Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) chính của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 1 năm 2022 đạt 773,6 triệu USD, giảm 7,20% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu NLTS từ Trung Quốc đạt 378,6 triệu USD, tăng 25,58%.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 1/2022 là cao su (chiếm 31,5% tổng giá trị xuất khẩu NLTS chính), rau quả (chiếm 19,2%), gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm 17,4%), sắn và sản phẩm sắn (chiếm 14,5%), thủy sản (chiếm 8,1%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (chiếm 4,0%), gạo (chiếm 2,5%). So với tháng 12/2021, chỉ có hai mặt hàng NLTS tăng là: gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 5,4%), sắn và sản phẩm sắn (tăng 4,8%); trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là thịt và sản phẩm thịt (giảm 93,1%), hạt điều (giảm 77,2%), cà phê (giảm 76,8%), chè (giảm 60,4%), thủy sản (giảm 46,6%), sản phẩm từ cao su (giảm 44,8%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (giảm 36,9%), gạo (giảm 32,2%), cao su (giảm 24,4%). So với cùng kỳ, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng bao gồm: thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 374,3%), thủy sản (tăng 62,1%), mây tre đan (tăng 34,7%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 22,3%), cao su (tăng 9,8%). Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là thịt và sản phẩm thịt (giảm 94,0%), chè (giảm 89,9%), hạt điều (giảm 76,9%), cà phê (giảm 73,9%), gạo (giảm 37,0%), sắn và sản phẩm sắn (giảm 32,7%), rau quả (giảm 18,6%). (Chi tiết tại phụ lục đính kèm)
Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam)-Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) đã tạm thời dừng thông quan xuất, nhập khẩu hàng hóa để thực hiện truy vết và kiểm tra các trường hợp liên quan một số ca COVID-19 từ ngày 6/3/2022 và chưa xác định thời gian khôi phục lại hoạt động thông quan hàng hóa. Tính đến sáng 7/3/2022, tổng lượng xe chở hàng hóa xuất khẩu tồn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 1.710 xe, trong đó, tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị là 921 xe (271 xe trong bãi tại cửa khẩu; 452 xe tại khu trung chuyển; 198 xe tại bãi xe Cốc Nam). Trong tổng số 1.710 xe có 1.097 xe hoa quả.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, năm 2021, tổng kinh tế và mức bình quân đầu người của Trung Quốc đã đạt được những bước đột phá mới. Quy mô nền kinh tế đạt 114,4 nghìn tỷ NDT (tương đương 17,7 nghìn tỷ USD). GDP cả nước năm 2021 tăng 8,1% so với năm 2020. GDP bình quân đầu người vượt 80.000 NDT, vượt mức GDP bình quân đầu người của thế giới. Cơ cấu tiêu dùng của Trung Quốc liên tục được nâng cấp. Thứ hạng toàn diện về năng lực đổi mới của Trung Quốc đã tăng lên vị trí 12 thế giới. Đây là nền tảng cho sự phát triển ổn định và lâu dài của nền kinh tế Trung Quốc trên con đường phát triển chất lượng cao.
Ngày 14/2, Tổng cục quản lý thị trường Trung Quốc cho biết nước này đã lắp đặt 869 kho lạnh để thực hiện giám sát tập trung đối với thực phẩm dây chuyền lạnh nhập khẩu. Các kho lạnh sẽ tiến hành quy trình khử trùng, kiểm dịch và cấp chứng nhận đối với thực phẩm dây chuyền lạnh nhập khẩu trước khi đưa vào thị trường. Các kho này sẽ giúp cắt đứt nguồn lây nhiễm COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý thực phẩm dây chuyền lạnh nhập khẩu trong trường hợp khẩn cấp đồng thời giảm chi phí. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, bao gồm các yêu cầu về khử trùng và kiểm dịch, nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Một số tỉnh và thành phố cũng đã thực hiện các yêu cầu mới ảnh hưởng đến thương mại nông sản và thực phẩm. Từ tháng 12/2020, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng một nền tảng nhằm truy xuất nguồn gốc thực phẩm dây chuyền lạnh nhập khẩu gồm gia súc, gia cầm và thủy sản.
Ngày 16/2/2022, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) cho biết Nghị định thư về nâng cấp Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Trung Quốc và New Zealand sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 7/4/2022. Năm 2022, Trung Quốc và New Zealand sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hai nước nhất trí coi đây là cơ hội để thúc đẩy việc nâng cấp FTA. Các nỗ lực chung sẽ được thực hiện để tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư giữa hai bên và thúc đẩy sự phát triển quan hệ kinh tế và thương mại song phương, mang lại lợi ích cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-New Zealand.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Tổng Cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý công nhận cho 5 đơn vị xuất khẩu ớt tươi vào thị trường này, gồm: Công ty TNHH Thành An Onion; Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Cái Lân; Công ty TNHH Cẩm Long – Đồng Tháp; Công ty TNHH Nông nghiệp Vĩnh Bình; Công ty TNHH Nông sản Tân Đông. Lô hàng ớt xuất khẩu phải thực hiện việc xử lý kiểm dịch thực vật bao gồm cả 2 biện pháp xử lý bằng Methyl Bromide và xử lý lạnh. Cụ thể như sau: xử lý Methyl Bromide với liều lượng 32g/m3 trong 2 giờ hoặc 18g/m3 trong 5 giờ; xử lý lạnh sau khi xử lý Methyl Bromide ở nhiệt độ 0,56-2,77°C trong 4 ngày hoặc nhiệt độ 3,33-8,33°C trong 11 ngày. Hiện tại, Cục Bảo vệ thực vật đang nỗ lực đàm phán để ký Nghị định thư xuất khẩu ớt sang thị trường Trung Quốc.
Bộ Công Thương Việt Nam đề xuất tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) xem xét công nhận lẫn nhau kết quả xét nghiệm RT-PCR đối với phương tiện vận tải và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; xây dựng cơ chế phối hợp xây dựng vùng xanh an toàn tại khu vực cửa khẩu để hoạt động thông quan diễn ra an toàn. Thuận lợi hóa thông quan như tăng lực lượng làm việc tại khu vực cửa khẩu, nâng công suất hạ tầng biên giới và đầu tư xây dựng các bãi kiểm dịch để tăng số lượng các cửa khẩu được chỉ định nhập khẩu nông sản, xây dựng luồng xanh thông quan cho nông sản, thực hiện thông quan hẹn trước…; cơ chế trao đổi thông tin giữa các địa phương biên giới của Việt Nam với các châu của tỉnh Vân Nam.
Báo cáo chi tiết xem tại đây.