Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) chính của Việt Nam sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 3,90 tỷ USD, tăng 29,34% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch nhập khẩu NLTS từ Trung Quốc đạt 1,44 tỷ USD, tăng 29,66%. Tính riêng tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu NLTS chính đạt 805,57 triệu USD, giảm 1,5% so với tháng trước và tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 5 là rau quả (chiếm 23,2%), gỗ và sản phẩm từ gỗ (chiếm 18,5%), thủy sản (chiếm 11,9%), cao su (chiếm 10,7%), sắn và sản phẩm sắn (chiếm 9,7%), hạt điều (chiếm 8,9%), gạo (chiếm 7,3%). So với tháng 4/2021, xuất khẩu một số mặt hàng NLTS tăng cao là: cao su (tăng 54,7%), hạt điều (tăng 53,7%), thịt và sản phẩm từ thịt (tăng 42,1%); trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là rau quả (giảm 27,1%), chè (giảm 15,2%), gỗ và sản phẩm gỗ (giảm 12,8%). So với cùng kỳ, hầu hết các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, nhiều nhất là thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 275%), thịt và sản phẩm thịt (tăng 167,3%), hạt điều (tăng 61,3%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 49,5%); các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là gạo (giảm 40,6%), thủy sản (giảm 25,7%), chè (giảm 1,6%). (Chi tiết tại phụ lục đính kèm)
Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 8/6 đã nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2021 lên 8,5% (cao hơn mức 7,9% ở dự báo trước đó). Nền kinh tế Trung Quốc vốn không bị suy giảm vào năm ngoái, dự kiến sẽ tăng trưởng vững chắc trong năm 2021. Tăng trưởng tiêu dùng được dự báo sẽ dần trở lại xu hướng trước khi dịch Covid-19 bùng phát, do sự phục hồi của thị trường lao động, thu nhập hộ gia đình tăng và niềm tin của người tiêu dùng được cải thiện.
Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng trong tháng 5 của Trung Quốc tăng 12,4% so với cùng kỳ, chủ yếu do thay đổi cơ sở trong cùng kỳ và giảm 5,3 điểm phần trăm so với tháng 4. So với cùng kỳ năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 9,3% và cao hơn mức tăng 0,5 điểm phần trăm so với tháng 4. Nhìn chung, thị trường tiêu dùng duy trì xu hướng phục hồi tốt trong tháng 5. Tuy nhiên, phục hồi hoạt động tiêu thụ ăn uống còn thấp, áp lực lây nhiễm dịch bệnh từ nước ngoài còn cao, dịch bệnh vẫn xảy ra ở một số khu vực và sự phục hồi của thị trường tiêu thụ còn nhiều bất ổn. Trong giai đoạn tiếp theo, khi công tác phòng chống dịch trở nên chính xác và hiệu quả hơn, các chính sách và biện pháp thúc đẩy tiêu dùng toàn diện có hiệu lực hơn, thị trường tiêu thụ được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi tốt.
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố ngày 30/6, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc trong tháng 6 là 50,9%, giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước. Ngành sản xuất tiếp tục phát triển mở rộng ổn định. Xét theo quy mô doanh nghiệp, chỉ số PMI của doanh nghiệp lớn và vừa là 51,7% và 50,8%, giảm 0,1 và 0,3 điểm phần trăm so với tháng trước; chỉ số PMI của doanh nghiệp nhỏ là 49,1 %, tăng 0,3 điểm phần trăm so với tháng trước. Chỉ số hoạt động phi sản xuất kinh doanh là 53,5%, giảm 1,7 điểm phần trăm so với tháng trước, và sự mở rộng của các ngành phi sản xuất suy yếu.
Thị trường trái cây nhập khẩu toàn cầu đã phải hứng chịu những hậu quả tiêu cực của đại dịch Covid-19 kể từ khi bùng phát vào đầu năm ngoái. Thủ tục thông quan kéo dài làm chậm tốc độ xử lý tại các cảng và diễn biến của đại dịch dẫn đến những thay đổi đột ngột trong chính sách thương mại và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của các nước. Những yếu tố không thể dự đoán trước này làm tăng đáng kể rủi ro thương mại và làm tăng thêm chi phí hoạt động, gây ra sự bất ổn trong tương lai của thương mại trái cây quốc tế. Trái cây nội địa Trung Quốc đã có những tiến bộ ấn tượng về chất lượng cũng như sự đa dạng của sản phẩm và công nghệ trồng trọt được cải tiến, phương pháp đóng gói và những phát triển đổi mới khác. Chất lượng trái cây trong nước đang dần bắt kịp trái cây nhập khẩu.
Theo dự báo của Văn phòng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) tại Trung Quốc, sản lượng đậu tương niên vụ 2021/22 giảm xuống 17,5 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với niên vụ trước do nông dân chuyển đổi diện tích sang trồng ngô. Trước tình hình giá ngô nội địa tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 năm và trợ cấp cho nông dân trồng ngô gía tăng, nông dân đang chuyển từ trồng đậu tương sang trồng ngô, đặc biệt tại khu vực vành đai ngũ cốc đông bắc Trung Quốc.
Báo cáo chi tiết xem tại đây.