Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC THÁNG 11/2022
16 | 12 | 2022

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) chính của Việt Nam sang Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 8,46 tỷ USD, tăng 11,66% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu NLTS từ Trung Quốc đạt 3,16 tỷ USD, tăng 23,73%. Tính riêng tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu NLTS chính đạt 994,12 triệu USD, tăng 19,2% so với tháng trước và tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 10/2022 là cao su (chiếm 24,3%), gỗ và sản phẩm từ gỗ (chiếm 20,9%), rau quả (chiếm 15,3%), thủy sản (chiếm 14,2%), sắn và sản phẩm từ sắn (chiếm 9,0%), gạo (chiếm 6,4%), hạt điều (chiếm 5,2%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (chiếm 3,2%). So với tháng 9/2022, xuất khẩu một số mặt hàng NLTS tăng cao là: rau quả (tăng 64,4%), hạt điều (tăng 45,3%), cà phê (tăng 40,0%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 33,3%), gạo (tăng 26,1%); v.v. trong khi đó chỉ có mặt hàng thủy sản giảm 3,6%. So với cùng kỳ, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng là: chè (tăng 248,8%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 91,4%), gạo (tăng 75,0%), thủy sản (tăng 59,8%), rau quả (tăng 43,9%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 22,4%), sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 15,1%), cà phê (tăng 4,5%), cao su (tăng 2,3%); trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là: mây tre đan (giảm 36,6%), hạt điều (giảm 14,4%), v.v.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tính đến 20h00 ngày 12.12.2022, tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh là 345 xe, trong đó xe chở hoa quả là 254 xe hoa quả và 91 xe hàng khác. Cụ thể: (i) tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, còn tồn 105 xe (06 xe tại khu trung chuyển và 99 xe tại cửa khẩu Hữu Nghị), trong đó có 95 xe hoa quả; (ii) tại cửa khẩu phụ Tân Thanh còn tồn 221 xe (tại bãi Bảo Nguyên 174 xe, khu phi thuế quan 47 xe), trong đó có 150 xe hoa quả (148 xe chở bằng container lạnh, 02 xe nóng), 71 xe tinh bột sắn; (iii) tại cửa khẩu chính Chi Ma còn tồn 10 xe hạt sen, tinh bột sắn, hạt tiêu, v.v.

Theo dữ liệu Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố vào hôm 15/11,  doanh số bán lẻ trên toàn Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ ngành dịch vụ nhà hàng, chiếm 1/10 tổng thu nhập, giảm 8,1%; doanh số hàng điện tử tiêu dùng và quần áo cũng giảm. Tiêu dùng tiếp tục ở mức thấp trong tháng 11, từ đầu tháng tới ngày Lễ Độc thân (11/11) - ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất năm tại Trung Quốc, số lượng đơn hàng giao tận nơi giảm 11% so với cùng giai đoạn năm 2021. Thị trường bất động sản Trung Quốc đang gặp khó khăn do các quy định chặt chẽ hơn và dự kiến không thể phục hồi trong tương lai gần. Vào tháng 10, doanh số bán nhà tính theo m2 đã giảm hơn 20% so với một năm trước đó.

Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, chỉ trong ngày 26/11, nước này ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục là 39.791 ca. Đây cũng là ngày thứ tư liên tiếp Trung Quốc có số ca Covid-19 mới hàng ngày cao kỷ lục. Theo Capital Economics, các đợt bùng phát dịch mới đã triệt tiêu những tác động tích cực từ việc nới lỏng chính sách phòng dịch trong thời gian qua.

Tập đoàn tài chính Nomura hiện đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quí 4 từ 2,8% xuống 2,4%. Mức tăng trưởng kinh tế của cả năm 2022 cũng bị hạ từ 2,9% xuống còn 2,8%. Trong khi đó, các nhà kinh tế của Macquarie cho rằng tác động kinh tế của đợt bùng phát dịch lần này sẽ ít nghiêm trọng hơn so với đợt bùng phát trên toàn quốc hồi tháng 4 và tháng 5, nhưng thiệt hại vẫn là rất nặng nề. Sự sụt giảm các hoạt động kinh tế cũng được thể hiện rõ nét ở số lượng các chuyến bay nội địa, các chuyến tàu điện ngầm, doanh thu phòng vé và diện tích sàn bất động sản được bán ra. Reuters cảnh báo về sự suy giảm mạnh hơn dự kiến của kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng nội địa, sẽ ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc – những nước đang xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỉ đô la sang nước này.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng lương thực toàn quốc năm 2022 đạt mức kỷ lục mới là 686,53 tỷ kg, tăng 0,5% so với năm trước. Con số này đánh dấu năm thứ tám liên tiếp tổng sản lượng ngũ cốc của nước này vượt quá 650 triệu tấn. Năm nay tổng diện tích đất canh tác của Trung Quốc đạt 1,775 tỷ mu (118,33 triệu ha), tăng 0,6% so với năm ngoái.

Dự án dây chuyền lạnh của Trung tâm Logistics Quốc tế Nam Sa, tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc có diện tích 208.000m2, với công suất kho lạnh dự kiến ​​là 460.000 tấn. Giai đoạn đầu sẽ mở một kho chứa chuyên dụng rộng 54.600m2. Đây là kho chứa lớn nhất hiện nay tại Trung Quốc. Khu vực cảng Nam Sa, Quảng Châu đã mở 182 tuyến tàu, trong đó có 150 tuyến tàu thương mại nước ngoài. Tại đây, hàng hóa có thể được phân phối và chuyển tải nhanh chóng thông qua vận tải kết hợp đường sắt, đường thủy và đường bộ. Hàng hóa từ dây chuyền lạnh nhập khẩu đã được thông quan và xuất xưởng có thể đến tất cả các thành phố lớn trong vòng 1 giờ và có thể đến tất cả các vùng của đất nước trong vòng 24 giờ. 

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường