Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu xoài sang Trung Quốc, doanh nghiệp cần 'đánh đúng' thị trường trọng điểm
07 | 09 | 2022
Trung Quốc có nhu cầu lớn về nhập khẩu xoài nhưng doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu đâu là các khu vực đóng vai trò như là đầu mối nhập khẩu chính cho từng vùng để có thể 'đánh' đúng thị trường trọng điểm.

Nguồn mekongasean.vn

Ngày 31/8, tại tỉnh Tiền Giang, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức “Phiên tư vấn xoài sang thị trường Trung Quốc”.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, sản lượng xoài của Việt Nam hiện đang đứng thứ 13 trên thế giới, chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc…

Tại thị trường Trung Quốc với dân số hơn 1,4 tỷ người, đây là thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn về mặt hàng rau quả (bao gồm xoài) để phục vụ nhu cầu nội địa cũng như sản xuất chế biến để xuất khẩu. Hiện mỗi năm quốc gia này tiêu thụ khoảng 270 triệu tấn trái cây (bao gồm mặt hàng xoài) - bình quân đầu người đạt 56,3 kg/năm.

Xoài từ Việt Nam hiện là một trong 11 mặt hàng trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc với mức giá cạnh tranh.

Trung Quốc hiện chủ yếu nhập khẩu xoài tươi và xoài sấy từ Việt Nam. Theo ông Nguyên, 2/3 sản phẩm xoài tươi trên thị trường Trung Quốc là đến từ Việt Nam.

Ngoài nhu cầu tiêu thụ lớn, xoài Việt Nam còn có lợi thế là thời vụ thu hoạch không trùng với thời vụ xoài của Trung Quốc. Hiện hai loại xoài nổi tiếng của Trung Quốc là xoài Hải Nam và xoài Quảng Tây đều thu hoạch vào tháng 4 - 8 hoặc tháng 6 đến giữa tháng 9. Trong khi đó, xoài của Việt Nam chủ yếu lại thu hoạch vào cuối năm.

Nhưng cần "đánh đúng" thị trường nhập khẩu trọng điểm

Tuy nhiên, khi xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý là mặc dù có nhu cầu nhập khẩu xoài lớn nhưng Trung Quốc lại chỉ tập trung vào một số khu vực nhập khẩu chính.

Ông Vũ Tiến Hùng - Trưởng văn phòng đại diện Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc) cho biết, thị trường Trung Quốc rộng lớn nhưng khu vực nhập khẩu thực tế chỉ có một vài tỉnh đầu mối. Sau khi nhập khẩu, các khu vực đầu mối này sẽ phân phối trực tiếp hoặc chế biến rồi mới lưu chuyển đến các khu vực tiêu thụ khác.

“Khu vực Quảng Châu sẽ nhập khẩu và phân phối hàng nông sản cho các khu vực phía Nam của Trung Quốc. Trong khi đó, Thượng Hải, Chiết Giang và Giang Tô lại tập trung cho phía Đông. Do vậy, ví dụ nếu DN muốn 'đánh' vào thị trường phía Nam, chỉ cần tập trung vào Quảng Châu”

Ông Vũ Tiến Hùng, Trưởng văn phòng đại diện Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc)

Nâng cao năng lực của doanh nghiệp chế biến

Để có thể xúc tiến tốt hơn, doanh nghiệp cần có thương hiệu trái cây nói chung và xoài nói riêng của mình. Nhưng thực tế, doanh nghiệp Việt nhìn chung đều chưa đáp ứng điều này. Theo ông Vũ Tiến Hùng, nếu sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong vấn đề tiếp cận, tìm kiếm đối tác và xúc tiến hàng hóa.

Ngoài ra, vấn đề truyền thông chậm chạp, thông tin thiếu nhanh nhạy cũng đang là rào cản của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

“Nhiều doanh nghiệp khi được phái đối tác hỏi về giá thành, hình ảnh sản phẩm thì phản hồi rất chậm, thậm chí mất một tuần để trả lời. Điều này đã khiến cơ hội hợp tác xuất khẩu của doanh nghiệp không còn cao như trước”, ông Hùng nhận định.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương), phía nhà nhập khẩu Trung Quốc đang đòi hỏi các cơ sở xuất khẩu của Việt Nam phát triển theo chuỗi, từ sản xuất, thu mua, sơ chế, đóng gói và bảo quản.

Để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, cũng cần có sự trao đổi thường xuyên giữa nhà sản xuất, hợp tác xã với doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi, với các cơ quan thương mại, doanh nghiệp tham gia giao dịch quốc tế. Từ đó, có thêm nguồn để tìm hiểu về thị trường, nhận được hướng dẫn về quy định thị trường; các vấn đề về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...

Ngoài ra, ông Vũ Tiến Hùng cũng khuyến nghị khi xúc tiến sản phẩm có nguồn gốc thực vật, doanh nghiệp cần tham vấn với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương để nắm rõ tình hình thị trường xuất khẩu sớm nhất, từ đó có thể thay đổi phù hợp với yêu cầu của đối tác.

Doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc hiện cần đáp ứng các tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP…), hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc hữu cơ. Từ năm 2018, phía Trung Quốc đã yêu cầu tất cả vùng trồng của doanh nghiệp xuất khẩu vào quốc gia này phải đóng gói, đăng ký mã số với cơ quan có thẩm quyền (hiện là Tổng cục Hải quan Trung Quốc).



Báo cáo phân tích thị trường