Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lâm nghiệp xã hội & xã hội hoá lâm nghiệp
23 | 09 | 2007
"Xã hội hoá lâm nghiệp, có chính sách đảm bảo cho người làm rừng sống được bằng nghề rừng. Kết hợp lâm nghiệp với nông nghiệp" là phương hướng cơ bản để xây dựng hệ thống chính sách lâm nghiệp ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

1. Từ thời kỳ Đổi Mới đến nay, nghề rừng nước ta đã có những chuyển biến đáng kể về định hướng chiến lược và chính sách phát triển lâm nghiệp. Từ những Văn bản qui phạm pháp luật (VBQPPL) đã ban hành cũng như trên thực tế đã thể hiện rõ những quyết tâm chuyển đổi lâm nghiệp từ một ngành kinh tế có nhiệm vụ khai thác tài nguyên rừng là chính sang xây dựng ngành lâm nghiệp với nhiệm vụ cơ bản là xây dựng và phát triển vốn rừng; đẩy mạnh sản xuất lâm sản và phát triển các dịch vụ lâm nghiệp trên cơ sở vốn rừng và tài nguyên rừng được quản lý bền vững.

Trên thực tế, các cơ quan nhà nước ở cấp Trung ương đã ban hành gần 200 VBQPPL có liên quan đến Chính sách lâm nghiệp (CSLN). Từ năm 1993 đến nay, Chính phủ đã liên tục hoạch định và tổ chức thực thi 2 Chương trình quốc gia lớn về khôi phục và phát triển rừng, đó là: Chương trình 327 và Dự án 661, với mục tiêu quyết tâm nâng cao độ che phủ rừng của toàn quốc đạt trên 43% vào năm 2010. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về Phê duyệt Chiến lược Phát triển lâm nghiệp đến năm 2020. Về tổng thể, nước ta đã hình thành một hệ thống chính sách lâm nghiệp được trình bày ở các Nghị quyết của Đảng và các VBQPPL của nhà nước.

2. Hệ thống CSLN hiện hành đã có nhiều tác động tích cực đến quá trình thực hiện các mục tiêu phát triễn lâm nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội (KTXH), biểu hiện ở các biến đổi chủ yếu sau đây:

  • Đã ngăn chặn được nạn suy giảm diện tích rừng. Khoảng 15 năm gần đây, độ che phủ rừng toàn quốc liên tục tăng, từ 27,2% vào năm 1990 lên 37% vào năm 2005;
  • Đã qui hoạch và thiết lập 126 khu rừng đặc dụng với diện tích gần 2 triệu ha, đặt được nền móng ban đầu để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đa dạng sinh học và quản lý, phát triển lâm nghiệp theo hướng xây dựng lâm nghiệp sinh thái;
  • Tốc độ phát triển trồng rừng cao, diện tích rừng trồng hiện có lớn. Hiện nay, nước ta là một trong 14 nước có trên 1 triệu ha rừng trồng;
  • Công nghiệp gỗ và lâm sản đã có những chuyển đổi tích cực về cơ cấu và nâng cao năng lực sản xuất, góp phần tạo nên một thành tựu có tính đột biến về nâng cao kim ngạch xuất khẩu lâm sản và tạo những cơ hội mới để phát triển rừng nguyên liệu công nghiệp;
  • Các hoạt động kinh doanh rừng và sản xuất lâm nghiệp đã bước đầu thu hút sự tham gia của toàn xã hội, và đang chuyển hướng theo hướng phát triển lâm nghiệp xã hội, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nhiều tầng lớp nhân dân khác nhau .

3. Tuy vậy, cần nhận rõ những điểm yếu kếm về phát triển rừng và lâm nghiệp bền vững ở nước ta trong giai đoạn mới , đó là:

  • Nhận thức của xã hội về vai trò, lợi ích của rừng và nghề rừng còn rất khác nhau;
  • Sự tham gia của người dân trong quá trình phát triển lâm nghiệp còn thấp.Vai trò và tác động của rừng và nghề rừng đối với xoá đói giảm nghèo, phát triển nông thôn miền núi còn thấp; Trình độ xã hội hoá lâm nghiệp chưa đạt được các mục tiêu mong muốn;
  • Tốc độ tăng trưởng và đóng góp của ngành lâm nghiệp còn rất thấp;
  • Cơ cấu rừng và cơ cấu kinh tế lâm nghiệp chưa phù hợp với yêu cầu của đất nước và chuyển dịch cơ cấu lâm nghiệp trong quá trình công nghiệp hoá đất nước đang còn chậm;

4. Thực trạng yếu kém: Mặc dù độ che phủ rừng đang dần dần tăng lên, nhưng chất lượng rừng chưa có những cải thiện rõ rệt. Sức sản xuất, năng lực phòng hộ của rừng tự nhiên và rừng trồng còn quá thấp; Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng còn nhiêu bất cập. Hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên rừng chưa cao. Càng xuống cấp dưới, càng đi vào những vùng lãnh thổ có nhiều rừng, các yếu kém về quản lý nhà nước đối với rừng càng bộc lộ rõ ràng .

5. Phát triển rừng và Phát triển lâm nghiệp bền vững trong giai đoạn hiện nay là một đòi hỏi khách quan và tất yếu và đang đứng trước những thách thức rất tô lớn sau đây:

· N­ước ta là một n­ước đất hẹp, ngư­ời đông, là nư­ớc nghèo về rừng;

· Quỹ đất dành để xây dựng và phát triển rừng chưa rõ ràng và mức độ ổn định của lâm phận hiện có rất thấp .

· Năng lực tiềm tàng của rừng chưa được khai thác và sử dụng hợp lý theo quan điểm kết hợp bảo tồn và phát triển nên tốc độ tăng trưởng và đóng góp của lâm nghiệp vào GDP còn quá thấp;

· Những nguyên nhân gây nên nạn mất rừng vẫn đang tồn tại và đầy thách thức như: Đói nghèo và gia tăng dân số vẫn còn tồn tại ở nhiều vùng; Hiệu quả của các giải pháp để bảo vệ và phát triển rừng còn thấp.

· Năng lực quản lý rừng của các chủ thể đang đ­ư­­­ợc giao nhiệm vụ quản lý rừng còn yếu kém và không ổn định;

· Nguồn lực đầu tư­ cho lâm nghiệp chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao;

6. Để đối phó với các thách thức và giải quyết các tồn tại nói trên, phấn đấu thực hiện các mục tiêu đã nêu trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp đến năm 2020, chúng ta cần tập trung nghiên cứu, hoạch định,tổ chức thực hiện một hệ thống chính sách lâm nghiệp có khả năng thu hút cao sự tham gia của người dân, của các thành phần kinh tế , tạo nên động lực mới để phát triển lâm nghiệp bền vững trong điều kiện của nền kinh tế thị trường.

7. Muốn xây dựng hệ thống chính sách lâm nghiệp đáp ứng được yêu cầu phát triển lâm nghiệp cần phải xoá bỏ những “tư duy bao cấp, chủ quan, duy ý chí” đang tồn tại, đáng lưu ý nhất là:

  • Tư duy và nhận thức ”Rừng là kho gỗ, kho tài nguyên tự nhiên không có giá trị”;
  • Chưa chú trọng đúng mức vai trò của con người và chưa nghiên cứu kỹ các qui luật xã hội, các vấn đề xã hội phát sinh và cần giải quyết trong quá trình phát triển lâm nghiệp.
  • Tư­ duy lý luận về quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền hưởng lợi về rừng và đất lâm nghiệp ch­ưa minh bạch, còn nhiều lẫn lộn, thường lo sợ nếu giao rừng đến tận các hộ gia đình quản lý và hưởng lợi thì rừng sẽ bị mất;
  • Tư­ duy ”phát triển bình quân” đã dẫn đến tình trạng dàn trải trong đầu t­ư và quản lý ,xây dựng rừng;
  • Tư­ duy về quan hệ giữa bảo vệ/bảo tồn rừng - sử dụng rừng - phát triển rừng chua đầy đủ và chưa đúng, không nhất quán.
  • Tư duy xem nhẹ tác động của các qui luật của kinh tế thị trường và những qui luật lâm sinh, lâm học.

Phát triển lâm nghiệp trong điều kiện nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển đòi hỏi chúng ta phải xây dựng những tư­ duy mới, đó là :

  • Tôn trọng tác dụng nhiều mặt của rừng, chú trọng cao đến các tác dụng sinh thái rừng;
  • Thật sự coi trọng vai trò của con người trong quá trình bảo vệ và phát triển rừng ,
  • Tôn trọng các qui luật kinh tế thị trường;
  • Tôn trọng các qui luật lâm sinh và qui luật về xã hội - nhân văn;

    !!

    8. Đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp xã hội là cách lựa chọn hợp lý để xây dựng hệ thống chính sách phát triển lâm nghiệp ở nước ta trong giai đoạn hiện nay

    Đại hội Đảng lần thứ IX đã xác định: “Bảo vệ và phát triển rừng, nâng độ che phủ của rừng lên 43%. Hoàn thành việc giao đất, giao rừng ổn định và lâu dài theo hư­ớng xã hội hoá lâm nghiệp, có chính sách bảo đảm cho ngư­ời làm rừng sống được bằng nghề rừng. Kết hợp lâm nghiệp với nông nghiệp và có chính sách hỗ trợ để định canh, định cư, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân miền núi. Ngăn chặn nạn đốt, phá rừng. Đẩy mạnh trồng rừng kinh tế, tạo nguồn gỗ trụ mỏ, nguyên liệu cho công nghiệp bột giấy, công nghiệp chế biến gỗ và làm hàng mỹ nghệ xuất khẩu; nâng cao giá trị sản phẩm rừng”.

    Cần khẳng định “ xã hội hoá lâm nghiệp, có chính sách bảo đảm cho ngư­ời làm rừng sống được bằng nghề rừng. Kết hợp lâm nghiệp với nông nghiệp” là phương hướng cơ bản để xây dựng hệ thống CSLN ở nước ta trong giai đoạn hiện nay vì: Phát triển lâm nghiệp xã hội phù hợp với thực tiễn cơ cấu dân số, phân bố dân cư và trình độ kinh tế -xã hội, phù hợp với ý kiến, nguyện vọng của gần 30 triệu cư dân sống ở vùng gần rừng; Có khả năng sử dụng và phát huy được mọi nguồn lực của người dân; Trên thực tế đã đ­ược nhân dân, nhất là nhân dân sống gần rừng đón nhận và thực hiện và đã xây dựng được những mô hình quản lý rừng có hiệu quả, có tác động tích cực đến PTLNBV.

    9. Lâm nghiệp xã hội là một thuật ngữ phát sinh từ các nước đang phát triển, mới được sử dụng phổ biến trong những thập kỷ gần đây. Hơn nữa, tuỳ theo nhận thức của các nhà nghiên cứu, góc độ nghiên cứu, tình hình KTXH, tình hình rừng và yêu cầu của những vấn đề cần giải quyết ở các nước rất khác nhau, nên nhận thức về khái niệm, đặc trưng của lâm nghiệp xã hội ở các nước cũng rất đa dạng.

    Hiện nay, nhận thức và khái niệm, nội hàm của Thuật ngữ “Lâm nghiệp xã hội và xã hội hoá lâm nghiệp” còn có nhiều điểm khác nhau (cả về mục tiêu, và nội dung, từ cơ quan hoạch định và tổ chức thực thi CSLN, đến tất cả các bên có liên quan) Nhiều nơi, nhiều lúc đang tồn tại những những nhận thức đơn giản, sai lầm về lâm nghiệp xã hội và xã hội hoá lâm nghệp. Trên thực tế đã có những nhận thức đơn giản về khái niệm LNXH và XHHLN, như:

    · Cho rằng XHHLN là chuyển công nhân lâm nghiệp ở các lâm trường quốc doanh thành “nông dân làm nghề rừng”.

    · Cho rằng XHHLN là giảm bớt vai trò của nhà nước đối với ngành lâm nghiệp để bớt gánh nặng về ngân sách đối với rừng, và

    · Cho rằng XHHLN là chuyển từ “lâm nghiệp truyền thống” sang lâm nghiệp xã hội. Có người hiểu lâm nghiệp truyền thống là “lâm nghiệp quốc doanh”, “lâm nghiệp nhà nước . Có người hiểu “lâm nghiệp truyền thống” là “lâm nghiệp khai thác gỗ”.

    10. Chúng ta không nên thảo luận các khái niệm theo kiểu “hàn lâm”, nhưng nếu các nhà hoạch định chính sách không giải thích thống nhất các khái niệm và nội hàm của thuật ngữ “lâm nghiệp xã hội” thì khó xác định đúng nội dung các chính sách lâm nghiệp cần xây dựng để đẩy mạnh thực hiện LNXH và XHHLN .

    Theo chúng tôi, LNXH là thu hút được cao độ sự tham gia của người dân vào các hoạt động lâm nghiệp, từ những hoạt động về quản lý, bảo vệ kinh doanh rừng, nuôi trồng rừng đến khai thác, chế biến lâm sản và các dịch vụ lâm nghiệp khác dựa trên cơ sở tài nguyên rừng. Xã hội hoá lâm nghiệp là quá trình biến đổi từ nền kinh tế lâm nghiệp truyền thống sang xây dựng nền kinh tế lâm nghiệp xã hội với đặc trưng chủ yếu là phát huy vai trò của con người trong quá trình xây dựng và quản lý hệ sinh thái rừng .

    Để nâng cao nhận thức về LNXH cần có những công trình nghiên cứu , tổng thuật về quá trình phát triển lâm nghiệp trên thế giới và nhiều hoạt động truyền thông, thông tin về LNXH và XHHLN để chuyển đến toàn xã hội những nhận thức thống nhất. Đó là giải pháp đầu tiên để thực hiện quá trình xã hội hoá lâm nghiệp ở nước ta

    11. Thực hiện mục tiêu: “ Làm cho mỗi khu đất lâm nghiệp , mỗi cánh rừng đều có chủ, bảo đảm cho người làm rừng sống được bằng nghề rừng” là khởi đầu của quá trình xã hội hoá lâm nghiệp.

    Trong nhiều văn kiện của Đảng đã nhấn mạnh: “Bảo vệ rừng là sự nghiệp của toàn dân” “Đẩy mạnh giao đất giao rừng ,“...làm cho mỗi khu đất, mỗi cánh rừng, mỗi quả đồi đều có người làm chủ cụ thể...”., “Thực hiện “xã hội hoá lâm nghiệp, có chính sách bảo đảm cho người làm rừng sống được bằng nghề rừng”. Đây là đường lối, chủ trương , chính sách phát triển lâm nghiệp mà Đảng đã đề ra ít nhất là gần 25 năm nay ( kể từ Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 12/11/1983 của Ban Bí thư TW Đảng (Khoá V). Sau gần một phần tư thế kỷ thực hiện Chỉ thị này, địa phương nào cũng đã thực hiện giao đất, giao rừng, có nơi đã giao đi, giao lại nhiều lần đến lần thứ 4, thứ 5. Nhiều số liệu công bố kết quả giao đất giao rừng rất khác nhau. Có thể khái quát những tồn tại về thực hiện chính sách giao đất giao rừng như sau:

    + Tiến trình giao đất lâm nghiệp rất chậm chạp và không nhất quán. Tư tưởng chung là không dám giao rừng hiện có mà chỉ giao đất chưa có rừng. Đến nay, tổng số đất được chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 7.106.995 ha, trong đó cấp cho hộ gia đình và cá nhân được 2.937.082 ha (bằng 41,3% tổng số đất đã giao). Số còn lại giao cho các tổ chức (với 4.384 giấy chứng nhận). (Theo Báo cáo giám sát việc Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc Hội về Dự án 5triệu ha rừng )

    + Nguời đựoc giao đất lâm nghiệp vẫn chưa nhận rõ là mình được làm chủ rừng đúng như khái niệm chung của từ ngữ “Ông chủ” đã được nhận thức trong dân gian và khái niệm về “chủ rừng” theo giải thích của Luật BV&PTR.

    + Số người đưa đất lâm nghiệp vào kinh doanh và diện tích đất lâm nghiệp đã giao được đưa vào kinh doanh còn quá thấp.

    + Chưa có nhiều người làm rừng sống được bằng nghề rừng.

    Tuy vậy, trong thực tế cũng đã xuất hiện những điển hình tốt có đủ sức thuyết phục là đường lối nêu trên là chính xác. Vấn đề là, cần có nhận thức đúng và toàn diện về nội dung xã hội hoá lâm nghiệp và xây dựng một hệ thống chính sách khuyến khích và thúc đảy người nhận đất, nhận rừng sử dụng đất được giao vào mục đích lâm nghiệp và theo phương thức nông lâm kết hợp.

    Cùng với nội dung nói trên, chính sách LN cũng cần nghiên cứu để thể chế hoá việc vận dụng đường lối phát triển kinh tế nhiều thành phần trong lâm nghiệp. Cho đến nay, số lượng, qui mô và năng lực của các trang trại nuôi trồng rừng và doanh nghiệp trồng rừng tư nhân còn quá ít. Hầu hết các trang trại và doanh nghiệp trồng rừng tư nhân chưa nhận được quyền sử dụng đất lâm nghiệp lâu dài và ổn định.

    12. Xây dựng hệ thống chính sách phát triển lâm nghiệp xã hội

    Hệ thống chính sách phát triển lâm nghiệp xã hội có những đặc trưng cơ bản sau đây:

    • Thể hiện bằng hệ thống VBQPPL của các cơ quan nhà nước ở các cấp ban hành.
    • Nội dung chủ yếu thường tập trung vào các chính sách và giải pháp để thu hút toàn xã hội , nhất là những cộng đồng dân cư sống gần rừng, sống dựa vào rừng tham gia vào các hoạt động về Quản lý, Bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng- vấn đề cơ bản nhất của lâm nghiệp .
    • Phải xây dựng theo những nguyên tắc và phương pháp thống nhất.

    • Có nhiều nhóm chính sách khác nhau được xây dựng phù hợp với những đối tượng cần tác động và điều chỉnh, nhưng phải tạo thành một hệ thống chính sách đồng bộ, thống nhất và hoàn chỉnh để huy động tốt nhất sự tham gia của nhiều nhóm lợi ích khác nhau.

    13.Rà soát, hoàn thiện và hình thành hệ thống Chính sách LNXH trong thời kỳ mới:

    Cho đến nay, chúng ta đã có nhiều VBQPPL về các chính sách lâm nghiệp Nhưng nhìn chung, có thể thấy là tính chất đồng bộ, liên kết và mức độ tác động của hệ thống chính sách này chưa có thể thu hút cao sự tham gia của nhân dân vào công tác lâm nghiệp và lợi ích của những người tham gia vào các hoạt động lâm nghiệp bền vững chưa có sức khuyến khích và sức thu hút cao.

    Vì vậy, để phát triển và XHHLN, cần đẩy mạnh rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách lâm nghiệp hiện hành để phục vụ cho mục tiêu phát triển LNXH ở những nội dung chính sau đây:

    · Về Chính sách đất đai: Cần rà soát những chính sách, thủ tục và đánh giá việc tổ chức thực thi các VBQPPL về đất đai cụ thể để phát hiện và sửa chữa những điểm chưa hợp lý trong hoạch định và tổ chức thực hiện Luật đất đai nhằm bảo quyền sử dụng đất lâm nghiệp lâu dài và ổn định cho người dân, nhất là quyền được quyết định về những nội dung sử dụng đất đai theo đúng qui luật của kinh tế thị trường.

    · Về Chính sách quản lý rừng: Cần xem xét và xây dựng các chính sách lâm nghiệp với mục tiêu phát huy đầy đủ vai trò tích cực của con người trong hệ sinh thái rừng. Vấn đề quản lý sử dụng rừng theo qui hoạch của 3 loại rừng là vấn đề cần thảo luận thêm về cơ sở lý luận và thực tiễn để đỏi mới chính sách. Vấn đề “đóng cửa rừng tự nhiên “ , trồng cây bản địa, phát triển lâm sản ngoài gỗ là vấn đề cần thảo luận . Chính sách đát đai và Chính sách quản lý rừng phải liên kết chặt chẽ để tạo điều kiện cho dân cư sống gần rừng giải quyết được 5 nhu cầu cơ bản về: Lương thực, Chất đốt, Vật liệu xây dựng nhỏ, Đồng cỏ chăn nuôi và Các thu nhập bằng tiền từ rừng.

    · Về chính sách phát triển nguồn nhân lực: Người dân là lực lượng chính để phát triển LNXH, nhưng đến nay gần như chưa có những chính sách cụ thể nào để phát triển nguồn nhân lực này. Phải có chính sách và phải cải tiến tổ chức và phương pháp truyền thông, giảng dạy để nâng cao kiến thức và kỹ năng lâm nghiệp đến cộng đồng.

    · Về chính sách tài chính, thuế, đầu tư, tín dụng: Chính sách đầu tư và hỗ trợ đầu tư hiện hành chưa rõ ràng, lẫn lộn cả về nhận thức, cơ chế quản lý và sở hữu rừng cây.Tiếp theo là vấn đề hộ nông dân không tiếp cận trực tiếp được với các nguồn tín dụng của nhà nước. Đó là những vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm.

    · Về chính sách cơ cấu cây trồng, khoa học công nghệ và khuyến nông-lâm: Phát triển khuyến lâm, hỗ trợ giống cây rừng và xây dựng mô hình, thông tin thị trường và hướng dẫn người dân lựa chọn cơ cấu cây rừng để đạt năng suất cao và thu nhập cao là những vấn đề rất quan trọng.

    · Về chính sách hỗ trợ đặc biêt đối với đồng bào dân tộc, miền núi và dân cư sống gần rừng: Đáng quan tâm nhất là nghiên cứu về chính sách sử dụng gỗ gia dụng phù hợp với tình hình rừng và lệ tục của từng dân tộc, từng vùng. Đi liền với quyền hưởng dụng các sản phẩm và lợi ích từng vùng cần có chế độ trách nhiệm cân xứng.

    · Về thể chế phân cấp quản lý rừng: Vấn đề đáng quan tâm nhất là phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các Bộ được giao quản lý các loại tài nguyên :Rừng-Đất-Nước- Khoáng sản và Môi trường. Tiếp theo đó là phân cấp quản lý tốt và hợp lý giữa chính quyền nhà nước ở 4 cấp: Trung ương-Tỉnh-Huyện-Xã

     



Tô Đình Mai - Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng
Báo cáo phân tích thị trường