Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tọa đàm chính sách lâm nghiệp
25 | 09 | 2007
Vào chiều 19/04/2007, tại Bộ môn Kinh tế Tài nguyên - Môi trường, Viện Chính Sách và Chiến Lược NN&PTNT đã diễn ra buổi “toạ đàm về chính sách lâm nghiệp”

Tham gia buổi tọa đàm gồm nhiều thành phần quan chức liên quan tới lĩnh vực phát triển môi trường và lâm nghiệp trực thuộc viện Chính sách & Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn. Ông Tô Đình Mai – Giám đốc Trung Tâm Môi Trường và Phát Triển Cộng Đồng, Ông Vũ Văn Mễ – Chuyên gia Viện Quản Lý Rừng Bền Vững, Ông Ngô Văn Hải – Phó trưởng Bộ môn nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, Ông Vũ Duy Hưng – Bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng, Ông Nguyễn Trọng Khương – Bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng, Ông Phạm Quang Diệu – Giám đốc Trung tâm Thông tin NNNT, Và toàn bộ các thành viên Bộ môn Kinh tế Tài nguyên – Môi trường.

Khai mạc buổi toạ đàm ông Đinh Hữu Hoàng - Phó Trưởng Bộ môn đã giới thiệu chung về Viện cũng như Bộ môn, về chức năng nhiệm vụ, định hướng nghiên cứu và những trăn trở hiện nay trong nghiên cứu chính sách lâm nghiệp ở Việt Nam.

Tiếp đó các đại biểu tham dự đã chia sẽ những kinh nghiệm cũng như những ý kiến đóng góp cho Bộ môn về các chủ đề cấp thiết về chính sách lâm nghiệp.

Ông Tô Đình Mai, nguyên Cán bộ Vụ Chính sách Bộ NN đã có những nhận xét về chính sách giao đất giao rừng cho cộng đồng trên phạm vi cả nước. Thực tế cho thấy chỉ có một số tỉnh như Yên Bái, Lai Châu, Sơn La là thực hiện tốt việc giao rừng cho cộng đồng, còn lại hầu hết các tỉnh khác đều chưa thực hiện được. Và trong cách thực hiện việc giao đất rừng cho cộng đồng còn nhiều thiếu sót, còn nhiều vấn đề cần phải xem xét lại về việc xác định quyền sở hữu đối với cộng đồng là chưa đủ và chưa hợp lí, chưa có những chính sách hỗ trợ cụ thể của nhà nước cho cộng đồng trong việc giữ rừng. Đồng thời việc phân chia quyền lợi trong cộng đồng cũng như quyền lợi về kinh tế của cộng đồng la chưa rõ ràng và chưa hợp lí.TS. Vũ Văn Mễ cũng cho rằng, cộng đồng hiện nay vẫn chưa phải là một chủ thể có pháp nhân nên việc phân định trách nhiệm sau này sẽ rất nan giải. Song việc giao rừng cho cộng đồng quản lí dựa trên kinh nghiệm của thế giới, và căn cứ trên nền tảng văn hoá tập tục cộng đồng là khá phù hợp.

Bên cạnh đó Ông cũng đã có những ý kiến về vấn đề chính sách trong lâm nghiệp đối với các Lâm trường quốc doanh, các Ban quản lí dự án, và doanh nghiệp. Trong điều kiện hiện nay, cần phải có những cơ chế quản lí mới đối với các lâm trường quốc doanh. Vì hiện có rất nhiều lâm trường hoạt động không hiệu quả trong khi lại quản lý một diện tích rừng rất lớn. Ngược lại, nhiều lâm trường chỉ có vài ba ngìn hecta, nhưng kinh doanh rất hiệu quả. Việc cho các doanh nghiệp hoạt động trong lâm nghiệp cần phải có cơ chế chính sách phù hợp để tránh hiện tượng phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra như hiện nay.

