Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC THÁNG 10/2021
10 | 11 | 2021

Nguồn: Viện Chính sách và chiến lược PTNNNT 

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) chính của Việt Nam sang Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 6,89 tỷ USD, tăng 18,71% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch nhập khẩu NLTS từ Trung Quốc đạt 2,64 tỷ USD, tăng 26,03%. Tính riêng tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu NLTS chính đạt 689,92 triệu USD, giảm 1,7% so với tháng trước và giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 9/2021 là cao su (chiếm 28,9%), gỗ và sản phẩm từ gỗ (chiếm 15,3%), rau quả (chiếm 13,5%), sắn và sản phẩm sắn (chiếm 11,7%), thủy sản (chiếm 9,7%), hạt điều (chiếm 8,7%), gạo (chiếm 6,9%). So với tháng 8/2021, xuất khẩu một số mặt hàng NLTS tăng cao là: sản phẩm từ cao su (tăng 26,9%), gạo (tăng 25,2%), hạt điều (tăng 23,3%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 12,0%); trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là mây tre đan (giảm 27,6%), cà phê (giảm 25,5%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (giảm 25,1%), cao su (giảm 10,2%), rau quả (giảm 9,7%), thủy sản (giảm 5,4%). So với cùng kỳ, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng là gạo (tăng 123,7%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 26,1%), sắn và sản phẩm sắn (tăng 20,3%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 17,7%); trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là thủy sản (giảm 51,4%), rau quả (giảm 23,1%), hạt điều (giảm 7,9%), cao su (giảm 7,0%).

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 18/10/2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 4,9% trong quý 3/2021. Mức tăng trưởng này thấp hơn mức dự báo 5% được Bloomberg đưa ra trên cơ sở khảo sát đánh giá của các chuyên gia phân tích và giảm mạnh so với mức 7,9% trong quý 2/2021. Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng trên 6% cho năm 2021 sau khi GDP chỉ tăng 2,3% hồi năm ngoái do tác động của Covid-19. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn lạc quan dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ đạt mức trên 8%. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã ghi nhận mức phục hồi ấn tượng sau đại dịch, nhưng hiện nay lại phải đối mặt với nhiều thách thức mới liên quan đến bất ổn trong lĩnh vực bất động sản, tâm lý tiêu dùng suy yếu cũng như giá mặt hàng nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Một khó khăn khác đối với nền kinh tế Trung Quốc là cuộc khủng hoảng năng lượng. Nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã phải tạm ngừng sản xuất hồi cuối tháng 9/2021 do giá than tăng vọt và tình trạng khan hiếm điện buộc các địa phương phải cắt điện đột ngột. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi lũ lụt tại tỉnh Sơn Tây, nơi đóng góp 30% sản lượng than của Trung Quốc đã khiến giá than đạt mức cao kỷ lục. Chính phủ Trung Quốc sau đó đã phải yêu cầu tăng sản lượng khai thác của các mỏ than và đảm bảo nguồn cung cấp điện, để duy trì hoạt động sản xuất.

Doanh số bán lẻ trong tháng 9/2021 của Trung Quốc đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự đoán 3,3% của Reuters. Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh trong quí 3/2021 và kết thúc quí với kết quả ấn tượng, tăng 28,1% trong tháng 9. Về cơ bản, Trung Quốc vẫn duy trì thế mạnh về xuất khẩu kể từ khi khống chế được dịch bệnh hồi đầu năm ngoái.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI ) của ngành sản xuất Trung Quốc là 49,2% , giảm 0,4 điểm phần trăm so với tháng trước, thấp hơn ngưỡng cho phép trong bối cảnh ngành chế tạo suy yếu. Xét theo quy mô doanh nghiệp, chỉ số PMI của các doanh nghiệp lớn là 50,3%, giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước; PMI của doanh nghiệp vừa là 48,6% (giảm 1,1 điểm phần trăm); PMI của doanh nghiệp nhỏ là 47,5% (tương đương với tháng trước).

Mới đây, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Văn phòng Quốc vụ viện đã ban hành "Kế hoạch hành động tiết kiệm lương thực" và ra thông báo yêu cầu tất cả các bộ ngành, địa phương quán triệt thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế. Mục đích là giảm thiểu thất thoát lương thực, tránh lãng phí thực phẩm. Kế hoạch bao gồm 8 nội dung: (i) tăng cường tiết kiệm và giảm tổn thất trong chuỗi sản xuất nông nghiệp; (ii) tăng cường giảm tổn thất trong khâu bảo quản ngũ cốc; (iii) tăng cường chống thất thoát trong khâu vận chuyển ngũ cốc; (iv) đẩy nhanh việc thúc đẩy giảm thất thoát trong khâu chế biến ngũ cốc; (v) kiên quyết ngăn chặn lãng phí trong tiêu thụ thực phẩm và đồ uống; (vi) thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới công nghệ trong lĩnh vực tiết kiệm và giảm thất thoát lương thực; (vii) tăng cường tuyên truyền, giáo dục tiết kiệm và giảm thất thoát lương thực; (viii) tăng cường các biện pháp tự vệ.

Ngày 24/10, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn về các biện pháp sơ bộ nhằm đạt được mục tiêu đạt mức phát thải đỉnh điểm vào năm 2030 và trung hòa khí thải carbon trước năm 2060. Cụ thể, trong hướng dẫn mới, Chính phủ Trung Quốc tái khẳng định các cam kết gồm vào năm 2030 sẽ đưa mức phát thải lên đỉnh điểm, ổn định và giảm dần. Đến năm 2060 sẽ đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon và hoàn tất thiết lập nền kinh tế xanh, carbon thấp và tuần hoàn. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định phải cân nhắc các vấn đề an ninh lương thực và năng lượng trong quá trình thực hiện những nỗ lực này.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường