Nguồn nongnghiep.vn
Ngày 23/8, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo “Cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng và khai thác thủy sản”. Đây là hội thảo thứ hai trong chuỗi sự kiện quốc tế “Agritechnica Asia Live 2022” với chủ đề “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững” của ngành nông nghiệp.
Cơ giới hóa ở hầu hết các công đoạn
Ông Vương Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện nay đã từng bước hình thành được những vùng nuôi tôm lớn theo hình thức ao lót bạt giảm được rất nhiều rủi ro. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản được áp dụng từ khâu cải tạo ao ban đầu đến khâu thu hoạch tôm nuôi. Tuy nhiên, để cơ giới hóa thuận lợi trong nuôi trồng thủy sản rất cần phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng.
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp và địa phương trong vùng ĐBSCL, hiện nay hoạt động sản xuất nuôi trồng, khai thác và chế biến thuỷ sản đã ứng dụng cơ giới hóa hầu như ở tất cả các công đoạn. Cụ thể như trong khâu thiết kế ao, người nuôi sử dụng xe cuốc, xe ủi để đào ao mới. Đối với ao cải tạo thì sử dụng máy cào bùn, máy bơm nước loại bỏ bùn đáy ao và chất hữu cơ dư thừa từ vụ nuôi trước để chuẩn bị cho vụ mới.
Ở khâu chăm sóc tôm, sử dụng thiết bị sàn cho ăn tự động nhằm rải đều thức ăn và giảm công lao động. Đồng thời giảm thất thoát thức ăn khi ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi. Với khâu quản lý, kiểm soát các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, lượng oxy hòa tan bằng thiết bị giám sát chất lượng môi trường nước, hệ thống quan trắc tự động.
Đặc biệt, trong mô hình ương nuôi tôm nhiều giai đoạn sử dụng hệ thống máy sang tôm tự động trong các trang trại lớn một cách chuyên nghiệp, giảm stress cho tôm post. Các Công ty còn sử dụng máy đếm để kiểm soát tôm xuất bán được chính xác về số lượng và giúp tôm không bị stress.
Đối với điện sản xuất là một nhu cầu không thể thiếu, nhất là nuôi thâm canh và siêu thâm canh. Hiện nay, một số trang trại nuôi tôm lớn đã triển khai lắp đặt hệ thống điện năng lương mặt trời, qua đó cải thiện tình trạng thiếu điện sản xuất.
Riêng việc ứng dụng cơ giới hóa trong khai thác thủy sản, phổ biến nhất hiện nay là dùng máy tời thu và thả lưới. Hệ thống cẩu đã được lắp đặt hầu hết cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Việc ứng dụng này đã hỗ trợ tăng năng suất, giảm lao động và hướng đến phát triển nghề cá hiện đại.
Trong khâu bảo quản, chế biến thủy sản đa số các doanh nghiệp đều ứng dụng một cách đồng bộ. Điển hình như sử dụng hệ thống tự động đếm, phân loại trên băng chuyền. Hệ thống tự động đánh vẩy, bóc tách xương, thịt cá đảm bảo chất lượng của nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu của thị trường và nâng cao giá trị gia tăng.
Tiến tới nuôi trồng thuỷ sản thông minh
Theo một số chuyên gia phân tích, nuôi trồng thuỷ sản trên thế giới và Việt Nam đã và đang trải qua 3 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 là nuôi trồng thuỷ sản truyền thống chủ yếu ở quy mô nông hộ, không sử dụng máy móc và dựa vào kinh nghiệm của người nuôi. Giai đoạn 2 đã chuyển sang cơ giới hóa dựa vào máy móc cơ khí và điện. Giai đoạn 3 là sản xuất tự động, sử dụng công nghệ IoT (Internet of things) để quản lý phần mềm máy tính cho ra một số tính năng tự động hoá trong nuôi trồng thuỷ sản. Giai đoạn này được biết đến là nuôi trồng thuỷ sản thông minh.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận xét: Đối với cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng và khai thác thủy sản bước đầu đã đạt được những kết quả ở từng khâu. Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, Tổng Cục thủy sản đã đưa ra một số đề xuất và kiến nghị để đẩy mạnh cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản.
Nhà nước cần tháo gỡ khó khăn liên quan đến Luật Đất đai trong việc dồn điền đổi thửa, tạo vùng sản xuất nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn để đáp ứng yêu cầu và tăng cơ hội ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất. Ưu tiên lựa chọn những đề tài, dự án gắn với doanh nghiệp để nghiên cứu, sản xuất và cung ứng thiết bị, máy móc cho sản xuất nuôi trồng thủy sản. Xây dựng một số dự án thí điểm ứng dụng công nghệ để quản lý cơ sở nuôi lồng bè, đối tượng chủ lực đã được cấp mã số nhận diện.
Các địa phương cần rà soát quy hoạch, xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến, cung ứng vật tư. Đầu tư hạ tầng đồng bộ nhằm tạo điều kiện cho cơ sở nuôi ứng dụng nhanh cơ giới hóa vào các khâu từ sản xuất - bảo quản - chế biến - vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.
Các đơn vị nghiên cứu cần tập trung ứng dụng các chủng loại máy, thiết bị đặc thù phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm thủy sản để thay thế máy móc, hệ thống linh kiện nhập khẩu, đảm bảo hiệu quả ở quy mô lớn và quy mô nhỏ. Hình thành các tổ chức cung cấp dịch vụ cơ giới, tự động với chi phí phù hợp, áp dụng trên diện tích rộng và chia sẻ thông tin về hiệu quả khi sử dụng máy móc, hệ thống tự động hóa trong nuôi trồng thủy sản.
Một số khó khăn, tồn tại khi ứng dụng công nghệ mới để cơ giới hóa
Một số khó khăn, tồn tại khi ứng dụng công nghệ mới để cơ giới hóa khai thác, bảo quản thủy sản trên tàu cá:
Thứ nhất, tàu cá xa bờ của nước ta chủ yếu là tàu nhỏ và vừa, công suất < 800cv.
Thứ hai, đầu tư cho thiết bị khai thác, bảo quản hải sản trên tàu cá chi phí cao, do vật liệu phải chịu được sự khắc nghiệt của môi trường nước biển, thời tiết (sóng gió, nước mặn...).
Thứ ba, trình độ lao động (ngư dân) trên tàu cá còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội (10,5% lao động có trình độ văn hóa trung học phổ thông, 57,5% trung học cơ sở, 30,5% tiểu học và 1,5% mù chữ. Trình độ nghề nghiệp 5,9% ngư dân được đào tạo bài bản, 39% được đào tạo, tập huấn ngắn hạn và 55,1% chưa được đào tạo mà làm nghề theo kinh nghiệm "cha truyền con nối".
Thứ tư, tiến độ ứng dụng các công nghệ mới còn chậm do điều kiện kinh tế và nhận thức của chủ tàu, ngư dân chưa cao.
Thứ năm, cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức/ngư dân đầu tư ứng dụng công nghệ mới để cơ giới hóa khai thác, bảo quản trên tàu cá xa bờ; bởi vì đầu tư công nghệ mới trên tàu cá hoạt động trên biển bao giờ cũng khó khăn, rủi ro hơn trên đất liền.
(TS. Nguyễn Xuân Thi, Phân Viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam)