Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) chính của Việt Nam sang Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2021 đạt 7,65 tỷ USD, tăng 15,58% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch nhập khẩu NLTS từ Trung Quốc đạt 2,89 tỷ USD, tăng 23,11%. Tính riêng tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu NLTS chính đạt 760,6 triệu USD, tăng 10,2% so với tháng trước và giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 10/2021 là cao su (chiếm 31,1%), gỗ và sản phẩm từ gỗ (chiếm 14,3%), rau quả (chiếm 13,9%), thủy sản (chiếm 11,6%), sắn và sản phẩm sắn (chiếm 10,2%), hạt điều (chiếm 7,9%), gạo (chiếm 4,8%). So với tháng 9/2021, xuất khẩu một số mặt hàng NLTS tăng cao là: mây tre đan (tăng 71,3%), cà phê (tăng 51,3%), thủy sản (tăng 31,3%), sản phẩm từ cao su (tăng 24,1%), cao su (tăng 18,6%), rau quả (tăng 13,2%); trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là gạo (giảm 24,3%), chè (giảm 14,1%), sắn và sản phẩm từ sắn (giảm 3,7%). So với cùng kỳ, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng là gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 38,0%), cà phê (tăng 32,9%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 22,5%), cao su (tăng 11,2%); trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là thủy sản (giảm 44,0%), chè (giảm 37,5%), mây tre đan (giảm 32,1%), hạt điều (giảm 31,9%), sản phẩm từ cao su (giảm 31,6%), gạo (giảm 12,4%), rau quả (giảm 11,6%).
Theo McKinsey & Co, giá trị tài sản ròng trên toàn thế giới đã tăng từ 156.000 tỉ USD vào năm 2000 lên 514.000 tỉ USD vào năm 2020. Trung Quốc chiếm gần 1/3 mức tăng, tăng từ 7.000 tỉ USD vào năm 2000 lên 120.000 tỉ USD vào năm 2020. Trong khi đó, giá trị tài sản ròng của Hoa Kỳ tăng gấp đôi cũng trong giai đoạn trên, lên 90.000 tỉ USD. Như vậy, Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ để trở thành quốc gia giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, theo chuyên gia Simon Baptist, Cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu (EIU), Trung Quốc có thể phải mất hàng chục năm nữa mới có thể theo kịp Hoa Kỳ về mức độ giàu có tính theo GDP trên đầu người.
Theo Lãnh đạo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 10/2021 nhìn chung tăng trưởng khá ổn định và tiếp tục phục hồi một cách bền vững, đảm bảo giá cả ổn định và hỗ trợ tốt nhất cho các thành phần kinh tế. Giá trị gia tăng công nghiệp tăng 10,9% so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất ngành dịch vụ tăng 15,1%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng tăng 14,9% và tổng xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 22,2%, v.v.
Việc thị trường bất động sản - vốn đóng góp tới 25% GDP của Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng ảm đạm đã khiến hoạt động đầu tư trong tháng 10/2021 chậm lại đáng kể. Bên cạnh đó, lạm phát gia tăng cũng đang gây sức ép lên nền kinh tế Trung Quốc. Việc giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài tăng, nguồn cung năng lượng và nguyên liệu trong nước bị thắt chặt đã buộc các nhà sản xuất công nghiệp phải tăng giá sản phẩm. Các chuyên gia cảnh báo, nếu dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo theo các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, chuỗi cung ứng và hoạt động tiêu dùng tại Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn trong thời gian tới.
Theo kết quả khảo sát của Bloomberg, dịch bệnh và các biện pháp thắt chặt kiểm soát thị trường bất động sản sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục chậm lại, chỉ đạt 3,5% trong quý IV năm nay. Điều này có thể khiến giới chức Trung Quốc cân nhắc thúc đẩy chi tiêu tài khóa trong giai đoạn cuối năm để ổn định xu hướng suy yếu trong đầu tư và hỗ trợ nền kinh tế.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc khởi động dự án trị giá 1,1 triệu USD nhằm hỗ trợ kỹ thuật để cải thiện sản xuất và thương mại hóa chuỗi giá trị trái cây ở Sri Lanka. Dự án ưu tiên nâng cao năng suất, sản xuất và thương mại hóa ba chuỗi giá trị trái cây chuối, xoài và dứa tại các địa phương Kalutara, Gampaha, Moneragala, Anuradhapura và Kilinochchi ở Sri Lanka.
Báo cáo chi tiết xem tại đây.