Theo nhận định của Vụ Châu Âu (Bộ Thương mại), mặc dù gặp phải nhiều khó khăn như: Nga tăng cường các biện pháp kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm, lệnh cấm nhập khẩu gạo, chính sách cấm người nước ngoài bán lẻ trên thị trường nội địa Nga, nhưng quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Liên bang Nga trong các tháng đầu năm 2007 vẫn phát triển với tốc độ khá. Theo thống kê của Bộ Thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều trong 2 tháng đầu năm 2007 giữa Việt Nam - Liên bang Nga đạt 140 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2006.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,4 triệu USD (tăng 18,8%) và nhập khẩu của Việt Nam từ Liên bang Nga đạt 82,4 triệu USD (tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước). Dự kiến cả quý I/2007, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều ước đạt 240 triệu USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 100 triệu USD và nhập khẩu đạt 140 triệu USD.
Cán cân thương mại hai chiều bấp bênh
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch tăng khá trong 2 tháng đầu năm là thuỷ hải sản đạt 20,5 triệu USD (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2006), cà phê đạt 4.778 tấn với kim ngạch 6,94 triệu USD (tăng gấp 4 lần về lượng và 6,3 lần về giá trị), hạt điều đạt 2,4 triệu USD (tăng 70%), hàng mây tre tăng 85%, giầy dép tăng 31%,...
Các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch xấp xỉ cùng kỳ năm 2006 là rau quả, chè, cao su, tạp hoá.
Trong số các mặt hàng rau quả, Nga vừa trở thành thị trường xuất khẩu dứa lớn nhất của Việt Nam. Số liệu thống kê chính thức từ Tổng cục Hải quan chỉ rõ kim ngạch xuất khẩu dứa trong tháng 3/2007 vào thị trường Nga đạt 400 nghìn USD, tăng 56% so với tháng 2/2007 và tăng 27% so với tháng 1/2007.
Như vậy, riêng lượng dứa xuất khẩu vào thị trường Nga đã chiếm tới 29,4% tổng kim ngạch xuất khẩu dứa của cả nước, tiếp sau đó là thị trường Hà Lan và Hoa Kỳ đều chiếm trên 13%.
Bộ Thương mại cho biết, thời gian này có 8 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu dứa với sản phẩm chính là dứa đã qua chế biến dưới dạng đóng lon. Các lô hàng xuất khẩu đạt đơn giá cao nhất có thể lên tới 20 USD/thùng (xuất theo phương thức FOB, từ cảng Cát Lái, Tp.HCM).
Các mặt hàng có kim ngạch giảm là gạo (từ đầu năm 2007 đến nay, mặt hàng này chưa được xuất sang Nga, trong khi 2 tháng đầu năm 2006, gạo đạt kim ngạch 6,4 triệu USD), mỳ ăn liền giảm 27%, hạt tiêu giảm 29%, dệt may giảm 25%, xe đạp và phụ tùng, sản phẩm nhựa...
Trong nhập khẩu từ Liên bang Nga 2 tháng đầu năm 2007, mặt hàng có kim ngạch tăng đáng kể là xăng dầu đạt 40,2 triệu USD (tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước), máy móc thiết bị và phụ tùng tăng 20%. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu sắt thép giảm 40%, phân bón các loại giảm 52%, ôtô nguyên chiếc các loại giảm gần 80%. Các mặt hàng nhập khẩu khác có giá trị không lớn.
Cán cân thương mại hai chiều bấp bênh
Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu đạt mức khá, song do quy định hạn chế ở mức 40% đối với người nước ngoài bán hàng ở các chợ lẻ tại Nga từ ngày 15/1/2007 đã và đang không chỉ ảnh hưởng đến cộng đồng người Việt sinh sống tại Nga mà còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp tại Việt Nam
Từ trước đến nay, hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam vào Liên bang Nga có một lượng không nhỏ do người Việt định cư tại Nga thực hiện từ khâu nhập khẩu cho đến phân phối trên thị trường nội địa. Trong đó, kênh bán hàng trực tiếp cho người Việt tại các chợ bán lẻ luôn được xem là cầu nối quan trọng trong bước tiếp cận thị trường đầu tiên của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo Vụ Châu Âu, mặc dù một phần các doanh nghiệp đã chủ động chuyển hướng kinh doanh theo nhiều kênh khác nhau như thông qua thương hiệu của một đối tác tại Nga, lập các công ty, thuê người Nga đứng bán hàng, chuyển quốc tịch, bán cho các nhà phân phối hàng để đưa hàng vào bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại…
Song, trong một chừng mực nhất định, tình hình hoạt động của cộng đồng Việt Nam sau khi Nga bắt đầu thực hiện Luật cấm người nước ngoài kinh doanh bán lẻ trên thị trường đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lượng hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Nga trong thời gian tới, đặc biệt đối với các mặt hàng dệt may, giày dép, đồ nhựa.
Thêm vào đó, từ ngày 1/4/2007, các chính sách kinh doanh tại Liên bang Nga lại một lần nữa bị siết chặt hơn khi các cấp chính quyền Nga tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm kiểm tra gắt gao tình trạng người nước ngoài bán lẻ trên thị trường.
Vẫn là thị trường đầy tiềm năng, hấp dẫn
Như vậy, bên cạnh yếu tố thị trường Nga vốn không mang tính ổn định, tình hình xuất khẩu luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong khâu thanh toán thì các quy định mới này sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này của Việt Nam trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Lượng hàng dệt may, giày dép, hàng tạp phẩm... trên thị trường nội địa Nga sẽ giảm dẫn đến giảm nguồn cung cấp từ các nước nhập khẩu, trong đó có hàng từ Việt Nam, đó là chưa kể một số chủ hàng người Việt phải dừng nhập khẩu và kinh doanh các mặt hàng này.
Ông Vũ Trọng Nghĩa, Tham tán thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết, trong năm 2006, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Liên bang Nga đã đạt được tốc độ tăng trưởng 60% với kim ngạch dự kiến đạt trên 400 triệu USD, nhưng năm 2007, quan hệ thương mại Việt - Nga sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, xét về lâu dài, Liên bang Nga vẫn là một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho giới doanh nhân Việt Nam.
Để tiếp tục tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Liên bang Nga, các doanh nhân Việt Nam cần phải có các hình thức tiếp cận mới, đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh những nỗ lực của các doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam, theo Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga, cần phải nâng cao vai trò và hiệu quả công việc của Uỷ ban liên Chính phủ Việt – Nga về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật, đặc biệt là vai trò của Tiểu ban thương mại và đầu tư trong việc xây dựng và giám sát thực hiện kế hoạch hành động trước mắt là cho giai đoạn 2007 - 2010, thúc đẩy buôn bán hai chiều đạt mục tiêu 2 tỷ USD mà lãnh đạo Nhà nước hai bên đã đặt ra.
Một vấn đề quan trọng khác là các cơ quan kiểm dịch và bảo vệ động thực vật của hai bên cần xúc tiến và đi đến thoả thuận, ký kết các hiệp định về việc công nhận lẫn nhau trong việc cấp giấy chứng nhận vệ sinh, an toàn thực phẩm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hai nước tăng khả năng trao đổi hàng hoá.