Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Báo cáo Tình hình và Triển vọng kinh tế thế giới năm 2021 của Liên hợp quốc công bố ngày 11/5 cho biết, sự phát triển của hai nền kinh tế chủ chốt là Trung Quốc và Mỹ sẽ là động lực cho phục hồi kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát cũng như sự thiếu hụt vaccine tại nhiều quốc gia sẽ là những nhân tố đe dọa nghiêm trọng quá trình phục hồi này. Báo cáo dự báo, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 5,4% trong năm 2021, tăng so với mức dự đoán 4,7% mà Liên hợp quốc đưa ra hồi đầu năm. Trong đó, báo cáo cũng nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc từ 7,2% hồi đầu năm lên 8,2%, còn tăng trưởng của kinh tế Mỹ là 6,2%.
Theo tin Reuters, các chuyên gia quốc tế nhận định, nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi không đồng đều, trong đó xuất khẩu và đầu tư trong nước tăng mạnh, nhưng tiêu dùng yếu. Các lĩnh vực liên quan đến du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí là những nơi sử dụng nhiều lao động nhất, nhưng vẫn đang bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Các chỉ số về hoạt động kinh tế công bố trước đó cũng cho thấy đầu tư vào tài sản cố định của Trung Quốc trong thời gian từ tháng 1-4/2021 đã tăng 19,9%, đạt 14.380 tỷ NDT (khoảng 2.240 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước đó, chậm hơn so với mức tăng 25,6% trong thời gian từ tháng 1-3/2021.
Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 17/5 công bố số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 4/2021 đã tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với dự báo nhưng giảm so với mức tăng 14,1% trong tháng 3/2021. Trong khi đó, doanh số bán lẻ tăng 17,7%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 24,9% và mức tăng 34,2% trong tháng 3/2021.
Các nhà xuất khẩu Trung Quốc vui mừng trước nhu cầu tăng mạnh, song tình trạng khan hiếm chuỗi cung ứng trên toàn cầu và chi phí nguyên liệu thô tăng cao đã ảnh hưởng đến sản xuất, làm chậm đà phục hồi kinh tế, vốn đang gia tăng sau sự sụt giảm do COVID-19 hồi năm 2020.
Tân Hoa Xã ngày 26/5 dẫn nguồn tin từ cơ quan khí tượng nước này cho biết Trung Quốc đang chuẩn bị ứng phó với một mùa lũ lớn, trong khi 71 con sông đều đã có mức nước vượt mức cảnh báo, giữa bối cảnh các cơ quan khí tượng cảnh báo tình trái đất toàn cầu nóng lên đang thúc đẩy những hiện tượng thời tiết cực đoan. Mực nước trên sông Dương tử và các sông vùng hạ lưu của con sông này dự kiến sẽ tăng mạnh hơn nữa trong những tuần tới, khi sẽ liên tiếp xảy ra những trận lũ lớn trên khắp nước này trong giai đoạn tháng 6 đến tháng 8.
Theo New York Times, dân số Trung Quốc đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ thập kỷ 60 của thế kỷ 20, tỉ lệ sinh giảm và lực lượng lao động già hóa đang trở thành một trong những thách thức kinh tế và xã hội nghiêm trọng nhất của Trung Quốc. Số liệu điều tra dân số Trung Quốc vào năm 2020 được công bố cho kết quả 1,41 tỉ người, tăng khoảng 72 triệu so với mức 1,34 tỉ người trong điều tra dân số năm 2010. Số liệu cho thấy tỉ lệ tăng trung bình dân số Trung Quốc trong 10 năm qua là 0,53%, thấp hơn giai đoạn 2000 – 2010 với mức tăng là 0,57%. Wang Feng - giáo sư xã hội học tại chi nhánh Irvine Đại học California (Mỹ) - ví chính sách kiểm soát sinh sản của Trung Quốc với khoản vay thế chấp của chính phủ để phát triển trong tương lai. Ông cho biết cơ cấu dân số hiện nay sẽ là hạn chế đối với nhiều chủ trương đầy tham vọng của Trung Quốc. Từ năm 2016, chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc đã được nới lỏng cho các cặp vợ chồng có thể sinh 2 con, nhưng với thực trạng cuộc điều tra dân số này, có thể chính sách dân số của Trung Quốc sẽ phải tiếp tục nới lỏng hơn. Hiện nay, nhiều chính quyền địa phương đã cho phép các gia đình có từ 3 con trở lên. Nhưng giới phân tích chỉ ra rằng giải pháp không đơn giản. Ngày nay, nhiều phụ nữ Trung Quốc có trình độ học vấn cao trì hoãn kết hôn, từ năm 2014, tỉ lệ kết hôn ở Trung Quốc không ngừng giảm, từ năm 2003, tỉ lệ ly hôn liên tục tăng, nhiều gia đình trẻ trì hoãn sinh con do chi phí nuôi dạy con cái quá cao.
Trong 4 tháng đầu năm nay, thương mại song phương giữa Campuchia và Trung Quốc đã tăng 19,7% lên 3 tỷ USD. Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 42% lên 424 triệu USD, trong khi nhập khẩu tăng khiêm tốn hơn 16,7% lên 2,58 tỷ USD. Điều này có nghĩa là thâm hụt thương mại là 2,156 tỷ đô la. Hiệp định FTA Campuchia - Trung Quốc (CCFTA), được phê chuẩn vào năm ngoái, được dự đoán sẽ thúc đẩy thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2023. Penn Sovicheat, Ngoại trưởng Bộ Thương mại, tuyên bố: “Cơ hội có sẵn tại thị trường Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy khối lượng thương mại lớn hơn và tăng cường mối quan hệ bền chặt hơn giữa hai nước theo [CCFTA] được ký kết gần đây.” Campuchia gần đây đã hoàn thành một thỏa thuận thương mại cho phép xuất khẩu xoài tươi vào đất liền và hiện đang làm việc để phát triển các thỏa thuận tương tự đối với yến sào, dừa, nhãn và thanh long.
Do có 5 ca nhiễm Covid-19, ngày 25/5, Cảng container quốc tế Yantian Thâm Quyến thông báo không tiếp nhận các container xuất khẩu hạng nặng từ 22h ngày 25/5 đến 23h59 ngày 27/5 . Hai ngày sau khi cảng đóng cửa, các con đường xung quanh cảng Yantian đầy xe kéo container, và các tàu container đang chờ hoạt động cập bến cũng dừng lại ở vùng nước gần Yantian. Điều này được hiểu rằng Cảng Container Quốc tế Yantian đã thực hiện "một cuộc kiểm tra hàng ngày" cho 7395 nhân viên trong khu vực cảng. Cảng Yantian Thâm Quyến là cảng container lớn nhất thế giới, vận chuyển một phần tư khối lượng hàng hóa thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ và cũng là một trong những cảng quan trọng nhất trên các tuyến đường châu Âu và châu Mỹ. Gần đây, bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa cảng Yantian, các chỉ số vận chuyển hàng hóa chính đối với vận chuyển container từ châu Á đến châu Âu đã thiết lập một kỷ lục lịch sử mới, lần đầu tiên vượt qua 10.000 USD. Giá cước thực tế gần 15.000 USD, tăng 485% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo chi tiết xem tại đây.