Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá phân “nhảy múa”, hạ nhiệt bằng các giải pháp trong nông nghiệp
13 | 05 | 2022
Trước diễn biến thị trường phân bón sẽ còn biến động, ngành nông nghiệp Cần Thơ nói riêng và các địa phương trong khu vực ĐBSCL nói chung đã khuyến khích nông dân thực hành các biện pháp canh tác hợp lý để giảm lượng phân bón.

Theo VOV

Thực trạng giá phân bón và vật tư nông nghiệp trong khu vực ĐBSCL đang tăng lên rất cao. Nguyên nhân chính vẫn là nguyên liệu đầu vào tăng nên sản phẩm đầu ra cũng tăng theo, gây khó khăn cho bà con nông dân. Vậy các ngành chức năng và bà con nông dân trong khu vực ĐBSCL cần làm gì nhằm giảm chi phí canh tác để sản xuất nông nghiệp có lợi nhuận trong bối cảnh hiện nay?

Ông Đinh Văn Chiêu, một người trồng lúa tại thành phố Cần Thơ cho biết, trước thực trạng giá phân bón tăng, nông dân buộc phải thay đổi biện pháp canh tác theo hướng an toàn để giảm giá thành từ giống, phân bón và thuốc trừ sâu. Nếu như trước đây người dân canh tác lúa sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhiều thì nay trước giá phân bón tăng chóng mặt người dân thay đổi tư duy chuyển sang sản xuất lúa hữu cơ.

Ông Đinh Văn Chiêu cho rằng, lợi nhuận thấy rõ nhất là giảm được lượng giống gieo sạ, chính việc sạ thưa nên lượng phân bón đã giảm, sâu bệnh cũng ít giảm được chi phí khoảng vài trăm ngàn đồng so với canh tác lúa truyền thống như trước đây, tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường, sản xuất ra lúa an toàn.

Ngoài các biện pháp tiết kiệm phân, bón phân đúng kỹ thuật, một số nông dân và các nhà vườn tại các tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL còn sử dụng phân hữu cơ, phân gia súc gia cầm đã được xử lý hoại mục thay thế phân bón hóa học.

Ông Võ Thanh Nhàn, nhà vườn ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre có sáng kiến nuôi gà trên mặt ao, tận dụng phân gà cho cá ăn. Sau đó lấy nước trong ao tưới cây và bùn ở đáy ao bón cho cây. Nhờ vậy mà vườn bưởi da xanh của ông tươi tốt, không sử dụng phân hóa học.

"Mô hình này tôi đã nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ sinh học mà nước ngoài đã áp dụng lâu rồi. Miếng vườn này khi phá ra trồng thì mình đào ao nuôi cá trước, rồi nuôi gà, trồng cây lấy nước tưới. Miếng vườn này trên 2.000m2 nếu bà con bón phân mỗi năm mất vài chục triệu đồng nhưng tôi chỉ mất 2-3 triệu thôi, không sử dụng thuốc trừ sâu. Phân nếu bón thì chỉ bón phân trùn quế, vì con trùng làm tơi xốp đất. Mô hình này tiết kiệm phân bón, tiết kiệm nhân công đủ thứ luôn. Mình trồng sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng” - ông Nhàn bày tỏ.

Trước diễn biến thị trường phân bón sẽ còn biến động, ngành nông nghiệp Cần Thơ nói riêng và các địa phương trong khu vực ĐBSCL nói chung đã khuyến khích nông dân thực hành các biện pháp canh tác hợp lý để giảm lượng phân bón. Theo đó, bà con nên sử dụng giống xác nhận, áp dụng các biện pháp sạ hàng, sạ thưa, cấy máy; lượng giống sử dụng không quá 100 kg/ha và xuống giống theo lịch thời vụ đã được khuyến cáo.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ cho biết, sản xuất lúa hữu cơ không chỉ giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của người dân hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Đồng thời, nông dân nên chọn các loại phân bón có uy tín và chất lượng để giảm bớt tốn kém mà hiệu quả lại cao; sử dụng phân hữu cơ thay thế phân vô cơ và bón theo từng thời điểm, từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng.

"Sản xuất lúa mình có lượng thực phẩm là rơm, rạ, thì mình lấy rơm, rạ đó phun các loại nấm để cho phân hủy theo hướng hữu cơ; sau đó bón lại cho rau màu, cây ăn quả, như vậy là tiết kiệm được một phần chi phí phân bón nữa" - bà Hiếu nhấn mạnh.

Để bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho diện tích sản xuất nông nghiệp trước tình hình “bão giá” phân bón, ngành nông nghiệp và các địa phương còn khuyến khích nông dân đẩy mạnh việc liên kết trong sản xuất; hình thành các cánh đồng lớn để có điều kiện cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nông dân nâng cao được lợi nhuận nhờ giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Ngoài ra, việc liên kết sản xuất, nông dân còn có điều kiện gieo sạ tập trung, đồng loạt trên một cánh đồng giúp dễ quản lý sâu bệnh và áp dụng đồng bộ các gói kỹ thuật tiên tiến như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái… để giảm chi phí tiền giống, phân bón, thuốc BVTV và công chăm sóc.

An Giang là 1 trong 2 địa phương đứng đầu cả nước về sản xuất lúa. Thời gian qua, địa phương đặc biệt quan tâm tới việc đổi mới toàn diện, phát triển đa dạng và nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất theo hướng nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao và tiêu thụ theo mô hình “Cánh đồng lớn”. Tỉnh rất chú trọng công tác hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, xúc tiến các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được đẩy mạnh.