Ông Mai cũng đã kiến nghị: Để làm tốt những chính sách trong lâm nghiệp, thì chúng ta cần phải có sự nghiên cứu chi tiết hơn nữa. Cần “gia công” thêm các khái niệm trong Lâm nghiệp cho chính xác (Ví dụ như việc xác định hiện trạng rừng, Khái niệm về điều chế rừng…). Phải xác định rõ việc giao đất giao rừng cụ thể, xác định rõ quyền sử dụng cho các đối tượng được giao. Phải gắn được các chương trình Lâm nghiệp với việc phát triển thị trường cho từng chính sách cụ thể đó. Xác định lại việc phân chia 3 loại rừng và nên chia thành 2 loại lâm phần: (i) Lâm phần không chuyển đổi – là loại lâm phần được sử dụng cho bảo về, phòng hộ, du lịch cảnh quan; (ii) Lâm phần chuyển đổi – là những khu vực có thể chuyển đổi sang rừng sản xuất hoặc đất sản xuất. Muốn làm tốt được những vấn đề trên thì việc đẩy mạnh xã hội hoá ngành lâm nghiệp và làm tốt công tác định giá rừng là những nghiên cứu mang tính cấp thiết.

Về câu chuyện nghiên cứu chính sách lâm nghiệp, TS. Vũ Văn Mễ cũng cho rằng Viện phải xác định thứ tự ưu tiên các vấn đề nghiên cứu, sau đó xác định cho được một kế hoạch nghiên cứu chính sách lâm nghiệp trong tương lai và phải đặc biệt phải bám vào nhiệm vụ tham mưu cho Bộ theo chức năng và nhiệm vụ đã được quy định tại quyết định 65 của Bộ trưởng. Ông cũng đã đưa ra một ví dụ nghiên cứu của Hội Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, ra soát lại tất cả các chính sách, các chương trình phát triển lâm nghiệp đã và đang thực hiện, từ đó sẽ giải quyết những vướng mắc của các chương trình này và đề xuất những chính sách, những nghiên cứu mới.

Các vấn đề khác trong lâm nghiệp như việc hình thành chính sách như Cơ chế phát triển sạch trong lâm nghiệp (CDM), chính sách chi trả dịch vụ môi trường (PES) cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận. Tuy nhiên Ông Đinh Hữu Hoàng cho rằng có nhiều nhiệm vụ cấp thiết hơn cần phải nghiên cứu ví dụ như vấn đề làm rõ quyền sử dụng rừng và đất rừng, vấn đề hướng đi cho các lâm trường, cơ chế hưởng lợi rừng và phân chia lợi ích từ rừng, thực trạng và giải pháp đầu tư vào rừng sản xuất, cổ phần hoá lâm trường quốc doanh...

TS. Ngô Văn Hải - Phó trưởng Bộ môn Chiến Lược-Chính Sách có những ý kiến đóng góp về khái niệm cho thuê rừng hay cho thuê về đất rừng. Nhà nước nên cho thuê rừng và đất rừng để các đối tượng và thành phần kinh tế tham gia sản xuất kinh doanh. Song phải có những cơ chế, nghĩa vụ và quyền lợi đối với nhà nước và bên thuê như thế nào cho hợp lí. ThS. Vũ Duy Hưng cũng có những nhận xét về sự chồng chéo trong quản lí quản lí đất đai đối giữa lâm trường và địa phương. Đối với các ban quản lí dự án thì chúng ta lên làm gì. Vì trong cả nước hiện có khoảng 400 Ban Quản lí dự án, và hiện tại tính hiệu quả của những ban quản lí dự án này như thế nào thì cũng là một vấn đề cần bàn xét và có quyết sách mạnh về tự tồn tại của các Ban này. Ông cũng cho rằng cũng nên thực hiện chính sách cổ phần hoá rừng trồng, khuyến khích nhiều đối tượng cùng tham gia vào việc trồng rừng và hưởng lợi ích từ rừng. Nên có cơ chế đấu thầu và chuyển nhượng rừng và đất rừng để tăng cường sự tập trung đất rừng và rừng cho quá trình sản xuất.

Ngoài những ý kiến nổi bật trên, các đại biểu và thành viên tham dự đã cùng nhau trao đổi, và thảo luận về một số kế hoạch hợp tác cho một số chương trình nghiên cứu chính sách lâm nghiệp giữa các đối tác trong và ngoài Bộ Nông Nghiệp.



Bộ môn Kinh tế Tài nguyên Môi trường (DENRE) - IPSARD
Báo cáo phân tích thị trường