Thành phố Davao-Philippines vốn nổi tiếng là “thủ đô của sầu riêng” khi vùng đất núi lửa nơi đây chiếm đến 80% sản lượng sầu riêng toàn quốc. Thế nhưng giờ đây ngay tại Davao cũng thiếu nguồn cung loại quả này khi chúng hầu hết đã được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Mọi chuyện bắt đầu từ thỏa thuận tự do thương mại được ký từ đầu tháng 1/2023 giữa 2 nước, tiếp đó là chuyến thăm của Tổng thống Ferdinand Marcos Jnr tới Bắc Kinh đã lần đầu tiên mở ra cánh cửa thị trường 1,4 tỷ dân này cho ngành sầu riêng Philippines.
“Trung Quốc là một quốc gia đông dân nên họ là thị trường xuất khẩu rất quan trọng”, anh Faye Oguio có 3ha đất trồng sầu riêng tại Davao nói.
Thế nhưng ngành sầu riêng lại không chỉ có Philippines, Đông Nam Á còn có Việt Nam, Thái Lan và Malaysia cũng trồng được loại quả này. Dù mùi của chúng khá khó chịu cho những người mới ăn nhưng sầu riêng lại ngày càng được dùng nhiều cho các sản phẩm như bánh trái, đồ ăn nhà hàng ở Trung Quốc.
Theo tờ SCMP, việc Trung Quốc mở cửa thị trường nội địa của mình cho ngày càng nhiều nhà sản xuất sầu riêng ở Đông Nam Á trong năm qua đã tạo nên một cuộc cạnh tranh ngầm ở ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á). Thậm chí Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giúp loại bỏ thuế quan và giảm thủ tục có hiệu lực từ tháng 1/2022 cũng góp phần khiến cuộc cạnh tranh thị trường sầu riêng này trở nên nóng bỏng hơn.
Anh Huang Dapeng của hãng nhập khẩu hoa quả TC Durian tại Zhejiang, Trung Quốc cho biết tốc độ tăng trưởng của công ty này đã đạt tới hơn 50% trong 5 năm qua nhờ sự bùng nổ của sầu riêng.
“Khi chúng tôi mới vào ngành này cách đây 7 năm trước, chỉ có 2 nơi là ăn sầu riêng. Thế nhưng giờ đây khắp mọi miền đất nước Trung Quốc, từ Bắc xuống Nam, từ người già để trẻ em đều thích ăn sầu riêng”, anh Huang cười nói khi cho biết doanh thu hàng năm của công ty mình đã lên đến 50 triệu Nhân dân tệ, tương đương 7,4 triệu USD.
Năm 2022, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 824.000 tấn sầu riêng với tổng giá trị lên đến hơn 4 tỷ USD. Con số này cao gần gấp 4 lần về số lượng và 7 lần về kim ngạch so với năm 2017.
Đại chiến
Theo SCMP, Thái Lan là nước xuất khẩu chính về mảng sầu riêng tươi cho Trung Quốc, trong khi Malaysia là nước nhắm đến sầu riêng đông lạnh chất lượng cao. Tình hình này đã tồn tại nhiều năm cho đến tháng 9/2022 khi Trung Quốc cho phép 51 nhà xuất khẩu sầu riêng cùng 25 hãng đóng gói từ Việt Nam tiếp cận thị trường này.
Tờ SCMP nhận định với đường biên giới giáp ranh Trung Quốc, việc xuất khẩu sầu riêng từ Việt Nam sang đất nước tỷ dân trở nên thuận lợi hơn nhiều, đồng thời giúp sản phẩm tươi ngon hơn, chất lượng hơn so với những đối thủ khác.
“Việc được xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc mang ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam, không phải chỉ bởi vì giá trị xuất khẩu cao mà còn bởi đây là tín hiệu thị trường tỷ dân này sẽ mở cửa cho nhiều mặt hàng nông sản Việt nữa qua được chính ngạch”, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung của trường đại học Fullbright University tại Việt Nam nhận định.
Tương tự, Philippines cũng không chịu chậm chân. Chỉ trong vòng 4 tháng, quốc gia này đã trở thành nước xuất khẩu sầu riêng tươi nhiều thứ 3 sang Trung Quốc. Các quan chức địa phương nhận định ngành này có thể đem về 150 triệu USD thu nhập trong năm đầu tiên thực hiện thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc, đồng thời tạo ra 9.696 việc làm trực tiếp cùng 1.126 việc làm gián tiếp.
Trong khi đó, anh Huang của TC Durian thì nhận định việc nhu cầu trong nước cao sẽ khiến rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đổ sang Đông Nam Á để xây dựng chuỗi cung ứng sầu riêng. Bản thân TC Durian cũng đã đầu tư vào một nhà máy đóng gói tại Việt Nam vào năm 2022, đồng thời đang có kế hoạch mở rộng sang cả Philippines và Campuchia vào cuối năm nay.
Số liệu của Tổng cục hải quan Trung Quốc cho thấy ASEAN và Trung Quốc là những đối tác thương mại lớn nhất của nhau trong năm qua với tổng kim ngạch giao thương lên đến 975,3 tỷ USD.
Sự trỗi dậy của Việt Nam và Philippines đã khiến Thái Lan lẫn Malaysia lo lắng.
“Với việc Philippines được cấp phép nhập khẩu sầu riêng vào Trung Quốc thì Malaysia sẽ phải đối mặt nguy cơ mất thị phần”, chuyên gia kinh tế Haris Shaiful Bahari của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (ISIS) ở Malaysia cảnh báo.
Thách thức
Mặc dù vậy, nông sản của những người chơi mới cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn cạnh tranh tại Trung Quốc.
Cựu chuyên gia phân tích Andrea Chloe Wong của Viện quan hệ quốc tế Philippines (FSI) nhận định trước đây Trung Quốc đã dùng sản phẩm chuối của nước này làm quân bài gây sức ép về chính trị và điều này hoàn toàn có thể lặp lại với sầu riêng.
Vào năm 2012, khi quan hệ ngoại giao 2 nước trở nên căng thẳng, Trung Quốc đã ra lệnh siết chặt kiểm soát nhập khẩu chuối từ Philippines với lý do nghi ngờ bị nhiễm rệp sáp (Mealybug).
Đồng quan điểm, Phó giáo sư Xie Kankan của trường đại học Peking University nhận định việc phụ thuộc vào một thị trường lớn như Trung Quốc sẽ rất dễ chịu các tác động về địa chính trị, trong khi Thái Lan và Malaysia lại thường không có xung đột gì với chính quyền Bắc Kinh.
Trong khi đó, anh Jay Zhong, một thương nhân chuyên nhập khẩu sầu riêng tại Quảng Đông ví nông sản này trở thành món ăn không thể thiếu tại nhiều nơi ở Trung Quốc, tương tự như tôm hùm đá Australia trước đây.
Món tôm hùm đá của Australia từng là biểu tượng sang chảnh không thể thiếu tại các đám cưới và bữa tiệc của Trung Quốc, Thế nhưng chúng đã bị chính quyền Bắc Kinh cấm không chính thức cùng với những mặt hàng khác như than, đồng, rượu... vào cuối năm 2020.
Bất chấp những rủi ro đó, thị trường 1,4 tỷ dân của Trung Quốc quá béo bở để có thể bỏ qua.
“Chẳng ai có thể dễ dàng phớt lờ miếng bánh thị trường Trung Quốc cả”, anh Zhong cười nói.