Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC THÁNG 4/2022
16 | 05 | 2022

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) chính của Việt Nam sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 2,28 tỷ USD, giảm 0,05% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu NLTS từ Trung Quốc đạt 7867,3 triệu USD, tăng 12,89%. Tính riêng tháng 3/2022, kim ngạch xuất khẩu NLTS chính đạt 978,49 triệu USD, tăng 76,8% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 3 là rau quả (chiếm 20,2%), thủy sản (chiếm 18,7%), sắn và các sản phẩm từ sắn (chiếm 18,4%), gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm 15,8%), cao su (chiếm 12,5%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (chiếm 5,8%), gạo (chiếm 5,1%). So với tháng 2/2022, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng NLTS chính đều tăng, trong đó các mặt hàng tăng cao nhất là: gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 136,2%), gạo (tăng 129,2%), thủy sản (tăng 121,6%), sản phẩm mây, tre, cói và thảm (tăng 104,7%), hạt điều (tăng 96,3%), sắn và các sản phẩm từ sắn (tăng 88,6%), cà phê (tăng 80,1%), rau quả (tăng 73,3%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 48,8%), chè (tăng 37,5%), cao su (tăng 4,3%); chỉ có thịt và sản phẩm từ thịt giảm 94,4%. So với cùng kỳ, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng là: thủy sản (tăng 99,5%), sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 65,7%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 59,3%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 11,8%), cà phê (tăng 6,4%); mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là thịt và sản phẩm từ thịt (giảm 97,0%), chè sản (giảm 85,6%), hạt điều (giảm 58,0%), rau quả (giảm 23,8%), gạo (giảm 5,3%), sản phẩm mây, tre, cói và thảm (giảm 4,8%). (Chi tiết tại phụ lục đính kèm).

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tính đến 20h00 ngày 07.05.2022, tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh là 846 xe, trong đó xe chở hoa quả là 577 xe. Cụ thể, (i) tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, còn tồn 365 xe (176 xe tại khu trung chuyển và 189 xe tại cửa khẩu Hữu Nghị), trong đó có 293 xe hoa quả, tất cả đều được chở bằng container lạnh; (ii) tại cửa khẩu phụ Tân Thanh còn tồn 481 xe (tại bãi Bảo Nguyên 209 xe, khu phi thuế quan 272 xe), trong đó có 284 xe hoa quả chở bằng xe lạnh; (iii) tại cửa khẩu chính Chi Ma không còn phương tiện tồn.

Theo Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc công bố, GDP của Trung Quốc quý I/2022 đạt 27.017,8 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 4.239,2 tỷ USD), lần lượt tăng trưởng 4,8% so cùng kỳ và 1,3% so quý IV/2021. Tính theo cơ cấu ngành nghề, quý I năm nay, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp Trung Quốc đạt 1.095,4 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng 6%; ngành công nghiệp đạt 10.618,7 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng 5,8%; ngành dịch vụ đạt 15.303,7 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng 4% so cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I, thị trường tiêu dùng Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng, trong đó ngành bán lẻ trực tuyến khá sôi động. Tổng giá trị bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng đạt 10.865,9 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng 3,3% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó, bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt giá trị 2.525,7 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng 8,8%, chiếm tỷ trọng 23,2% tổng giá trị bán lẻ. Trong quý I/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Trung Quốc tăng 1,1%; tạo thêm 2,85 triệu việc làm mới cho người dân ở thành thị, tỷ lệ thất nghiệp theo điều tra đạt 5,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 10.345 nhân dân tệ, tăng 6,3% so cùng kỳ năm ngoái, tăng thực tế 5,1% sau khi loại trừ các yếu tố về giá.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc xuống 5% trong năm nay, giảm so với ước tính trước đó là 5,4%.

Ngày 15/5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã thông báo về việc cắt giảm tỉ lệ dự trữa bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, tuy nhiên, mức cắt giảm được cho là nhỏ hơn dự kiến và không nâng cao được tâm lý thị trường.

Bloomberg dẫn số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố hôm 29/4, cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất tháng 4 đã giảm xuống 47,4 điểm từ mức 49,5 của tháng 3. chỉ số PMI phi sản xuất (ghi nhận trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ) cũng chạm mức thấp nhất từ tháng 2/2020, khi giảm xuống 41,9 điểm (tháng 3 là 48,4).

Các cảng biển tại Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn siết chặt kiểm soát dịch, hoạt động hạn chế gây ra ùn tắc tàu tại cảng, dẫn đến lượng container đang kẹt ở đây rất lớn. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được khuyến cáo lưu ý kiểm soát tốt khâu chế biến. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, hiện chi phí vận tải đến thị trường Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với cuối năm 2021, nhưng việc đặt tàu rất chật vật. Nguyên nhân là các cảng biển tại Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn siết chặt kiểm soát dịch, hoạt động hạn chế gây ra ùn tắc tàu tại cảng, dẫn đến lượng container đang kẹt ở đây rất lớn. Việc quay vòng container rỗng bị nghẽn, tức có hàng xuất đi nhưng không có hàng hóa nhập về, chủ tàu phải chờ nên việc đặt chỗ ngắn hạn vẫn gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường