Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhập khẩu tôm của Mỹ tháng 6/2022 tiếp tục chững
18 | 08 | 2022
(vasep.com.vn) Tháng 6/2022, Mỹ NK 77.254 tấn tôm, trị giá 719,14 triệu USD, tương đương 9,31 USD/kg. Khối lượng NK tôm của Mỹ trong tháng 6 chỉ cao hơn 224 tấn, tương đương với mức tăng trưởng 0,3% so với tháng 6/2021 và tăng 2% so với tháng 5/2022.

Sau khi tăng mạnh NK tôm trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, NK tôm của Mỹ đã chững lại trong tháng 5 và 6 năm nay. Nguyên nhân được cho là, sau thời gian tăng trưởng sẽ dẫn tới tồn kho cao và giá tôm cũng phải chịu áp lực. Các vấn đề về logistics, vận tải như tắc cảng, giá cước vận chuyển tăng, thiếu kho lạnh cũng khiến NK tôm của Mỹ giảm. Sức mua thủy sản trong đó có tôm tại phân khúc bán lẻ cũng giảm do hiện là mùa hè, người dân có nhiều việc khác để quan tâm hơn.

Lạm phát tại Mỹ khiến người dân chi tiêu dè dặt. Tuy nhiên thời gian tới, tình hình sẽ khả quan hơn khi thị trường việc làm Mỹ đang mạnh. Việc làm không thiếu sẽ khiến thu nhập của người dân tốt hơn và có thể thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng đối với tôm.

Chuyên gia dự báo giá tôm sẽ chịu áp lực giảm trong nửa cuối năm 2022 trong bối cảnh nguồn cung dự kiến tăng và nhu cầu thế giới thấp hơn trong khi dự báo kinh tế thế giới ảm đạm. Trong tháng 7 năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến tăng trưởng kinh tế thế giới là 3,4%, giảm 0,4% so với dự báo hồi tháng 4.

Giá tôm thế giới dự kiến chạm đáy nửa sau năm 2022 sau đó phục hồi trở lại khi người nuôi có sự điều chỉnh và thích ứng. Mỹ là thị trường tiêu thụ quan trọng nhất nên giá tôm tại Mỹ sẽ phản ánh nhanh nhất xu hướng của giá tôm thế giới.

Tháng 6/2022, NK tôm vào Mỹ từ Ấn Độ đạt 31.547 tấn, trị giá 289,7 triệu USD, tăng 21% về lượng và 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng tôm của  Ấn Độ dự kiến giảm trong vài tháng tới vì người nuôi trì hoãn thả nuôi do chi phí đầu vào cao, nhu cầu hạn chế và thời tiết bất lợi. Vụ tôm thứ hai trong năm nay của Ấn Độ, thông thường thu hoạch vào tháng 8 và 9, dự kiến sản lượng sẽ giảm chỉ bằng 50% so với với vụ thu hoạch đầu năm.

NK từ 2 nguồn cung tôm lớn tiếp theo của Mỹ là Ecuador và Indonesia cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. NK tôm vào Mỹ từ Ecuador trong tháng 6/2022 đạt 19.614 tấn, trị giá 147 triệu USD, giảm 13% về khối lượng và 9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá NK trung bình tôm từ Ecuador đạt 7,17 USD/kg, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

NK tôm vào Mỹ từ Ecuador có thể tiếp tục giảm do giá tôm giảm trong bối cảnh châu Âu và Mỹ đang phải đối phó với lạm phát và Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng thị trường bất động sản. Ecuador sẽ XK nhiều tôm hơn sang Trung Quốc, do vậy XK tôm nói chung của Ecuador vẫn tăng.

Việt Nam là nguồn cung tôm lớn thứ 4 cho Mỹ. Theo Hải quan Việt Nam, XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong nửa đầu năm nay đạt gần 483 triệu USD, tăng 10%.

Trong cơ cấu các sản phẩm tôm XK sang Mỹ, tôm chân trắng chiếm tỷ trọng cao nhất 88,8%, tỷ trọng tôm sú chiếm 7,9%, còn lại là tôm biển. Trong cơ cấu sản phẩm tôm sú và tôm chân trắng XK từ Việt Nam sang Mỹ, tôm sú chế biến tăng tốt nhất 27%.

6 tháng đầu năm 2022, giá trung bình XK tôm chân trắng từ Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng lên 11,9 USD/kg từ 10,9 USD/kg của cùng kỳ năm ngoái, giá trung bình XK tôm sú tăng lên 20,3 USD/kg từ 19,2 USD/kg của cùng kỳ năm ngoái. Đây được coi là một trong những yếu tố giúp duy trì đà tăng trưởng XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2022.



Theo Vasep
Báo cáo phân tích thị trường