Nguồn cafef.vn
VASEP cho biết, lạm phát đang làm giảm nhu cầu của các thị trường nên xuất khẩu thủy sản sang các thị chính trong tháng 9 đều tăng trưởng chậm lại. Tuy vậy, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 9 vẫn ước đạt trên 850 triệu USD (tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái).
Đóng góp cho sự tăng trưởng của ngành, cá tra vẫn giữ mức tăng trưởng cao nhất, đạt hơn 160 triệu USD (tăng 97%), xuất khẩu tôm đạt gần 350 triệu USD (tăng 13%), cá ngừ tăng 44%, mực, bạch tuộc tăng 40% và các loại cá biển khác tăng 55%.
Theo VASEP, tính đến hết tháng 9, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đã chạm mốc 8,5 tỷ USD (tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, xuất khẩu tôm mang về gần 3,4 tỷ USD (tăng 23%), cá tra cũng thu về gần 2 tỷ USD (tăng 82%), các sản phẩm hải sản đạt gần 3,2 tỷ USD (tăng 33%).
Về thị trường, Mỹ tiếp tục là quốc gia nhập khẩu thủy sản Việt Nam nhiều nhất với gần 1,8 tỷ USD, (tăng 22%). Các nước trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng nhập thủy sản Việt Nam gần 2,2 tỷ USD (tăng 41%).
Đáng chú ý nhất là thị trường Trung Quốc, dù chính sách kiểm dịch COVID-19 của nước này chặt chẽ, gây khó khăn trong công tác vận chuyển, song đây vẫn là thị trường trọng điểm của các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong 9 tháng, Trung Quốc là thị trường có tốc độ nhập khẩu thủy sản Việt Nam cao nhất với con số hơn 1,3 tỷ USD (tăng 76%). Ngoài ra, thị trường châu Âu cũng có bước đột phá khi vượt 1 tỷ USD (tăng 41%).
Theo VASEP, với kết quả tích cực trong 9 tháng, chỉ cần hết tháng 11, ngành thuỷ sản Việt Nam có thể chạm mốc 10 tỷ USD như kỳ vọng của toàn ngành và mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt ra, mức cao nhất trong lịch sử xuất khẩu thủy sản.