Nguồn: vneconomy.vn
Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, VIFOREST cho biết kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2022 ước tính đạt 1,55 tỷ USD, tăng 7,9% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021.
XUẤT KHẨU ĐỒ GỖ ĐÃ TĂNG NHẸ
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong tháng 5/2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ nguyên liệu (gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ công nghiệp, dăm gỗ) đạt 0,53 tỷ USD, tăng mạnh so với tháng 5/2021; xuất khẩu đồ gỗ ước đạt 1,02 tỷ USD, giảm 8,9% so với tháng 5/2021.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,2 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, xuất khẩu gỗ nguyên liệu đạt 1,95 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.
Theo VIFOREST
“Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị chưa có hồi kết, cùng với tình hình dịch bệnh khó lường, nhưng ngành gỗ vẫn duy trì đà tốc độ tăng trưởng khả quan. Điều này cho thấy sự điều hành thống nhất, linh hoạt, đúng hướng của Chính phủ, các bộ ban ngành và Hiệp hộị. Các doanh nghiệp ngành gỗ đã biến thách thức thành cơ hội, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp, tính linh hoạt, tìm tòi, sáng tạo của các doanh nghiệp”, VIFOREST nhận định.
Bên cạnh đó, theo VIFOREST, kết quả xuất khẩu ngành gỗ còn có sự góp phần của các FTA thế hệ mới đã hỗ trợ ngành chế biến gỗ Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu ra nhiều thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia không có hiệp định.
“Với kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm 2022, thì khả năng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 8% trong nửa đầu năm 2022 là hoàn toàn khả thi”, VIFOREST nhấn mạnh.
Về triển vọng thị trường ngành gỗ toàn cầu, theo Trung tâm nghiên cứu Công nghiệp Italia (CSIL), ước tính thị trường đồ gỗ trên thế giới năm 2021 đã vượt 500 tỷ USD, đây là sự phục hồi mạnh, chủ yếu là do đóng góp lớn từ châu Âu và châu Á.
Ước tính này dựa trên việc xử lý dữ liệu từ các nguồn chính thức, bao gồm 100 quốc gia quan trọng nhất. Nhu cầu tăng mạnh trên toàn cầu với sự khác biệt giữa các quốc gia và các phân khúc.
Dự báo triển vọng thương mại quốc tế đối với đồ gỗ trong năm 2022 và 2023 cũng thuận lợi, nhưng vẫn còn nhiều bất ổn xuất phát từ hạn chế nguồn cung, chi phí năng lượng và các vấn đề về logistics.
“Triển vọng thị trường gỗ cho năm 2022 và 2023 là thuận lợi, nhưng không chắc chắn do các hạn chế từ nguồn cung và các vấn đề vận tải. Phần lớn nguồn cung đồ gỗ nội thất là từ Trung Quốc, Việt Nam, Ba Lan, Đức, Italia, Mỹ, Đức, Pháp, Anh và Hà Lan”, CSIL nhận định.
Cũng theo CSIL, trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, thị trường đồ nội thất văn phòng là bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng từ năm 2022 trở đi, tiêu thụ đồ gỗ nội thất văn phòng sẽ phục hồi nhanh, với tốc độ tăng trưởng bình quân 4,5%/năm trong giai đoạn 2022 – 2030. Cùng với đó, sự phát triển cơ sở hạ tầng đang diễn ra sôi động góp phần thúc đẩy nhu cầu đối với đồ nội thất trong khu dân cư và thương mại.
CHUẨN BỊ ỨNG PHÓ VỚI VỤ KIỆN TỦ GỖ
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) có Công văn số 405 /PVTM-P3 gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết Hoa Kỳ khởi xướng điều tra xem xét phạm vi sản phẩm đối với tủ gỗ Việt Nam.
Công văn nêu rõ, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) nhận được thông tin về việc ngày 24 tháng 5 năm 2022 (giờ Hoa Kỳ), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào Hoa Kỳ sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong Lệnh áp thuế với Trung Quốc, DOC quy định tủ gỗ và các bộ phận thuộc phạm vi áp dụng của biện pháp nếu được gia công thêm ở nước thứ ba, bao gồm nhưng không giới hạn bởi các công đoạn sau: bào, cắt, đục rãnh, đột lỗ, khoan, sơn, tạo màu, hoàn tất hoặc các công đoạn khác, vẫn nằm trong phạm vi áp dụng thuế CBPG/CTC.
Theo thông tin mới nhất mà Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam có được, vào cuối tháng 5/2022 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ra thông báo lùi thời hạn khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế mặt hàng tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam đến ngày 6/6/2022.
Theo đó, vào ngày 22/4/2022, Liên minh Tủ bếp Hoa Kỳ (AKCA) đã gửi đơn yêu cầu DOC Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Nguyên đơn cáo buộc rằng các nhà sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam đã nhập tủ/bộ phận tủ từ Trung Quốc là đối tượng bị áp dụng thuế PVTM sau đó lắp ráp hoàn thiện tại Việt Nam và xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Sau khi xem xét DOC đã xác định rằng cần có thêm thời gian để xem xét và đánh giá yêu cầu điều tra chống lẩn tránh thuế của AKCA, và lùi thời hạn khởi xưởng điều tra chống lẩn tránh thuế mặt hàng tủ gỗ nhập từ Việt Nam đến ngày 6/6/2022.
Theo quy định của Hoa Kỳ, các bên có liên quan có thời hạn 30 ngày kể từ ngày khởi xướng để nộp bản bình luận và cung cấp thông tin phản biện tới cơ quan điều tra Hoa Kỳ. Dự kiến, DOC sẽ đưa ra kết luận cuối cùng trong vòng 120 ngày kể từ ngày khởi xướng (có thể gia hạn thêm 180 ngày nếu có lý do hợp lý).
Trước những diễn biến mới nhất, VIFOREST cùng các doanh nghiệp ngảnh gỗ đang tích cực lên phương án ứng phó với vụ kiện mới. VIFOREST nhận định, mặc dù đạt kim ngạch xuất khẩu khả quan, song hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam còn đối mặt nhiều thách thức.
Cụ thể, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị; giá cước vận tải ở mức cao; giá hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất dự báo tiếp tục tăng, đặc biệt là vụ kiện tủ gỗ.
Theo VIFOREST, cơ hội mà các FTA mang lại cho doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, do một số hạn chế, các doanh nghiệp chưa tận dụng hết các cơ hội này, chính vì vậy kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào các thị trường có FTA với Việt Nam chưa có nhiều bứt phá. Trong đó, năng lực tự chủ về logistics được coi là rào cản lớn nhất.
Do đó, Việt Nam cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, xây dựng được đội tàu siêu trường, siêu trọng cùng với hạ tầng logistics hiện đại để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu, không phụ thuộc vào đội tàu của các doanh nghiệp nước ngoài như hiện nay.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải cải thiện các mô hình kinh doanh, nâng cấp sản phẩm, dịch vụ, tái sắp xếp chuỗi cung ứng đầu vào để tận dụng triệt để các ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định và thâm nhập vào thị trường mới.
Ngoài ra, để hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt kết quả tích cực trong thời gian tới, cần sự hỗ trợ của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong việc cập nhật thông tin về các thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu cũng như cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại…