Nguồn: baodongnai.com.vn
|
Trang trại gà công nghiệp tại H.Long Thành. Ảnh: B.Nguyên |
Doanh nghiệp (DN), chủ trang trại chăn nuôi tư nhân đang nỗ lực xoay xở để tồn tại, phát triển trong khó khăn.
* Khó khăn bủa vây
Suốt thời gian dài, ngay cả mùa cao điểm tiêu thụ như Tết Nguyên đán 2023, giá nhiều sản phẩm chăn nuôi như heo, gà vẫn bán ra dưới giá thành sản xuất là nguyên nhân khiến từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đến DN lớn trên địa bàn Đồng Nai đều gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Phạm Văn Đạo, chủ trang trại nuôi heo tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) lo lắng, hiện giá heo hơi của trại chăn nuôi tư nhân bán ra chỉ khoảng 50 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đang lỗ cả triệu đồng trên mỗi con heo xuất chuồng. Khó khăn càng chồng chất khi việc thua lỗ này đã kéo dài suốt hơn cả năm qua. Nếu tình trạng này còn kéo dài, nguy cơ người chăn nuôi bỏ đàn, “treo chuồng” sẽ xảy ra.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT PHÙNG ĐỨC TIẾN, nhiều dự báo cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại từ quý II- 2023 và đây là động lực giúp phục hồi sức mua. Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo quyết liệt trong việc phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gồm bắp và khoai mì tại Tây nguyên để giảm phụ thuộc nhập khẩu. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đã tích cực hỗ trợ DN các thủ tục xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
|
Ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Bình Minh (H.Trảng Bom) so sánh, giá thành sản xuất của gà lông màu hiện từ 39-43 ngàn đồng/kg nhưng giá bán gần đây chỉ được 33-37 ngàn đồng/kg; giá thành gà công nghiệp hơn 30 ngàn/kg nhưng hiện giá bán ra chỉ hơn 20 ngàn đồng/kg. DN gánh lỗ liên tục từ tháng 12-2022 đến nay và hiện đang lâm vào bế tắc vì giá cả đầu ra chưa biết bao giờ mới khởi sắc trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến quy mô tổng đàn của DN chỉ còn khoảng 200 ngàn con, trong khi trước đây nuôi đến 2 triệu con.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi vẫn khá phức tạp cũng là một trong những nguyên nhân góp phần đẩy giá thành chăn nuôi lên cao hơn. Nếu thua lỗ tiếp tục kéo dài, chắc chắn tổng đàn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sẽ giảm xuống gây ảnh hưởng về nguồn cung cho thị trường thời gian tới.
* Tìm mọi cách giảm chi phí
Từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đến DN đang nỗ lực tìm mọi giải pháp để vượt khó, bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ: “Tuy khó khăn nhưng DN vẫn nỗ lực duy trì tổng đàn 600 ngàn heo thịt. Ứng phó với khó khăn, DN tiết kiệm nhất trong mọi chi phí đầu vào chứ không phải giảm sản xuất vì phải đảm bảo đời sống của đội ngũ lao động”.
Theo bà Hương, càng khó khăn, DN càng chăm chút hơn cho chất lượng sản phẩm để giữ chân khách hàng. DN có sản phẩm thịt heo thảo mộc được thị trường đánh giá tốt nhưng giá thành sản xuất cao đang là điểm khó để DN đẩy mạnh dòng sản phẩm này. Theo đó, DN đang tìm giải pháp để giảm chi phí nuôi heo thảo mộc như chủ động trồng thảo dược ngay tại trang trại. Ngoài ra, DN đang hoàn thiện hơn chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, linh động trong khâu phân phối ra thị trường. Ngoài ra, từ năm 2022, DN đầu tư phát triển hơn mảng sản phẩm chế biến từ nguyên liệu thịt heo. DN cũng đang nâng cấp quy trình sản xuất, chất lượng để sản phẩm đủ chuẩn tham gia thị trường xuất khẩu.
|
Trang trại nuôi heo tại xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu |
Phân tích khó khăn của người chăn nuôi, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) chỉ ra, không riêng ở Việt Nam mà giá heo hơi các nước cũng giảm, thậm chí mức giảm mạnh hơn Việt Nam. Cụ thể, ở Trung Quốc, giá heo hơi hồi tháng 10-2022 là 87 ngàn đồng/kg, nay còn
55-58 ngàn đồng/kg dù nước này đã mở cửa trở lại. Tín hiệu vui là hiện giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới cũng giảm về mức thấp nhất trong vòng 19 tháng qua. Hiện hầu hết thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã được đưa về 0%; chỉ còn riêng mặt hàng khô dầu đậu nành còn chịu mức thuế 2% và đang được kiến nghị đưa về 0%. Hy vọng đến quý II-2023, giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ giảm, phần nào gỡ khó cho hộ nuôi gia súc, gia cầm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến gợi ý, doanh nghiệp, người chăn nuôi phải đi vào ngành hàng kỹ thuật tuần hoàn như đầu tư cho khâu giống; phương thức chăn nuôi cũng phải thay đổi, tiếp cận công nghệ mới khép kín, tự động hóa; xử lý được vấn đề môi trường... để tăng sức cạnh tranh cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra, ngành chăn nuôi cũng phải quan tâm đầu tư sơ chế, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm gắn với chuỗi phân phối để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.