Những vấn đề nổi cộm qua tháng hành động vì chất lượng ATVSTP mà cơ quan chức năng thu nhận được là gì, thưa ông?
- Có rất nhiều vấn đề nổi cộm qua tháng hành động vì chất lượng ATVSTP, trong đó, đáng chú ý là vấn đề ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể, các trường học, bệnh viện… Chất lượng của các loại thực phẩm sản xuất trong nước ở các làng nghề, ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, và đặc biệt là tại các hộ gia đình đang là vấn đề “nóng”. Tại sao lại “nóng” ở khu vực này? Là vì người ta sản xuất theo mùa vụ và đặc biệt là ba nhóm điều kiện cho việc đảm bảo ATVSTP chưa đạt tiêu chuẩn (cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị và điều kiện về con người). Bên cạnh đó, vấn đề thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng vẫn còn lưu thông trên thị trường mà chưa được xử lý nghiêm. Các thực phẩm nhập lậu qua biên giới vẫn tuồn vào Việt Nam. Và cuối cùng, vấn đề nhức nhối nhất, là ô nhiễm sinh vật, ô nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản, chất hormone tăng trưởng có trong các nông sản như rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm…
- Có một thực tế là, trong tháng hành động vì chất lượng ATVSTP lại xảy ra nhiều vụ vi phạm. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Phát hiện ra các vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm chủ yếu là do công tác kiểm tra, thanh tra, thông tin báo chí. Tôi không đồng tình với kết luận tháng hành động vì chất lượng ATVSTP lại xảy ra nhiều vụ vi phạm, mà là các vụ vi phạm đã xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, trong tháng hành động này, chúng tôi tập trung cao độ, tiến hành nhiều biện pháp mạnh mẽ thanh, kiểm tra nên phát hiện ra được nhiều hơn. Mặt khác, cũng trong tháng hành động này, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh hơn nên nhiều vụ vi phạm bị phanh phui trên các cơ quan thông tin đại chúng.
- Như ông nói, phải chăng các cơ quan chức năng, trong đó có Cục ATVSTP, đang buông lỏng vấn đề ATVSTP trong những tháng còn lại?
- Không phải buông lỏng, mà thực trạng của hệ thống tổ chức về ATVSTP của chúng ta rất yếu. Thiếu về mạng lưới, thiếu về nhân lực. Một ví dụ là hiện nay, chúng ta chưa có một biên chế nào cho thanh tra chuyên ngành về ATVSTP, trong khi đó, phát hiện vi phạm phải chủ yếu dựa vào thanh tra. Cục ATVSTP không có chức năng kiểm tra. Thực tế thì thanh tra ATVSTP vẫn kiêm nhiệm trong ngành y tế, và cả nước chỉ có khoảng 230 cán bộ thanh tra về y tế, trung bình mỗi tỉnh có 3-4 người, tỉnh nhiều thì có 5 người, trong khi đó, công việc của họ lại rất lớn (thanh tra các cơ sở khám chữa bệnh, thanh tra hành nghề y dược tư nhân, thanh tra ATVSTP…).
- Những vụ việc cụ thể như, óc lợn ngâm hoá chất ở chợ Kim Liên, bánh cuốn, bánh đúc có hàn the ở siêu thị Big C, 552 kg sách bò ngâm hoá chất tại phường Khâm Thiên (Hà Nội)… đã được xử lý như thế nào, và trách nhiệm của Cục ATVSTP đến đâu, thưa ông?
- Những cơ sở vi phạm đó phải chịu xử lý theo Nghị định 45 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cục chỉ đạo cho thanh tra y tế trên địa bàn để xảy ra những vi phạm đó phải xử lý theo quy định, nếu cái nào vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo lên Cục. Các vụ vi phạm về ATVSTP trong thời gian vừa qua, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Thanh tra Y tế Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cũng như UBND nơi quản lý cơ sở vi phạm đó.
- Nhiều ý kiến cho rằng, 8 năm nay, năm nào Bộ Y tế cũng có Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP, nhưng chuyển biến thực sự chưa được bao nhiêu. Chẳng lẽ, năm thứ chín, thứ mười… vẫn còn tình trạng đó, thưa ông?
- Không thể phủ nhận những kết quả của Tháng hành động thường niên vì chất lượng ATVSTP mang lại. Chúng ta không những hạn chế được tình trạng ngộ độc thực phẩm, mà còn tìm ra được nguyên nhân của 87% vụ ngộ độc thực phẩm. Và theo tôi, chưa bao giờ cụm từ ATVSTP lại dành được sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân đến thế! Tuy nhiên, để công tác này thực sự có hiệu quả hơn nữa thì rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, trách nhiệm của những nhà sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng. Đặc biệt, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 06 về tăng cường các biện pháp cấp bách để đảm bảo ATVSTP, trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh một ý rất mới là sẽ xử lý nghiêm đối với những lãnh đạo cơ quan, người đứng đầu các doanh nghiệp, bệnh viện, trường học buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm trong lĩnh vực ATVSTP. Tôi nghĩ, đó sẽ là một cơ sở pháp lý để công tác ATVSTP ngày một tốt hơn.
- Xin cảm ơn ông!./.