Việc này vừa từng bước khuyến khích, tạo động lực cho nhà đầu tư, vừa thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân phù hợp với yêu cầu thực tiễn, hướng đến sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Năm 2021, diện tích lúa của nông dân trên địa bàn tỉnh được sự liên kết và tiêu thụ của các doanh nghiệp đạt khoảng 65.300ha/632.800ha.

Ông Nguyễn Văn Sang, Phó chủ tịch UBND xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cho biết về hiệu quả việc sản xuất lúa liên kết: “Vụ đông-xuân 2021-2022 này, trên địa bàn của xã có liên kết với diện tích khoảng 560ha; trong đó cái liên kết 123 là 124 ha. Qua việc thu hoạch, đối chứng, có thể khẳng định một điều, việc liên kết này, mà đặc biệt là liên kết 123 nó mang lại hiệu quả rất tích cực cho người nông dân. Cụ thể, người nông dân tăng lợi nhuận khoảng 30% so với diện tích sản xuất thông thường. Từ đó, nó đã tạo hiệu ứng rất là tốt cho các vụ tiếp theo. Theo lắm tình hình, qua vụ đông xuân này, bà con nông dân đã thấy được cái lợi nhuận và thấy cái lợi ích của việc liên kết”.

Để giảm chi phí đầu vào trong sản xuất, nhất là phân bón, vài năm trở lại đây, ngành nông nghiệp các địa phương trong khu vực ĐBSCL đã phối hợp với các Viện, trường, doanh nghiệp để nghiên cứu, đưa ra các giải pháp trong sản xuất nông nghiệp; thay đổi phương thức canh tác, giảm lượng phân bón…nhưng vẫn giữ được chất lượng hạt và năng suất lúa.

Đồng thời, giúp nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng bón phân cân đối, giúp giảm chi phí, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận cho nông dân. Ví dụ như phương pháp “Xạ cụm lúa theo hàng, kết hợp bón vùi phân và phun thuốc diệt cỏ mầm”; Quy trình bón phân cân đối cho cây lúa, nhu cầu dinh dưỡng cho cây lúa theo giai đoạn sinh trưởng...đây là 2 trong 14 giải pháp tiêu biểu, giúp người dân giảm chi phí đầu vào trong sản xuất.

Phương pháp “Xạ cụm lúa theo hàng, kết hợp bón vùi phân và phun thuốc diệt cỏ mầm” là một phương pháp canh tác sản xuất lúa hiệu quả đã và đang được khuyến cáo và nhân rộng trên địa bàn tỉnh An Giang. Đặc biệt, việc bón vùi sâu phân đạm đã làm giảm sự bốc hơi của phân, không giảm bớt đi thành phần dinh dưỡng, gia tăng hấp thụ phân bón, tăng hiệu suất sử dụng phân của cây lúa.

Anh Nguyễn Ngọc Thành, một nông dân ở thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang là người thực hiện phương pháp “Xạ cụm lúa theo hàng, kết hợp bón vùi phân và phun thuốc diệt cỏ mầm” chia sẻ.

 “Mô hình này giúp giảm được lượng giống so với mình sản xuất kiểu truyền thống; diện tích 1ha, mình chỉ sử dụng 65kg lúa giống; Còn đối với sản xuất theo kiểu truyền thống thì mình phải sử dụng từ 180kg đến 200kg lúa giống. Mật độ sạ thưa thì cây lúa mình phát triển tốt, chồi lúa nó khỏe mạnh, hạn chế đổ ngã…Mình tiết kiệm được chi phí sản xuất như: chi phí xịt thuốc, xạ phân và cả xạ giống nữa. 1ha thì mình tiết kiệm được từ một triệu rưỡi đến hai triệu đồng” - anh Thành cho biết.

Đối với “Quy trình bón phân cân đối cho cây lúa, nhu cầu dinh dưỡng cho cây lúa theo giai đoạn sinh trưởng”, ở quy trình này, các doanh nghiệp nghiên cứu đưa ra các loại phân bón phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, thích hợp với từng loại lúa và thổ nhưỡng của từng vùng…

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết: “Hiện nay, Cục bảo vệ thực vật đã ký với 23 doanh nghiệp khác nhau, với các mô hình khác nhau, trên các loại cây trồng khác nhau; bằng cách là, dùng các giải pháp kỹ thuật để nhằm tiết kiệm trong quá trình bón phân, cũng như là tiết kiệm chi phí đầu vào và tăng lợi nhuận cho người dân. Trong đó có rất nhiều giải pháp đã được đồng loạt áp dụng tại các tỉnh.

Thứ hai là, cái mục tiêu của chúng ta là sản xuất hàng hóa; giải pháp quan trọng nhất đó là giảm chi phí đầu vào. Từ năm 2018, với các chương trình ký kết với doanh nghiệp, đã đă ra được 14 mô hình tiêu biểu; các mô hình này đã được đưa lên trang website của Cục Bảo vệ thực vật để các địa phương học tập và chia sẻ với người dân, hướng dẫn cho người dân, áp dụng một cách thống nhất, hiệu quả”.

Chi phí sản xuất thấp, sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, lợi nhuận cao, ổn định đầu ra…luôn là mong muốn của nông dân, và các doanh nghiệp. Với giá vật tư như hiện nay, việc xây dựng các mô hình, phương thức canh tác phù hợp cho từng địa phương, từng loại đất, từng loại cây trồng…là hết sức cần thiết và cấp bách./.



Báo cáo phân tích thị trường