Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lạm phát bắt đầu chi phối nhập khẩu cá tra tại các thị trường
28 | 10 | 2022
Gần 2 tỷ USD – kết quả XK cá tra 9 tháng đầu năm 2022 là một con số vượt hơn cả mong đợi của ngành này. Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến XK tháng 9 vừa qua sẽ thấy lạm phát đã tấn công mạnh mẽ vào tất cả các ngành hàng thực phẩm và thủy sản, không loại trừ cá tra.

Dù XK cá tra trong tháng 9 vẫn cao gấp đôi so với cùng thời điểm năm 2021, nhưng là mức thấp nhất kể từ đầu năm. Xu hướng này diễn ra tương tự với tất cả các thị trường NK chính.

Dường như, lạm phát và sự mất giá tiền tệ tại nhiều thị trường NK đã đến giai đoạn ngấm sâu và ảnh hưởng nặng nề đối với tầng lớp người tiêu thụ có mức thu nhập trung bình hoặc thấp, khiến họ phải cân nhắc, tính toán kỹ trong chi tiêu. Do vậy, đây là thời điểm lạm phát làm giảm nhu cầu đối với cả các mặt hàng thực phẩm có giá vừa phải như cá tra, vốn phù hợp với túi tiền của đại đa số người bình dân các nước. 

Ngay cả thị trường Trung Quốc vốn được đánh giá là điểm đến lạc quan nhất của DN cá tra trong những tháng cuối năm, nhưng XK cá tra sang thị trường này trong tháng 9 vẫn thấp hơn so với tháng 8, mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng khủng 190% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 9/2022, Trung Quốc đã NK cá tra Việt Nam với trị giá 49 triệu USD, thấp hơn đáng kể so với 64 triệu USD trong tháng 8 và giảm cả nhu cầu NK với cá tra phile và cá tra nguyên con đông lạnh. Tính đến hết quý III/2022, thị trường này chiếm gần 30% giá trị XK cá tra cả nước với gần 590 triệu USD, tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK cá tra phile chiếm 75% với 441 triệu USD, còn lại là cá tra nguyên con, cắt khúc đông lạnh.  Mặc dù nhu cầu NK của thị trường vẫn rất cao và gần như quay trở về mức như trước đại dịch, nhưng sự rớt giá đồng NDT xuống mức thấp nhất 30 năm so với đồng đô la Mỹ cũng ảnh hưởng mạnh đến các nhà NK nên họ cũng cầm chừng hơn khi mua hàng từ nước ngoài.

Thị trường Mỹ và EU càng khó khăn hơn khi mà lạm phát tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua. Tình hình giá cả tại Mỹ tiếp tục tăng mạnh, sẽ dẫn đến khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ Fed sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát và càng làm cho đồng đô la biến động mạnh, ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. XK cá tra Việt Nam sang Mỹ trong tháng 9 dù tăng 41% nhưng vẫn thấp hơn so với tháng 8. Hết quý III, NK cá tra Việt Nam vào Mỹ đạt 454 triệu USD, tăng 83% so với cùng kỳ và chiếm 23% giá trị XK cá tra của Việt Nam. Trong đó cá tra phile đông lạnh chiếm 96% với 437 triệu USD, cá tra chế biến giá trị gia tăng chiếm 2,2% với gần 10 triệu USD, còn lại là cá tra nguyên con đông lạnh chỉ chiếm 1,6%.

Với thị trường EU, dù còn hơn hai tháng nữa là đến lễ Giáng sinh nhưng giá cá trên thị trường này đã tăng cao. Một số loại cá trước đây có giá rẻ, chẳng hạn như cá hake, hiện đã được bán trong các cửa hàng cá và siêu thị với giá cao hơn 30% so với một năm trước. Lý do: lạm phát tràn lan, giá điện và nhiên liệu tăng chóng mặt, đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển và lưu kho các sản phẩm cá. Đồng Euro cũng xuống mức thấp nhất 20 năm so với đồng USD, càng góp phần làm giảm nhu cầu tiêu thụ cá tại thị trường EU, trong có cá tra. Do vậy, XK cá tra sang EU trong tháng 9 giảm 3 triệu USD so với tháng 8. Tới hết tháng 9/2022, thị trường này NK cá tra Việt Nam với giá trị gần 160 triệu USD, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Do cuộc xung đột Nga – Ukraine, nước Anh cũng giống như EU, phải vật lộn với lạm phát giá và chi phí năng lượng tăng vọt nên kinh tế Anh đối mặt với nguy cơ suy thoái kéo dài. Đồng bảng Anh cũng tụt giá xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985 tới nay. XK cá tra Việt Nam sang Anh 9 tháng đầu năm đạt gần 50 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ hồi phục mạnh trong quý II, nhưng sang quý III NK cá tra lại thấp dần so với những tháng trước.

Dù diễn biến XK trong quý cuối năm có thể không tích cực như những tháng đầu năm, nhưng dự báo XK cá tra năm 2022 vẫn có thể sẽ ghi nhận khoảng 2,5 tỷ USD, mức kỷ lục đáng ghi nhận của ngành cá tra Việt Nam.



Theo Vasep
Báo cáo phân tích thị trường