Nguồn: nongnghiep.vn
Hỏi: Công ty có nhu cầu tìm hiểu các thị trường trên thế giới, có một số quốc gia yêu cầu mã số vùng trồng, mã số đóng gói, nhà nước có bộ phận hỗ trợ hoặc nguồn thông tin để giúp doanh nghiệp? (Đại diện một doanh nghiệp).
Cục Bảo vệ thực vật: Để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu về quy định kiểm dịch thực vật của các thị trường, hiện Cục Bảo vệ thực vật đang vận hành website "sẵn sàng xuất khẩu" tại địa chỉ: www.sansangxuatkhau.ppd.gov.vn
Đối với quy trình cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đề nghị liên hệ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hoặc cơ quan chuyên về bảo vệ thực vật tại các tỉnh để được hướng dẫn.
Hỏi: Các loại cây trồng ngắn ngày như khoai lang thì khi kiểm tra mã vùng trồng có yêu cầu đang có cây khoai lang trồng trên đất không? Do có trường hợp khi khoai đang trồng thì đã làm hồ sơ làm mã vùng trồng nhưng đến khi bên Hải quan Trung Quốc lên lịch kiểm thì khoai đã thu hoạch rồi nên không có để kiểm tra. Có cách nào hỗ trợ giúp trường hợp này không? (Công ty TNHH XNK Trái Cây Hoa Cương, 0862594079).
Cục Bảo vệ thực vật: Hiện tại phía Trung Quốc đang thực hiện kiểm tra đối với các cơ sở đóng gói theo các yêu cầu ở nghị định thư. Đối với các vùng trồng, sau khi ký kết nghị định thư thì phía Hải quan Trung Quốc chưa có hướng dẫn việc kiểm tra, vì vậy Cục Bảo vệ thực vật ghi nhận lại câu hỏi này để trao đổi với phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Tuy nhiên, để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc kiểm tra về cơ bản các tổ chức cá nhân liên quan phải nắm được các quy định của nghị định thư và chuẩn bị sẵn một số nội dung:
- Giới thiệu về vùng trồng
- Quy trình sản xuất
- Quy trình quản lý sâu bệnh, sử dụng hóa chất
- Hồ sơ ghi chép tại vùng trồng
Ngoài ra trong quá trình kiểm tra phía Hải quan Trung Quốc sẽ đặt thêm các câu hỏi khác tùy thuộc vào sự quan tâm của chuyên gia kiểm tra.
Hỏi: Các mã vùng trồng của HTX thì chi cục BVTV có được quyền giữ hay không? Sau khi HTX ký hợp đồng với công ty xong, đến vụ công ty không thu mua, thì làm sao HTX biết được mã vùng trồng của HTX có bị công ty sử dụng hay chưa? (đại diện một HTX ở Sóc Trăng)
Cục Bảo vệ thực vật: Nếu mã vùng trồng do HTX đứng tên thì đó là tài sản của HTX. Tổ chức, cá nhân nào sử dụng tài sản này phải có sự đồng ý của HTX.
Nếu hợp tác xã ký hợp đồng với phía công ty, trong đó có nội dung đồng ý cho công ty sử dụng mã số của mình thì cần có điều khoản cam kết của công ty về việc sử dụng mã số đúng quy định và điều khoản thu hồi mã số nếu không thu mua hoặc vi phạm các cam kết? Trong đó hợp tác xã cần xây dựng cơ chế báo cáo và giám sát đối với việc sử dụng mã số mà công ty được ủy quyền, trường hợp phát hiện có sai phạm trong sử dụng mã số thì thông báo ngay cho cơ quan chuyên môn tại địa phương biết để kịp thời xử lý.
Hỏi: Mặt hàng nước mắm truyền thống nguyên chất và nước mắm pha chế xuất khẩu. HS Code: 21039012 (Fish Sauce - Nước mắm từ cá cơm), hiện công ty đang xuất khẩu nước mắm đi các nước Korea, US, Thái Lan, Úc và Japan... như thực phẩm bình thường chứ không xếp vào hàng thủy hải sản. Vậy xin hỏi mặt hàng nước mắm cá cơm xuất khẩu vào Trung Quốc với HS code định danh HS Code: 21039012 thì đáp ứng các quy định và yêu cầu gì? (Công ty CP Chế biến & Xuất khẩu nước mắm Phan Thiết - Mũi Né)
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường: Đối với thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần được thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc, sau đó đăng ký trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Hải quan Trung Quốc. Trên hệ thống, CIFER đăng ký mã HS sản phẩm gia vị có nguồn gốc thủy sản HS: 2103909000 (CIQ: 139) để tiến hành đăng ký.
Hỏi: Đề xuất với chính quyền Việt Nam và Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch thí điểm sứa Việt Nam vào Trung Quốc, theo đó có thể thí điểm gia công tại Đông Hưng. Chúng tôi đề xuất hai bên tập trung phát triển ưu thế đặc biệt của hai thành phố vùng biên Đông Hưng - Móng Cái; khuyến khích doanh nghiệp chế biến của Trung Quốc hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam để lập thành chuỗi sản xuất an toàn, ổn định sản phẩm sứa và nhiều sản phẩm thủy sản khác. (Công ty xuất nhập khẩu Đồng Thái, Đông Hưng, Trung Quốc).
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường:
Đối với sản phẩm sứa, hiện sản phẩm này chưa nằm trong Danh mục 128 sản phẩm thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc do Hải quan Trung Quốc công bố. Để mở cửa thị trường đối với sản phẩm này, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã gửi bộ hồ sơ đăng ký xuất khẩu sản phẩm sứa của Việt Nam theo đúng hướng dẫn của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc, đồng thời đã có nhiều văn bản đề nghị, đôn đốc phía Trung Quốc sớm quan tâm, xử lý.
Hiện nay phía Trung Quốc đang trong quá trình xử lý đề nghị của phía Việt Nam. Cục sẽ thông báo tới các doanh nghiệp về kết quả xem xét của phía Trung Quốc ngay sau khi nhận được.