Đội tàu đánh bắt thủy hải sản của ngư dân Bình Định neo đậu tại cảng Qui Nhơn. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Để phòng chống khai thác IUU trên địa bàn, Bí thư tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng còn đề nghị các cấp các ngành phải vào cuộc, cơ quan, địa phương nào không hoàn thành, không làm tròn trách nhiệm, tỉnh ủy sẽ xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Bình Định nêu rõ quyết tâm trong 180 ngày tới sẽ không còn tàu xâm phạm lãnh hải nước ngoài.
Để làm được điều này, UBND tỉnh cần xây dựng kế hoạch, phương án hành động thực hiện trong vòng 180 ngày tới. Vì đây là thời hạn cuối mà châu Âu xem xét lại việc có gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam hay không. Hiện Chi cục Thủy sản cần dừng ngay việc cấp phép khai thác đối với tàu dưới 15m.
Bình Định còn yêu cầu các chi bộ có tàu, thuyền đi đánh bắt cần xây dựng chương tình trong việc sinh hoạt chi bộ hàng tháng và gắn trách nhiệm quản lý các hộ dân các ngư dân có tàu đánh bắt xa bờ với trách nhiệm của từng đảng viên; các đảng viên có trách nhiệm bám sát, nắm bắt tình hình các tàu đi đánh bắt ra sao và gắn cái này với việc phân loại, xếp loại cuối năm cho từng chi bộ và đảng bộ cấp trên.
Bên cạnh đó, ông Hồ Quốc Dũng còn cho rằng cần sớm xây dựng quy chế phối hợp nhằm chống khai thác IUU giữa tỉnh Bình Định với các tỉnh phía Nam, nhất là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang và Tiền Giang; UBND tỉnh cần thành lập tổ công tác để vào các tỉnh phía Nam nơi có tàu (thuyền) Bình Định hoạt động để làm việc, vận động tuyên truyền giáo dục với các chủ tàu. Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết trải qua hơn 5 năm khi bị EU cảnh báo thẻ vàng nhưng vẫn chưa gỡ được và đang có nguy cơ bị nâng lên mức thẻ đỏ. Do đó, đây không phải là vấn đề về đánh bắt cá để sinh sống mà đây là danh dự, uy tín, thể diện của một quốc gia.
Trước mắt, các địa phương cần tập trung cao điểm trong tuyên truyền, bám sát các địa bàn, bám sát từng hộ, từng người dân, tuyên truyền phải cụ thể và thuyết phục và phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các trường hợp vi phạm và nói rõ đây là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng uy tín của quốc gia.
Bên cạnh đó, rà soát và xử lý kiên quyết tất cả các trường hợp vi phạm và xử lý ở mức cao nhất và tập trung thi hành các quyết định xử phạt; nếu thấy cần thiết thì tiến hành cưỡng chế các trường hợp vi phạm để làm răn đe, cảnh tỉnh cho các trường hợp khác.
Ngoài ra, tập trung rà soát các loại tàu, tổ chức điều tra cơ bản để công bố hạn ngạch, phân loại ra, tàu cá nào đánh bắt ở Bình Định, tàu cá nào có nguy cơ khai thác ngoài khơi ra để xây dựng mức độ tuyên truyền cho phù hợp cũng như để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, phương án chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân...
Thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt công khai lên án hành vi vi phạm của chủ tàu tại địa phương và công khai danh sách chủ tàu cá vi phạm IUU trên toàn quốc; hạn chế và chấm dứt không cho chủ tàu khôi phục lại hoạt động nghề khai thác thủy sản; xem xét xử lý hành chính hành vi vi phạm và trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm có tổ chức sẽ xem xét xử lý hình sự..., nhưng tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép bị nước ngoài bắt giữ vẫn chưa chấm dứt hẳn. Từ năm 2020 đến nay có 37 tàu/231 thuyền viên bị các nước trong khu vực bắt giữ. Trong đó đã có 36 tàu được xác định xuất bến từ các tỉnh bạn như: Vũng Tàu, Bình Thuận, Kiên Giang,..
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, hầu hết các tàu cá vi phạm đều làm thủ tục xuất bến ngoài tỉnh, nhiều năm liền chủ tàu không đưa tàu cá về địa phương, dẫn đến khó khăn trong quản lý hoạt động tàu cá. Tàu cá vi phạm chủ yếu là tàu nhỏ có chiều dài dưới 15 mét, tàu cũ, giá trị thấp (đóng mới cách đây từ 15-30 năm), chưa quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Một số ngư dân vì lợi ích kinh tế đã cố tình đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài; đa phần chủ tàu không trực tiếp tham gia khai thác mà thuê thuyền trưởng điều khiển, tự tổ chức đánh bắt. Hơn nữa, việc phân định ranh giới trên biển giữa các nước trong khu vực, đặc biệt ở vùng biển phía Nam của Việt Nam chưa rõ ràng, nên có trường hợp tàu khai thác hải sản ở vùng chồng lấn, vùng đang có tranh chấp đã bị lực lượng tuần tra nước ngoài bắt giữ, đưa về nước họ để xử lý.