Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) chính của Việt Nam sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 6,20 tỷ USD, tăng 22,75% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch nhập khẩu NLTS từ Trung Quốc đạt gần 2,40 tỷ USD, tăng 31,43%. Tính riêng tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu NLTS chính đạt 701,89 triệu USD, giảm 6,8% so với tháng trước và giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 8/2021 là cao su (chiếm 31,6% tổng giá trị xuất khẩu NLTS chính), rau quả (chiếm 14,7%), gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm 13,5%), sắn và sản phẩm sắn (chiếm 11,4%), thủy sản (chiếm 10,1%), hạt điều (chiếm 6,9%), gạo (chiếm 5,4%). So với tháng 7/2021, xuất khẩu một số mặt hàng NLTS tăng cao là: cà phê (tăng 41,7%), gạo (tăng 28,8%), sắn và sản phẩm sắn (tăng 14,4%), hạt điều (tăng 7,4%); trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là thịt và sản phẩm thịt (giảm 92,8%), sản phẩm từ cao su (giảm 46,6%), chè (giảm 31,0%), thủy sản (giảm 15,4%), gỗ và sản phẩm gỗ (giảm 13,5%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (giảm 13,2%), rau quả (giảm 12,9%), cao su (giảm 9,6%). So với cùng kỳ, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng bao gồm: thịt và sản phẩm thịt (tăng 64,8%), gạo (tăng 61,9%), sắn và sản phẩm sắn (tăng 55,1%), cà phê (tăng 50,4%), hạt điều (tăng 20,2%). Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là mây tre đan (giảm 57,6%), sản phẩm từ cao su (giảm 47,0%), thủy sản (giảm 37,5%), rau quả (giảm 35,9%). (Chi tiết tại phụ lục đính kèm)
Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tăng trưởng doanh số bán lẻ tháng 8/2021 của nước này chỉ đạt 2,5%, thấp hơn nhiều so với mức ước tính 7% theo khảo sát của Bloomberg. Nguyên nhân là các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đã gây ra sự sụt giảm trong doanh số bán lẻ và chi tiêu cho dịch vụ trong tháng trước, do nhiều người hạn chế ra ngoài và hủy bỏ các kỳ nghỉ. Gần đây, các biện pháp siết chặt quản lý với các ngành bất động sản và giáo dục càng đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng.
Khảo sát Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cũng cho thấy, trong tháng 8/2021, khu vực dịch vụ đã quay đầu giảm lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020. Doanh số của nhà hàng và dịch vụ ăn uống giảm 4,5% và doanh số bán quần áo giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc nhận định, tính chung 8 tháng đầu năm 2021, các chỉ số chính vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh so với cùng kỳ năm trước, như chỉ số ngành công nghiệp tăng 13,1%, chỉ số sản xuất ngành dịch vụ tăng 17,7%, lĩnh vực bán lẻ tăng 18,1%. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đã phải chịu tác động rất lớn từ môi trường quốc tế phức tạp và khắc nghiệt, ảnh hưởng của dịch bệnh trong nước và thiên tai lũ lụt.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã siết chặt luồng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, giảm cho vay thế chấp với người mua nhà nhằm ngăn chặn rủi ro tài chính và giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào lĩnh vực bất động sản. Do đó, tăng trưởng đầu tư bất động sản chậm lại còn 10,9%, trong khi doanh số bán bất động sản cũng suy yếu trong tháng 8/2021. Cùng lúc đó, lực cầu toàn cầu vẫn duy trì mạnh mẽ, hỗ trợ lĩnh vực công nghiệp của nước này bất chấp tình trạng tắc nghẽn tại các cảng và cước phí vận chuyển tăng cao. Trung Quốc ghi nhận kim ngạch xuất khẩu kỷ lục trong tháng 8/2021 vì người mua ở châu Âu và Mỹ tăng cường mua sắm trước mùa Giáng sinh.
Theo Reuters, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc đã đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau một thời gian thảo luận. CPTPP là hiệp định thương mại tự do gồm 11 quốc gia thành viên là Singapore, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand. CPTPP xóa bỏ 95% thuế quan giữa các nước thành viên. Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi rất lớn nếu tham gia hiệp định. Tuy nhiên, con đường gia nhập CPTPP của Trung Quốc có thể sẽ gặp những thách thức do một số nước thành viên chưa sẵn sàng để trở thành đối tác của Trung Quốc trong khuôn khổ hiệp định này và một số thành viên, như Australia, đang có những bất đồng thương mại với Trung Quốc, nên có thể không dễ dàng chấp nhận Trung Quốc gia nhập. Ngoài ra, việc Trung Quốc gia nhập CPTPP cũng vấp phải những lo ngại về vấn đề sử dụng lao động tại nước này.
Theo ông Michelle Huang - Nhà phân tích của Rabobank - Consumer Foods, nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc đối với thịt chay làm từ thực vật đang tăng bởi sự ưa thích các thực phẩm lành mạnh, mới lạ có tính độc đáo cũng như nhu cầu về lâu dài. Các sản phẩm thay thế thịt có nguồn gốc từ thực vật bao gồm đậu phụ truyền thống và các sản phẩm giả thịt dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 5,4 - 9,4% trong giai đoạn 2021-2030, đạt 17-24 tỷ USD vào năm 2030. Riêng các sản phẩm giả thịt sẽ đạt 2,1- 9 tỷ USD vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng từ 54-81% về giá trị.
Báo cáo chi tiết xem tại đây.