Nguồn: thanhnien.vn
Năm 2022, giá trị xuất khẩu ngành rau quả đạt 3,34 tỉ USD; trong đó trái cây chiếm hơn 80% với nhiều sản phẩm chủ lực như: thanh long, sầu riêng, xoài, bưởi… Nghịch lý ở chỗ trái cây VN xuất khẩu nhiều nhưng chưa có "hàng hiệu" gắn liền với tên tuổi quốc gia.
Thiệt đơn, thiệt kép
Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T, dẫn chứng: Trên thị trường thế giới, táo Washington gắn liền với nước Mỹ; quả kiwi của New Zealand; dưa lưới Taki là niềm tự hào của người Nhật Bản; người Thái Lan có sầu riêng Monthong; Malaysia có sầu riêng Musang King giá bán đắt đỏ thì VN gần như không có sản phẩm nổi tiếng để tự hào. Theo ông Tùng, VN có sầu riêng Ri6 chất lượng rất ngon, diện tích và sản lượng lớn, được nhiều doanh nghiệp chọn làm hàng xuất khẩu, có thể cạnh tranh với hàng Thái Lan, Malaysia, nhưng xét về giá trị lẫn nhận diện thương hiệu vẫn còn ở khoảng cách rất xa. "Không có thương hiệu nên giá sầu riêng Ri6 luôn thấp hơn sầu riêng Monthong khoảng 20%; nếu so với sầu riêng Musang King thì thua kém nhiều lần", ông Tùng nói.
Là chủ doanh nghiệp tại Nhật Bản có nhiều năm kết nối và nhập khẩu nông sản từ VN, bà Lê Thị Kiều Oanh, Giám đốc Công ty Apple LCC, cho biết Nhật Bản cho phép nhập khẩu thanh long VN nhưng thực tế thì chưa thành thương hiệu trái cây để người Việt tự hào. Số lượng thanh long mang thương hiệu VN vào được siêu thị Nhật Bản chỉ chiếm 10%, trong khi 90% còn lại được bán ở các cửa hàng, sạp hàng hướng đến người nước ngoài ở Nhật Bản, đông nhất là người Trung Quốc.
Thương hiệu trái cây mang niềm tự hào quốc gia thì không cần nhiều loại. Như New Zealand, họ chỉ làm thành công cho quả kiwi thì đã có thị trường ở khắp thế giới, giá trị xuất khẩu trên 3 tỉ USD/năm, bằng cả ngành rau quả của VN.
Ông Nguyễn Đình Tùng (Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T)
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại VN tại Nhật Bản, cho biết quả vải VN, đặc biệt giống vải thiều, là loại trái cây nổi tiếng được xuất khẩu đến nhiều nước và từ năm 2019 được quảng bá, giới thiệu tại Nhật Bản. Nhưng người ăn vải nhiều nhất đa phần là người nước ngoài ở Nhật Bản, đông nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, VN… vốn quen thuộc với loại trái cây này. Sau nhiều năm đưa vào các sự kiện để giới thiệu, quà tặng đối tác… quả vải VN dần quen thuộc với người Nhật Bản. Nhưng so sánh giá trị kinh tế, vải VN hoàn toàn lép vế với vải Nhật Bản dù họ không có lợi thế sản xuất.
"Vải Nhật Bản trồng ở tỉnh Miyazaki, diện tích khoảng 10.000 ha. Ngay từ trong nước, họ đã xây dựng thương hiệu đây là loại quả quý, niềm tự hào của đất nước; có thời điểm giá bán mỗi quả vải lên tới 10 USD nhưng vẫn rất nhiều người xếp hàng chờ mua", ông Minh nói.
Cần có thương hiệu trái cây quốc gia
Trái cây VN cần có những thương hiệu quốc gia để gia tăng giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế là vấn đề được nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo các địa phương quan tâm, kiến nghị trong thời gian gần đây.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, để xây dựng thương hiệu trái cây quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu, thu hút khách du lịch, quảng bá được văn hóa cần có nhiều yếu tố, như: giống đặc trưng, gắn liền với thổ nhưỡng, văn hóa VN; chất lượng tốt và đảm bảo an toàn thực phẩm; vùng trồng lớn, sản lượng nhiều; công nghệ bảo quản tốt… để xuất khẩu đến các thị trường xa. Nếu xét về các yếu tố này thì có thể chọn ngay bưởi, dừa, sầu riêng… bởi những loại quả này đang được xuất khẩu nhiều, chất lượng tốt, tiềm năng xuất khẩu rất lớn.
"Thương hiệu trái cây mang niềm tự hào quốc gia thì không cần nhiều loại. Như New Zealand, họ chỉ làm thành công cho quả kiwi thì đã có thị trường ở khắp thế giới, giá trị xuất khẩu trên 3 tỉ USD/năm, bằng cả ngành rau quả của VN", ông Tùng nói.
Ông Tùng cũng cho rằng để xây dựng thương hiệu trái cây quốc gia cần phải kiểm soát chặt chẽ việc cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Mỗi loại trái cây chỉ phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng ở một địa phương nhất định, nhưng hiện nay nhiều loại trái cây như bưởi, thanh long, vải… được trồng khắp cả nước. Địa phương nào cũng quảng bá sản phẩm của mình ngon nhất thì sẽ loạn thương hiệu. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần chọn ra những loại sản phẩm gắn liền với văn hóa, lịch sử của địa phương để cấp và quản lý chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Xây dựng thương hiệu quốc gia và cơ sở dữ liệu quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc là công việc Bộ NN-PTNT cần phải tập trung giải pháp, nguồn lực để gia tăng giá trị xuất khẩu chứ không thể tăng trưởng dựa vào sản lượng nữa. Trên cơ sở đóng góp ý, đề xuất từ cộng đồng doanh nghiệp, địa phương, Bộ NN-PTNT sẽ sớm làm việc với Bộ Công thương để đề xuất Chính phủ có riêng chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia cho một số nông sản.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam
"Ví dụ, dừa xiêm thì không nơi đâu ngon bằng trồng ở tỉnh Bến Tre; vải thiều ngon nhất phải ở tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hải Dương; thanh long trắng tại tỉnh Bình Thuận là số một; thanh long đỏ chất lượng hàng đầu ở tỉnh Long An… Phải chọn sản phẩm đặc trưng địa phương để nâng tầm thành thương hiệu quốc gia", ông Tùng đề xuất.
Dành nhiều tâm huyết kiến nghị xây dựng nhóm trái cây chủ lực mang thương hiệu "Made in Vietnam" trong nhiều diễn đàn, hội nghị của ngành nông nghiệp, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty Chánh Thu, dẫn chứng Nhật Bản thành công với thương hiệu "Made in Japan"; điều này giúp hàng hóa, sản phẩm luôn có giá cao hơn nước khác. VN đã có nhiều trái cây vào được thị trường nổi tiếng về độ "khó tính", khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, nhưng lại chưa thực sự quan tâm xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng thế giới dễ nhận diện, lựa chọn.
"Trong số hàng chục loại trái cây đang xuất khẩu hiện nay, hoàn toàn có thể chọn 3 - 5 loại chủ lực để tập trung các giải pháp, nguồn lực, đầu tư đồng bộ từ T.Ư đến địa phương cho đến doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân để làm cho ra sản phẩm mang thương hiệu tự hào của VN", bà Vy nói.
Ông Tạ Đức Minh nhấn mạnh đã đến lúc trái cây VN không thể chạy theo số lượng xuất khẩu mà cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, đưa thêm yếu tố văn hóa, sáng tạo trong phương thức canh tác… để sản phẩm chứa những câu chuyện hấp dẫn người tiêu dùng. Ông Minh dẫn chứng nhóm trái cây nổi tiếng thế giới mà người Nhật Bản tự hào, họ không chạy theo số lượng, thậm chí khống chế sản lượng, diện tích để giữ giá bán hoặc đưa thêm những yếu tố kỹ thuật canh tác đặc biệt để sản phẩm đạt chất lượng hoàn hảo nhất. "Như dưa lưới ở Nhật Bản, họ chuẩn hóa từ giống, trồng hữu cơ, trên cây chỉ giữ lại 1 quả để tập trung chăm sóc. Nhiều loại nho cũng vậy, họ giới hạn số chùm quả nhưng cắt tỉa làm sao để số lượng quả đều như nhau. Khi đưa ra thị trường, kích cỡ chùm, độ ngọt mỗi quả đều giống nhau…", ông Minh nói.