Nguồn: thanhnien.vn
Nông hộ bị chèn ép
Theo báo cáo Triển vọng nông sản Alltech năm 2023 vừa được công bố, VN đã có sự phục hồi mạnh mẽ về sản lượng thức ăn chăn nuôi (TACN) vào năm 2022, với sản lượng đạt 26,72 triệu tấn, đứng thứ 8 thế giới. VN cũng vào top 10 thế giới về sản lượng TACN, thủy sản trên toàn cầu.
Một số ý kiến chuyên gia trong ngành chăn nuôi nhận định, thị trường sản xuất TACN trong nước hết sức màu mỡ nên đã quy tụ hầu hết tên tuổi lớn nhất thế giới, kết quả gia tăng sản lượng cũng nhờ sự đóng góp của các đại gia này. Cụ thể, tập đoàn sản xuất TACN lớn nhất thế giới hiện nay là C.P Group (Charoen Pokphand Group - Thái Lan), top 3 công ty sản xuất thịt gia cầm, thịt heo hàng đầu thế giới, đã đặt nền móng tại VN gần 30 năm nay và có hệ thống nhà máy sản xuất, chế biến từ bắc vào nam. Tập đoàn có sản lượng TACN lớn thứ hai thế giới là New Hope cũng đã có 11 công ty hoạt động tại thị trường VN và đang tiến hành xây dựng thêm 3 trang trại chăn nuôi heo ở Thanh Hóa, Bình Phước, Bình Định với số vốn 3.800 tỉ đồng. Nằm trong top 3 thế giới là Tập đoàn Cargill (Mỹ) cũng đã có mặt tại VN khá sớm. Những cái tên tiếp theo trong top 10 thế giới như Haid (Trung Quốc), BRF (Brazil), Nutreco (Hà Lan) cũng đã đầu tư tại VN và phân chia thị phần. Nếu mở rộng hơn danh sách các "đại gia" của thế giới thì có thêm hàng loạt cái tên như De Heus (Hà Lan), Japfa (Singapore), CJ (Hàn Quốc), Mavin (Pháp)… cũng đang đẩy mạnh đầu tư ở VN.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, phân tích: "Sự gia tăng nhanh chóng các dự án đầu tư nước ngoài khép kín trong lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất TACN khiến quy mô chăn nuôi nông hộ bị thu hẹp lại. Quan trọng hơn, nông dân hiện nay phải cạnh tranh về giá với các tập đoàn lớn. Điều này hết sức khập khiễng vì các doanh nghiệp nước ngoài vượt trội về trình độ quản trị, lợi thế TACN, con giống, vốn tài chính… Đó chính là nguyên nhân khiến người chăn nuôi thua lỗ trong 2 năm qua. Nhìn tổng thể, nếu nhu cầu thị trường phục hồi và kinh tế trở lại như trước, sản lượng thịt từ các nông hộ vẫn sẽ được tiêu thụ tốt và là đối trọng với các tập đoàn nước ngoài, nhưng trong tình hình hiện tại thì người chăn nuôi đang bị lép vế".
Phụ thuộc nguyên liệu đầu vào
Là nước sản xuất TACN lớn nhưng VN cũng phụ thuộc đáng kể vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng thừa nhận: Giá TACN thường mất một khoảng thời gian nhất định để giảm, vì các doanh nghiệp sản xuất phải chịu chi phí nhập khẩu cao trong một thời gian dài, và tình hình càng khó khăn hơn trong bối cảnh VND mất giá so với USD. Ở thời điểm giá TACN điều chỉnh tăng liên tục, các cơ quan chức năng đã có nhiều cuộc họp để tìm giải pháp nhưng hầu như đều "bất lực" vì giá bán do các doanh nghiệp quyết định dựa trên chi phí sản xuất và giá nguyên liệu đầu vào, trong đó chi phí nguyên liệu thô chiếm đến 75% giá TACN. Tính chung, chi phí TACN đã tăng 38% so với năm 2021 và gấp đôi so với năm 2020, ảnh hưởng đáng kể đến không chỉ các trang trại hộ gia đình mà còn cả các trang trại thương mại. Chi phí sản xuất trung bình của hộ gia đình ước tính khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất trung bình của cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại khoảng 50.000 đồng/kg.
Top 10 nước sản xuất TACN, thủy sản lớn nhất thế giới gồm: Trung Quốc, Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Mexico, Nga, Tây Ban Nha, VN, Argentina và Đức.
Đối chiếu với tổng thể tình hình chăn nuôi VN trong thời gian qua, có thể lý giải thành tích này. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), tính đến hết năm 2022, tổng đàn heo cả nước khoảng 28,6 triệu con, tăng 3,2%; đàn gia cầm khoảng 531 triệu con, tăng 1,4%; đàn bò khoảng 6,53 triệu con, tăng 1,9% (riêng đàn bò sữa đạt 335.000 con).
Năm 2023, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất 3,5 - 4%; sản lượng TACN công nghiệp quy đổi đạt trên 21 triệu tấn...
Hiện VN cũng là một trong những quốc gia có đàn heo lớn nhất thế giới.
Ông Dương Tất Thắng lý giải: "Về sản xuất TACN, nguyên liệu đầu vào như ngô, khô dầu đậu tương trong nước mới chỉ đáp ứng từ 30 - 35%. Hiện Bộ NN-PTNT phối hợp một số tập đoàn như De Heus, Hùng Nhơn để triển khai mô hình liên kết sản xuất TACN và nguyên liệu TACN tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên. Bên cạnh đó, Cục cũng làm việc với một số địa phương có lợi thế khác để phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, từng bước chủ động nguyên liệu TACN, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu".
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Công ty C.P VN cũng cho biết: "Công ty luôn đặt mục tiêu tăng cường liên kết, thu mua nguyên liệu trong nước để hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên, các dự án liên kết đều rất khó triển khai do diện tích manh mún, tập quán sản xuất của nông dân khó cải thiện khiến chất lượng nguyên liệu không đạt chuẩn, không cạnh tranh được với mặt hàng nhập khẩu".
Phân bón tự sản xuất, giá vẫn cao
Thực trạng phân bón hiện nay cũng có một nghịch lý tương tự: Trong nước tự sản xuất được nhưng giá bán vẫn cao. Theo ông Phùng Hà, Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN, hiện công suất sản xuất phân đạm ure của 4 nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) và Tập đoàn Hóa chất VN (Vinachem) đã lên tới 2,5 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ ở ngưỡng 1,6 - 1,8 triệu tấn/năm. Với phân bón chứa lân và phân tổng hợp NPK, công suất sản xuất trong nước cũng vượt xa nhu cầu. Một số công ty sản xuất ure như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau đã phải xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài để tiêu thụ.
Tuy nhiên, VN vẫn phải nhập khẩu khoảng 40% lượng phân DAP và toàn bộ lượng phân kali để đáp ứng nhu cầu trong nước. Với việc Trung Quốc bắt đầu mở cửa thị trường và không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón như trước đó, nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới đã dồi dào nên giá phân bón cũng bắt đầu hạ nhiệt.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất phân bón tại Bình Định lý giải: "Hiện các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của Supe Lâm Thao như ure, kali hay SA trên thị trường đều thấp hơn năm 2022. Đơn cử như ure khoảng 11.000 đồng/kg, giảm hơn 3.000 - 4.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt khác, công ty cũng nỗ lực giảm giá vận chuyển phân bón trong bối cảnh giá xăng dầu, chi phí bốc vác tăng. Theo đó, công ty đã chuyển sang sử dụng các phương tiện vận chuyển rẻ hơn bằng đường sắt hoặc đường thủy thay vì chỉ vận chuyển bằng đường bộ như trước đây".
Tuy nhiên, thực tế là giá phân bón đến tay người nông dân vẫn chênh lệch khá lớn do các chi phí trung gian và đại lý. Một doanh nghiệp chuyên kinh doanh vật tư phân bón tiết lộ: "Để bán được sản phẩm, các doanh nghiệp phải chiết khấu cho đại lý 20 - 25%, phải có các chương trình khuyến mãi. Ở các vùng sâu vùng xa, giá phân bón chênh lệch hơn vì phải tốn thêm chi phí vận chuyển. Đơn cử như giá phân ure hiện nay khoảng 500.000 đồng/bao, khi bán đến tay nông dân khu vực Tây Bắc lên đến 700.000 đồng/bao. Các đại lý có thể kiếm thêm lợi nhuận bằng việc bán nợ, bán thiếu cho nông dân và thu hồi nợ sau mùa vụ. Qua các tầng nấc như thế nên giá bán ra bị đẩy lên cao hơn rất nhiều".