Theo Cục Xúc tiến Xuất khẩu thủy sản Ấn Độ (MPEDA), từ tháng 4-tháng 10/2007, Ấn Độ đã xuất khẩu 265.889 tấn thủy sản, trị giá 42,82 tỷ rupi, giảm so với 333.834 tấn trị giá 49,90 tỷ rupi cùng kỳ năm trước. Tính theo USD, giá trị xuất khẩu giảm từ 1,091 tỷ USD xuống 1,089 tỷ USD.
Mặc dù đồng rupi tăng giá khoảng 13% so với USD kể từ đầu năm tài chính, nhưng kim ngạch xuất khẩu tính theo rupi không giảm mạnh vì giá trung bình tăng 21% từ 3,27 USD lên 3,96 USD/kg.
Trong khi xuất khẩu tôm không giảm mạnh (tôm chiếm gần 32% khối lượng xuất khẩu thủy sản), nhưng lại có sự sụt giảm đáng kể về xuất khẩu cá đông lạnh (chiếm 33,36% xuất khẩu), mực nang (chiếm 10%) và mực ống (chiếm 7%).
Ông A.J. Tharakan, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Ấn Độ (SEAI), tỏ ra lo ngại về sự tăng giá của đồng rupi. Nếu Ấn Độ muốn cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu họ sẽ phải cung cấp thủy sản nuôi và khai thác tự nhiên để chế biến với giá thấp hơn. Đây là 1 việc khó khăn vì họ không thể đẩy toàn bộ gánh nặng sang cho ngư dân, vì vậy xuất khẩu giảm.
Các đối thủ cung cấp cạnh tranh như Bănglađét, Việt Nam và Pakistan có thể dựa vào một số loài thủy sản khác ngoài tôm, để tạo ưu thế cạnh tranh. Tôm sú Ấn Độ có giá khoảng 170-180 rupi (4,34 - 4,59 USD)/kg, không thể cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu khi mà tôm chân trắng sản xuất ở Thái Lan, Việt Nam và Inđônêxia có giá 80-90 rupi (2,04-2,29 USD)/kg.
Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa thực hiện kế hoạch giảm thuế dịch vụ đối với các hoạt động tìm kiếm nguyên liệu từ nước ngoài cho ngành xuất khẩu thủy sản. Ngành này có nhiều nhu cầu nhập khẩu tôm nguyên liệu để sản xuất tôm thịt và chế biến.
Chủ tịch SEAI cho rằng các cơ sở chế biến mua ít thủy sản hơn để xuất khẩu vì họ chờ chính phủ hỗ trợ ngành đối phó với sự tăng giá đồng rupi, lập một loạt cơ sở hạ tầng kho lạnh trên cả nước và tìm cách tăng tiêu thụ trong nước.