Nguồn nongnghiep.vn
Đã kiểm tra đánh giá trực tuyến xong 25 vùng trồng sầu riêng
Vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) và Cục Bảo vệ thực Việt Nam đã tổ chức đánh giá trực tuyến đối với 25 vùng trồng sầu riêng của HTX Cây ăn trái Krông Pắc liên kết với Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn.
Ông Võ Ngọc Huy, Phó Giám đốc HTX Cây ăn trái Krông Pắc cho biết, đến nay phía Trung Quốc đã kiểm tra xong mã vùng trồng và đang đợi công bố kết quả. Theo ông Huy, HTX đã được kiểm tra với diện tích hơn 600ha, sản lượng ước đạt hơn 1.000 tấn.
Để công việc kiểm tra được thuận lợi hơn, những ngày này phía HTX đã phải chuẩn bị nhiều công việc khác nhau. Công tác kiểm tra nhiều cái HTX cũng bị động như tài liệu, một số yêu cầu từ phía GACC nhưng đơn vị đã cơ bản hoàn thành.
Để chuẩn bị cho việc kiểm tra, Cục Bảo vệ thực vật đã hỗ trợ HTX một số vấn đề trong khâu quy trình sản xuất. Quy trình 5K, người dân ra vào canh tác phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Ngoài ra, HTX cũng phải tuân thủ hồ sơ ghi chép, nhật ký canh tác theo yêu cầu từ phía Trung Quốc.
“Trong lúc kiểm tra thì công tác chuẩn bị, di chuyển giữa các vườn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là đường truyền tại các vườn, phải làm sao đảm bảo được mạng kết nối với phía Trung Quốc. Đến nay, phía Trung Quốc kiểm tra xong HTX đang đợi để đưa những quả sầu riêng đầu tiên đi đường chính ngạch”, ông Huy chia sẻ.
Cũng theo ông Huy, qua kiểm tra, nhân viên GACC đánh giá các vườn sầu riêng của HTX trái nhiều, to, tròn. Đặc biệt, các vườn sầu riêng của HTX đều đảm bảo về tiêu chí môi trường.
“HTX mong muốn có đầu ra ổn định. Để làm được việc này phải xây dựng được quy trình sản xuất đạt chuẩn. Đặc biệt trong thời gian này HTX mong muốn phía Trung Quốc nhanh chóng cấp mã vùng trồng và công bố những đơn vị nào được xuất khẩu chính ngạch vì năm ngoái đơn vị cũng đã được phía Trung Quốc đánh giá. Nếu GACC không sớm cấp mã vùng trồng và doanh nghiệp được xuất khẩu sẽ trễ niên vụ 2022. Nếu vậy HTX cũng như doanh nghiệp liên kết sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Huy thông tin.
Là doanh nghiệp liên kết với HTX để xây dựng các vùng nguyên liệu xuất khẩu, Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn cùng HTX đã chuẩn bị cho thời điểm lịch sử này từ năm 2020.
Công ty đã tổ chức tập huấn về công tác phòng ngừa Covid-19, tập huấn quy trình kỹ thuật, về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), cũng như tập huấn cho bà con về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên vườn sầu riêng. Các vườn trồng phải luôn tuân thủ theo quy trình sản xuất của HTX cũng như Công ty ban hành.
Ông Lê Anh Trung, Giám đốc vùng nguyên liệu Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn cho biết, do Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách Zero Covid nên GACC rất chú trọng về vấn đề công tác quản lý phòng ngừa dịch bệnh tại vườn trồng. Đặc biệt, các biện pháp xử lý, phòng ngừa quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên vườn trồng, công tác kiểm dịch thực vật, đánh giá tồn dư thuốc bảo vệ thực vật của sản phẩm nông nghiệp.
Trong đó, phía GACC tập trung các câu hỏi liên quan đến kiểm tra, điều tra phát hiện sinh vật gây hại (SVGH) định kỳ, ghi chép các loài sinh vật gây hại phát hiện và xử lý. Thực hiện biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Sử dụng bẫy ruồi đục quả, các bố trí, kết quả bẫy và có bao trái không. Lưu hồ sơ kiểm soát SVGH… Đến nay GACC đã cơ bản kiểm tra xong vùng trồng, cơ sở đóng gói nhưng để đưa được quả sầu riêng đi đường chính ngạch vào nước này còn nhiều khó khăn.
“Dũng Thái Sơn là một trong những doanh nghiệp từng được phía Trung Quốc kiểm tra đủ điều kiện xuất khẩu sầu riêng chính ngạch. Tuy nhiên, đến nay phía Trung Quốc vẫn chưa cho thí điểm xuất khẩu nên gây nhiều khó khăn, nhất là khi người dân tin tưởng phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện các yêu cầu do phía Trung Quốc đưa ra. Việc chậm trễ này nếu kéo dài dễ khiến người dân mất lòng tin vào doanh nghiệp, chính quyền. Do đó, chúng tôi đề xuất Bộ NN-PTNT đề nghị phía Trung Quốc sớm cho các doanh nghiệp đạt yêu cầu thí điểm xuất khẩu sầu riêng qua nước này”, ông Lê Anh Trung.
Chờ Trung Quốc công bố danh sách
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đăk Lăk, phía GACC đã kiểm tra trực tuyến 38 mã vùng trồng sầu riêng và 6 cơ sở đóng gói của địa phương trong gần 15 ngày. Tổng diện tích được kiểm tra là 1.500ha.
Để chuẩn bị cho việc kiểm tra quy mô lớn này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đăk Lăk đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX chuẩn bị hồ sơ để phía Trung Quốc kiểm tra trực tuyến theo các quy định về quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng; Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói và các quy định tại Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Qua các buổi kiểm tra trực tuyến của phía Trung Quốc bước đầu cho thấy các doanh nghiệp, HTX vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên kết quả phải chờ thông tin từ Tổng cục Hải Quan Trung Quốc công bố.
“Một số doanh nghiệp, HTX mà GACC đã kiểm tra trực tuyến đợt trước thì không kiểm tra lại. Toàn bộ vùng trồng và cơ sở đóng gói kiểm tra đợt này đều là các vùng trồng và cơ sở đóng gói mới thiết lập. Đơn vị đã hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX hoàn thiện về quy trình thiết lập vùng trồng, quy trình thiết lập cơ sở đóng gói theo các Tiêu chuẩn của Cục Bảo vệ thực vật và Nghị định thư. Trong thời gian tới Chi cục tiếp tục phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, chính quyền địa phương giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được GACC kiểm tra để các vùng trồng, cơ sở đóng gói luôn đảm bảo các tiêu chí theo quy định của nước nhập khẩu”. Ông Lê Văn Thành, Chi Cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đăk Lăk cho biết.
Vị Chi cục trưởng cho biết thêm, Đăk Lăk là địa phương có diện tích lớn nhất được GACC kiểm tra trong đợt này. Để chuẩn bị cho việc kiểm tra, hơn một năm trước, Đăk Lăk đã mời các chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật vào địa phương hướng dẫn.
“Quá trình kiểm tra GACC luôn quan tâm đến phòng chống dịch Covid-19, vệ sinh an toàn thực phẩm và sâu bệnh hại. Về lâu dài, khi Trung Quốc đồng ý cho sầu riêng đi chính ngạch thì cả một khối lượng công việc rất lớn. Do đó, để việc xuất khẩu được lâu dài thì cần quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân trong việc kiểm soát vùng trồng, sâu bệnh hại…
Đây là lần đầu tiên Đăk Lăk được kiểm tra diện tích vùng trồng lớn như thế nên cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng đến nay các mã vùng đăng ký đã kiểm tra xong và chờ phía Trung Quốc công bố danh sách những đơn vị đạt yêu cầu”, ông Thành chia sẻ.
Theo ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vậ Đăk Lăk, năm 2021 địa phương đăng ký xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc 3 loại là sầu riêng, chanh leo và khoai lang tím Nhật. Địa phương có hơn 1.000ha chanh leo. Hiện loại trái cây này đã được cho xuất khẩu thí điểm qua 7 cửa khẩu. Tuy nhiên, thời gian này Đăk Lăk đang bước vào thời điểm thu hoạch sầu riêng do đó địa phương ưu tiên cho mặt hàng này. Sau khi xong sầu riêng, thời gian tới Chi cục sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn, quy trình để xuất khẩu chanh leo cho doanh nghiệp, HTX, người dân.