Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thuế xuất khẩu phân bón nên áp dụng thế nào?
23 | 05 | 2022
Để góp phần hạ nhiệt giá phân bón trong nước, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ áp thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng này. Hiệp hội Phân bón ViệtNam cho rằng, chỉ nên áp thuế xuất khẩu trong thời điểm nhất định - khi nguồn cung thiếu hụt hoặc giá tăng quá cao.

Theo Đại biểu Nhân dân

Từ đầu năm đến nay, giá các loại phân bón trong nước đều đồng loạt tăng mạnh. Cụ thể, phân DAP (diamon photphat) tăng hơn46%, phân MAP (monoamoni photphat) tăng hơn44%, Urê tăng hơn 95%, Kali tăng hơn 102% so với năm ngoái.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu phân bón đạt khoảng 439 triệu USD, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu phân bón đạt khoảng 625,4 triệu USD, tăng 73,3%so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2021, cả nước xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón, thu về 560 triệu USD,nhưng cũng chi tới 1,45 tỷ USD để nhập về 4,54 triệu tấn phân bón các loại.

Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam - TS.Phùng Hà cho biết, giá phân bón bắt đầu tăng phi mã từ năm 2020 và đây là đợt tăng giá mạnh nhấttrong vòng 50 năm qua, khiến nông dân chịu thiệt hại rất nhiều vì chi phí sản xuất bị đẩy lên cao.

Theo ông Hà, giá phân bón tăng do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine,vì đây là hai cường quốc về xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới. Việc Nga bị loại khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu của Nga; bên cạnh đó Mỹ và EU có hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga. Điều này đã tác động thị trường phân bón thế giới, làm suy giảm nguồn cung, tăng giá. Hiện Nga đã dừng xuất khẩu phân bón. Ngoài ra, dịch Covid-19 kéo dài suốt hơn 2 năm qua đã khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, cước vận chuyển tăng mạnh, giá dầu, giá khí tự nhiên tiếp tục tăng cao.

Giá phân bón tăng mạnh khiến nông dân lao đao

Dự báo, giá phân bón tiếp tục tăng từ 20 - 40% trong quý II, đặc biệt là với DAP và kali. Với DAP, nguồn cung nội địa chưa ổn định, hàng tồn kho giá rẻ đã hết, trong khi nhập khẩu gặp nhiều khó khăn.

Để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng này thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong phân bón. Nhóm phân bón khác giữ nguyên mức thuế hiện hành.

Theo Bộ Tài chính, phương án tăng thuế xuất khẩu sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giảm bớt thủ tục hành chính do doanh nghiệp và hải quan phải xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản chiếm trong sản phẩm như quy định hiện hành, thống nhất thuế xuất khẩu với doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu phân bón.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, Bộ Tài chính nên cân nhắc đề xuất Chính phủ áp dụng linh hoạt, tạm thời thuế xuất khẩu phân bón trong những thời điểm nhất định, khi nguồn cung thiếu hụt hoặc giá tăng quá cao. Đồng thời, xem xét áp thuế xuất khẩu riêng biệt cho từng loại phân bón, và chỉ áp thuế cho loại nào trong nước sản xuất cung chưa đủ cầu. Trong dài hạn, đề xuất Bộ Tài chính trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước được hoàn thuế giá trị gia tăng, cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu.

Để ứng phó với “bão giá” phân bón, thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương khuyến khích nông dân thực hiện các biện pháp canh tác hợp lý như tiết kiệm phân, bón phân đúng kỹ thuật...; sử dụng phân hữu cơ, phân gia súc gia cầm đã được xử lý hoại mục để thay thế phân bón vô cơ.



Báo cáo phân tích thị trường