Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ứng phó với giá vật tư nông nghiệp tăng
21 | 03 | 2022
Bên cạnh các giải pháp hạ nhiệt giá phân bón thì vấn đề sử dụng phân bón tiết kiệm, áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại đang đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết

Theo Người lao động

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2022, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt 594.518 tấn, trị giá hơn 285,77 triệu USD, giảm 3,2% về lượng nhưng tăng mạnh 79,2% về trị giá. Giá nhập khẩu phân bón trung bình 2 tháng qua đạt 480,7 USD/tấn, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái và đà tăng được dự báo chưa dừng lại do xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa biết bao giờ kết thúc.

Lạm dụng phân bón vô cơ

Đầu năm 2022, trước tình hình giá phân bón thế giới và trong nước tăng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã có Chỉ thị số 653 về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả. Bộ NN-PTNT nêu rõ thực trạng lạm dụng phân bón vô cơ, lãng phí vẫn còn xảy ra ở hầu hết các địa phương làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của hàng nông sản, ô nhiễm môi trường và gây mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp. Cơ quan này yêu cầu các địa phương, cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp khắc phục, trong đó có việc phát triển và nhân rộng các mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả.

Nhờ vậy, tại cuộc họp sơ kết vụ đông xuân và triển khai vụ hè thu, thu đông mới đây, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã có nhận xét vụ lúa đông xuân 2021-2022, giá thành sản xuất lúa của các tỉnh ĐBSCL tăng khoảng 15%-20% do giá vật tư đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, do được dự báo trước từ đầu vụ nên nhiều bà con đã chủ động ứng phó. Đây cũng là mùa vụ ghi nhận bà con nông dân có sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lâu đời góp phần giúp giảm và ổn định giá thành sản xuất trong điều kiện giá phân bón tăng cao và giá bán lúa luôn biến động như hiện nay. Bên cạnh đó, các tỉnh thực hiện được nhiều mô hình sản xuất lúa hiệu quả dù đầu tư ít giống và phân bón nhưng năng suất cao, đạt hiệu quả kinh tế nên nông dân tin tưởng chuyển đổi canh tác. Tính trung bình giá thu mua 5.500 đồng/kg lúa tươi thì lợi nhuận bà con đạt 18 triệu/ha.

Ứng phó với giá vật tư nông nghiệp tăng - Ảnh 1.

Thu hoạch lúa tại An Giang vụ đông xuân vừa qua

Đối với cây cà phê, các nông hộ tại Tây Nguyên trong chương trình Nescafé Plan của Tập đoàn Nestlé (Thụy Sĩ) cũng giảm 20% lượng phân bón hóa học (cùng với giảm phân và nước tưới) nhưng năng suất vẫn bảo đảm và thu nhập tăng 14% so với cách canh tác cũ.

Theo giải thích của ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng bộ phận hỗ trợ nông nghiệp kiêm Trưởng đại diện Công ty Nestlé Việt Nam tại Tây Nguyên, dự án đã giúp nông dân ghi chép nhật ký canh tác bằng số hóa dễ dàng, từ đó bà con có thể tính toán được chính xác giá thành mỗi vụ để biết được lợi nhuận. So sánh, có vườn năng suất 7-8 tấn/ha vì bón 6 tấn phân/ha nhưng lợi nhuận không bằng vườn 4,5 tấn/ha do chỉ bón 1,7 tấn phân/ha theo khuyến cáo.

Việc giảm phân bón không chỉ làm giảm giá thành cà phê, tăng lợi nhuận cho nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng chất lượng cà phê cho người tiêu dùng. Do vậy, chương trình Nescafé Plan được triển khai từ năm 2011 đến nay vẫn được duy trì và tiếp tục mở rộng.

Nông dân chịu nghe nhà khoa học

PGS-TS Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nói rằng phân bón tăng giá phi mã là điều kiện tốt để nông dân thay đổi tập quán lạm dụng phân bón. Tổ chức này đã triển khai 25 mô hình với sự tham gia của 100 hộ nông dân trong việc thực hành nông nghiệp tốt, kết quả đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với ruộng, vườn đối chứng. Đặc biệt, có mô hình trồng lúa ở Cà Mau, nông dân lãi 46 triệu đồng/ha, cao gấp đôi ruộng lân cận.

Đối với trồng lúa, quan trọng nhất là sạ thưa, giảm giống từ 150 kg/ha xuống còn 40-80 kg/ha từ đó giảm lượng phân bón hóa học, giảm sâu bệnh đồng nghĩa giảm phun thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí không cần phải phun. Kết hợp với việc siết nước giữ vụ, xẻ rãnh để đạm, kali tự nhiên trong đất được giải phóng, cây trồng hấp thu. Với phân bón, nông dân được khuyến cáo sử dụng các loại phân chi phí thấp như: phân chuồng, phân bón sản xuất trong nước để thay thế phân hóa học nhập khẩu.

"Điểm chung của các mô hình chúng tôi triển khai là chi phí đầu vào giảm 30%-50% so với cách làm cũ nhưng nâng cao được chất lượng sản phẩm. Bây giờ đầu ra cho nhiều loại nông sản khó khăn do sản lượng nhiều nhưng chất lượng không đạt yêu cầu thị trường, bà con phải thay đổi bằng việc giảm sản lượng, nâng chất lượng thì mới nâng được thu nhập. Nói đơn giản, vụ nào trồng không có lời thì bà con đừng đầu tư, đừng cho ra trái, cũng là cách dưỡng cây, dưỡng đất tập trung cho mùa nông sản có giá cao" - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam tư vấn. 

Ông PHAN THÀNH BẮC, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Sơn Hòa (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang):

Nông dân lo lắng

HTX của chúng tôi có 600 ha chuyên canh cây lúa và đang bước vào thu hoạch vụ đông xuân. Từ khảo sát đồng ruộng và kết quả thu hoạch của một số hộ đã gặt, chúng tôi nhận định vụ đông xuân năm nay được mùa, giống lúa OM18 năng suất khoảng 7,5 tấn/ha còn lúa thơm Lộc Trời 28 năng suất bình quân 6 tấn/ha. Năng suất, giá lúa bán ra cũng tương tự năm ngoái nhưng bà con lời chỉ còn 13 -14 triệu/ha trong khi năm ngoái đạt 20 triệu đồng/ha. Nguyên nhân là do chi phí đầu vào tăng, nhiều nhất là phân bón. Sắp đến, vụ lúa hè thu bà con rất lo lắng không biết đầu tư sao cho có lãi. Thực tế, trồng lúa thì phải dùng phân bón, bà con có thể giảm 10%-20% so với hiện tại vẫn không thể bù được với đà tăng giá của phân bón.

Ông LÊ QUỐC PHONG, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và Kinh doanh phân bón Bình Điền 2:

Cần giảm thuế, chia sẻ với nông dân

Xung đột Nga - Ukraine đã khiến giá phân bón trên thế giới lập đỉnh cao nhất trong vòng 50 năm nay. Nga, Belarus cung cấp đến 30%-40% lượng phân bón toàn cầu nên bất ổn liên quan khu vực này khiến thế giới mất đi gần 1/2 sản lượng, nguồn cung thiếu hụt trầm trọng và các nhà sản xuất còn lại đẩy giá phân bón tăng lên.

Giá phân bón trên thế giới tăng cao đẩy giá trong nước tăng theo trong hơn 1 năm nay đã kéo giảm nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước. Những DN có nguồn lực, dự trữ được nguyên liệu phân bón nhập khẩu phục vụ cho sản xuất thì có được lợi nhuận tốt nhưng những DN không đủ nguồn lực, sản xuất theo kiểu "ăn đong" nguyên liệu đang gặp khó khăn. Trước diễn biến của thị trường phân bón hiện nay, các DN phân bón kiến nghị nhà nước nên đưa thuế GTGT mặt hàng này về 0% để giảm giá thành sản phẩm, qua đó phần nào hỗ trợ giá cho nông dân. Bên cạnh đó là giảm thuế tự vệ đối với phân bón nhập khẩu, tạm dừng xuất khẩu các loại phân bón để điều chỉnh lại nguồn cung và giá bán trong nước. Giai đoạn này, các DN xuất khẩu phân Urê, DAP có lợi nhuận cao nhưng cũng cần chung tay, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân.

GS-TS VÕ TÒNG XUÂN, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ:

Thay đổi thói quen canh tác

Trong kỹ thuật trồng lúa của Việt Nam có đặc điểm là thích trồng lúa cao sản, ngắn ngày, 2-3 vụ/năm và có năng suất cao. Sản xuất nông nghiệp tiêu phí rất nhiều phân bón hóa học, đến 50%-60%. Thực tế là nếu nông dân vẫn còn bảo thủ với cách bón phân từ trước đến giờ thì sẽ phải tiếp tục bón nhiều phân hơn để cây cối đạt sản lượng bằng những năm trước, chi phí cho phân bón sẽ tăng đáng kể trong đầu ra của nông sản rất phập phù. Chưa kể, cách bón phân hóa học như hiện nay luôn làm cho đất bị tiêu hủy hết các loại vi sinh vật mới, cây trồng không còn đề kháng tự nhiên nên bà con phải dùng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật.

Giải pháp cho vấn đề này là phải sử dụng phân bón 1 cách hữu hiệu hơn, sạch hơn. Cần tức tốc áp dụng sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, giảm thiểu phân bón hóa học còn 1/4 - 1/5 hiện tại, khi vi sinh vật xuất hiện trở lại thì tỉ lệ thuốc bảo vệ thực vật cũng sẽ giảm tương ứng với phân bón hóa học. HTX An Phong của xã Mỹ An, thị trấn Tháp Mười (Đồng Tháp) đã làm như thế từ nhiều năm nay và đạt được hiệu quả tốt, lợi nhuận tốt. Bà con Đồng Tháp đã làm được thì bà con ở những nơi khác chắc chắn cũng sẽ làm được như vậy.

 



Báo cáo phân tích thị trường