà phê được đưa về trồng trên nương rẫy đã đem đến cho đồng bào Mông ở Tỏa Tình những vụ mùa bội thu. Nhờ cây cà phê, nhiều gia đình ở xã Tỏa Tình đã có của ăn, của để, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất khó khăn này.

Ông Lầu A Dùa - Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình cho biết: Xã Tỏa Tình nằm ở vị trí địa lý với điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp với việc phát triển cây cà phê. Từ năm 2012 trở về đây, bà con đã tích cực chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn, lúa nương sang trồng cà phê. Hiện nay, diện tích cà phê toàn xã hơn 400 ha với hơn 300 hộ dân thuộc 6 bản (Hua Sa A, Hua Sa B,  Háng Tàu, Sông Ia, Tỏa Tình, Chế Á) tham gia trồng.

 

Năng suất hiện tại khoảng 7 tấn quả tươi/ha với giá bán 10.000 đồng/kg quả tươi. Hiện có nhiều doanh nghiệp từ Sơn La và Điện Biên tiến hành thu mua quả cà phê nên người dân không khó khăn trong việc tìm đầu ra. Việc phát triển cây cà phê những năm qua đa mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Chú thích ảnh

Cây cà phê phủ kín nhiều sườn đồi ở xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết, xã Tỏa Tình hiện vẫn là vùng trồng cây cà phê lớn nhất trên địa bàn. Chính quyền huyện cùng với xã Tỏa Tình đã đồng hành cùng người dân trong phát triển cây cà phê; hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất phù hợp nhằm mang lại năng suất cao.

Tuần Giáo định hướng sẽ đưa Tỏa Tình trở thành vùng trồng cây cà phê chủ lực của huyện. Bởi vậy, việc phát triển cây cà phê theo hướng bền vững là vấn đề được chính quyền đặc biệt quan tâm. Hiện nay, dù nguồn đầu ra cho quả cà phê sau thu hái của người dân vẫn được đảm bảo nhưng chỉ do tư thương tiến hành thu mua chứ chưa có chuỗi liên kết khép kín để đảm bảo về lâu dài.

Để phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn, địa phương đang xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; trong đó, tiến hành hành lập hợp tác xã sản xuất cà phê, liên kết với Công ty cổ phần Cà phê Hồng Kỳ Quốc tế là đơn vị đã có sản phẩm cà phê được công nhận sản phẩm OCOP để xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giúp người trồng có đầu ra ổn định, bền vững.

 
Tin, ảnh: Xuân Tư (TTXVN)


Báo cáo phân tích thị trường