Theo Báo Thanh Hóa
Bà Đỗ Thị Hoa, phó giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Xuân Minh, cho biết: Mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa đã được HTX thực hiện gần 5 năm nay với 2 doanh nghiệp là Thaibinh Seed và Vinaseed. Vụ đông xuân này, HTX tiếp tục liên kết với 2 đơn vị nói trên để sản xuất 2 loại lúa là TBR225 và VRL20, với tổng diện tích toàn xã 235 ha. Nhiều năm thực hiện liên kết sản xuất, gần như năm nào doanh nghiệp cũng thanh toán tiền ngay, nên luôn tạo được niềm tin và sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Điều đáng nói là, hầu hết diện tích lúa được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp đều đạt năng suất vượt trội, giá thu mua thường cao hơn thị trường từ 5 đến 10%.
Theo thông tin của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm được thực hiện trên địa bàn tỉnh từ hàng chục năm trước, song phải đến năm 2015, khi tỉnh Thanh Hóa bắt đầu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thì mô hình này mới phát triển trong sản xuất lúa tại các địa phương.
Sở dĩ diện tích lúa được sản xuất theo hướng liên kết trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng là bởi mô hình không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân từ 15 đến 20% so với diện tích sản xuất lúa đại trà, mà còn giúp bà con nông dân được tiếp cận với khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, tiếp cận được nhiều giống lúa mới kháng bệnh tốt, hiệu quả kinh tế ngày càng cao hơn. Tư duy sản xuất của nông dân tại các mô hình nhờ đó cũng có sự thay đổi, phù hợp với sản xuất nông sản hàng hóa, tập trung quy mô lớn. Bởi vậy, những năm qua, ngành nông nghiệp đã định hướng cho các địa phương khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, bà con nông dân mở rộng mô hình liên kết sản xuất lúa theo chuỗi. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất lúa thông qua các chính sách hỗ trợ.
Với việc tập trung mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng liên kết, mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 ha lúa được sản xuất theo hướng liên kết. Riêng vụ đông xuân 2021-2022 này, toàn tỉnh dự kiến có khoảng 5.000 ha lúa được sản xuất theo hướng liên kết. Trên địa bàn tỉnh đã thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Điển hình như: Công ty CP Thương mại Sao Khuê, diện tích liên kết sản xuất và bao tiêu lúa thương phẩm với bà con nông dân đến nay đạt 1.000 ha. Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang, tỉnh Ninh Bình mỗi năm thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu khoảng 2.500 ha lúa thương phẩm với bà con nông dân các huyện: Đông Sơn, Triệu Sơn, Yên Định, Thọ Xuân... Công ty CP Nông nghiệp Thành Đô, có trụ sở tại Hà Nội thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu lúa thương phẩm tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích mỗi năm khoảng 1.000 ha... Đáng chú ý, một số doanh nghiệp còn mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến lúa, gạo, như: Công ty CP Thương mại Sao Khuê; Công ty TNHH Nông sản An Thành Phong...