Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) chính của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2021 đạt 9,55 tỷ USD, tăng 13,92% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch nhập khẩu NLTS từ Trung Quốc đạt 3,59 tỷ USD, tăng 18,43%. Tính riêng tháng 12/2021, kim ngạch xuất khẩu NLTS chính đạt 985,62 triệu USD, tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 12/2021 là cao su (chiếm 32,7%), rau quả (chiếm 15,6%), gỗ và sản phẩm từ gỗ (chiếm 12,9%), thủy sản (chiếm 11,8%), sắn và sản phẩm từ sắn (chiếm 10,9%), hạt điều (chiếm 5,3%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (chiếm 4,9%). So với tháng 11/2021, xuất khẩu một số mặt hàng NLTS tăng cao là: mây tre đan (tăng 51,6%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 44,6%), rau quả (tăng 22,9%), cao su (tăng 20,9%), cà phê (tăng 20,5%); trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là chè (giảm 25,2%), gạo (giảm 19,6%), hạt điều (giảm 14,3%), sắn và sản phẩm từ sắn (giảm 11,1%). So với cùng kỳ, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao là: thịt và sản phẩm thịt (tăng 190,6%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 113,3%), thủy sản (tăng 51,0%), cao su (tăng 17,0%), mây tre đan (tăng 13,8%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 6,9%), rau quả (tăng 4,4%); các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là chè (giảm 66,3%), sắn và sản phẩm từ sắn (giảm 21,9%), hạt điều (giảm 13,5%), gạo (giảm 10,6%). (Chi tiết tại phụ lục đính kèm)
Vào 6h sáng ngày 17/2/2022, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai nhận được thông tin từ Ban Quản lý cửa khẩu huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) thông báo ngừng hoạt động nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Hà Khẩu - Lào Cai từ ngày 17/2/2022 do phía Hà Khẩu phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới từ nội địa, dự kiến sẽ phong tỏa huyện Hà Khẩu và tiến hành xét nghiệm toàn dân. Thời gian nhận hàng trở lại chưa được thông báo, riêng việc trả xe thùng rỗng vẫn tiếp tục thực hiện.
Ngày 14/2/2022, Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn đã công văn gửi sở công thương 63 tỉnh thành, về việc tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ của địa phương này từ ngày 16/2/2022 đến hết ngày 25/2/2022. Tính đến sáng ngày 12/2, tổng lượng xe hàng chờ xuất khẩu tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đạt 1.646 xe, trong đó 1.390 xe chở hoa quả tươi, chiếm gần 85% tổng số xe hàng chờ xuất khẩu. Trung bình mỗi ngày chỉ thông quan thành công được khoảng 70-90 xe/ngày. Trong khi đó, xe chở hàng hóa xuất khẩu từ nội địa lên khu vực cửa khẩu để chờ xuất có xu hướng tăng, trung bình đạt 160-180 xe/ngày, chủ yếu là hoa quả tươi như thanh long, dưa hấu, mít, xoài.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, trên toàn tuyến biên giới đất liền của Việt Nam – Trung Quốc có 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ, 37 lối mở biên giới nhưng trước tết Nguyên Đán chỉ có 11 cửa khẩu, lối mở hoạt động, sau tết Nguyên Đán chỉ có 9 cửa khẩu, lối mở đang hoạt động.
Theo Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam, tính đến ngày 8/2/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 1.528 mã sản phẩm nông sản thực phẩm cho các doanh nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên hiện còn một số doanh nghiệp gặp vướng mắc, đăng ký đúng quy trình hướng dẫn mà chưa được cấp mã sản phẩm.
Theo số liệu công bố ngày 17/1/2022 của Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc, tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm 2021 của Trung Quốc là 114.367 tỷ nhân dân tệ (khoảng 17.993 tỷ USD), tăng 8,1% so năm 2020 và tăng trưởng bình quân 5,1% trong hai năm qua. Tính theo các quý, quý I tăng 18,3%, quý II tăng 7,9%, quý III tăng 4,9% và quý IV tăng 4,0% so cùng kỳ năm 2020. Tính theo ngành nghề, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp là 8.308,6 tỷ nhân dân tệ, tăng 7,1%; ngành công nghiệp là 45.090,4 tỷ nhân dân tệ, tăng 8,2%; ngành dịch vụ là 60.968 tỷ nhân dân tệ, tăng 8,2% so năm 2020.
Theo đánh giá của cơ quan thống kê Trung Quốc, năm 2021, nền kinh tế nước này tiếp tục phục hồi ổn định, bảo đảm cả phát triển kinh tế và phòng, chống Covid-19, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều đạt mục tiêu đề ra. Năm 2022, trong bối cảnh môi trường quốc tế phức tạp và nhiều bất ổn, kinh tế Trung Quốc sẽ đứng trước sức ép từ nhu cầu giảm, tác động nguồn cung, v.v. Trung Quốc cần phải thúc đẩy phát triển chất lượng cao, xử lý tốt bài toán phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo dự báo đầu tiên năm 2022 của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), tăng trưởng của Trung Quốc có khuynh hướng “bị chững lại” thậm chí giảm xuống còn 4,8% cho cả năm 2022 sau khi đã đạt mức tăng trưởng 8,1% trong năm 2021 do khủng hoảng dịch tễ kéo dài, biến thể Omicron và chính sách Zero-Covid của Trung Quốc bắt đầu làm tê liệt một phần các hoạt động kinh tế.
Theo Phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Lưu Quế Bình (Liu Guiping), trong thời gian sắp tới Trung Quốc phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: (i) hiện tượng các doanh nghiệp nước ngoài di dời cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc vì những lý do kinh tế hay chính trị; (ii) Trung Quốc bắt đầu thiếu linh kiện bán dẫn; (iii) virus corona với những tác động khó lường đối với cả kinh tế toàn cầu lẫn bản thân Trung Quốc; (iv) lạm phát và (v) Châu Âu - Mỹ bắt đầu siết lại chính sách tiền tệ và hậu quả kèm theo là vốn nước ngoài rời khỏi Trung Quốc.
Báo cáo chi tiết xem tại đây.