Nguồn: Vtv.vn
Thanh long, sầu riêng Việt Nam sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt ở thị trường Trung Quốc, khi nước này có sản lượng thanh long vượt cả nước ta, còn Thái Lan đã nâng tiêu chuẩn chất lượng đối với sầu riêng xuất khẩu qua đây.
Cuối tháng 2, Trung Quốc công bố nước này đạt sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long một năm - cao hơn Việt Nam 200.000 tấn. Vị trí đứng đầu thế giới về sản lượng thanh long là kết quả của việc nước này liên tục mở rộng diện tích trồng.
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ của người dân khoảng 2 triệu tấn một năm. Như vậy, sản lượng thanh long tự sản xuất của họ đã gần đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng cả nước.
Còn sầu riêng của Trung Quốc sau nhiều năm thử nghiệm thất bại, nay đã bắt đầu cho trái. Sản phẩm dự kiến bán ra thị trường năm sau, với nguồn cung khoảng 45.000 - 75.000 tấn. Dự kiến, quy mô trồng sầu riêng sẽ được mở rộng ra phía Bắc.
Trung Quốc đang tìm cách nhập khẩu cây giống chất lượng cao từ nước ngoài (bên cạnh nguồn cây giống trong nước). Nông dân của họ cũng có thể sử dụng cây sầu riêng địa phương đã ra hoa kết trái trên 3 năm, làm cây mẹ để ghép và nhân giống.
Việc Trung Quốc đang lên kế hoạch làm chủ nguồn cung nông sản khiến các nhóm hàng nổi bật của Việt Nam như thanh long, sầu riêng, chiếm 90% sản lượng được xuất khẩu sang thị trường này, có nguy cơ dư thừa.
Theo Cục trồng trọt, tính đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng đã đạt 110.000 ha, vượt khoảng 35.000 ha so với định hướng. Hai tháng đầu năm, khi giá mặt hàng này tăng đột biến, các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên còn có hiện tượng phá cà phê, hồ tiêu, lúa để trồng sầu riêng.
Với tình trạng trên, Cục trồng trọt cảnh báo việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát như trên sẽ dẫn đến hậu quả khó lường như cung vượt quá cầu. Ngoài ra, nếu trồng không theo quy hoạch sẽ gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.